Chuyện tác nghiệp của phóng viên VOV ở 'tâm dịch' Trung Quốc
'Để phòng dịch cho vợ con, mỗi khi đi tác nghiệp về, tôi phải thực hiện đủ các bước' - phóng viên Đinh Tuấn kể.
Từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố dịch viêm phổi do virus corona, tôi biết phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Đinh Tuấn từ đó đến bây giờ, luôn có mặt và đưa tin tức về dịch bệnh, nhưng phải thuyết phục khá nhiều lần, tôi mới thực hiện được cuộc trò chuyện với Tuấn, vì anh luôn từ chối “tôi cũng chỉ làm nhiệm vụ như mọi người thôi”.
Đúng là làm nghề phóng viên, tác nghiệp ở mọi nơi, mọi chỗ kể cả nơi khó khăn, nguy hiểm đã trở nên bình thường với chúng tôi. Vì thế, đối với Tuấn, tác nghiệp ở đất nước mà một ngày có thêm hàng ngàn ca nhiễm bệnh và hàng chục người chết vì dịch đã là “công việc bình thường”. Cũng có lẽ vì thế, nên ngày 30 Tết đối với Đinh Tuấn và các phóng viên thường trú lại càng trở nên “bình thường” hơn những ngày bình thường khác để chuyển tải những thông tin ở khắp nơi trên thế giới, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về trong nước.
30 Tết năm nay, đối với Tuấn có nhiều điều khác vì tác nghiệp một mình ở nơi mà dịch bệnh đang bùng phát. Tuấn kể, khi thông tin Trung Quốc có dịch, gần như là mọi nơi “cháy” khẩu trang. Theo khuyến cáo là phải dùng khẩu trang N95 mới có tác dụng phòng dịch, nhất là với những người đi tác nghiệp, phải tiếp xúc với nhiều người như Tuấn.
“Thời điểm đó, để mua được khẩu trang y tế ở Bắc Kinh còn khó, nói gì đến N95. Cũng may vợ tôi có thói quen hay tích trữ từ ngày Bắc Kinh bị ô nhiễm không khí nặng, nên vẫn còn 1 chiếc N95 để chồng đi tác nghiệp. Tôi dùng chiếc khẩu trang đó đi tác nghiệp trong vòng 1 tuần trước khi ở bên nhà (Việt Nam-PV) gửi khẩu trang sang” - Tuấn kể.
Dù ở Bắc Kinh cách vùng tâm dịch Vũ Hán khá xa nhưng vào thời điểm đó, ở đây cũng đã có hàng chục người bị nhiễm virus corona và hàng trăm người bị nghi nhiễm, nên người Bắc Kinh cũng khá hoang mang, lo lắng. Thế là trong thời gian “chờ tiếp viện khẩu trang”, vợ và con nhỏ 2 tuổi của Tuấn phải “cấm cung” ở trong nhà, mọi việc chợ búa, giao tiếp từ “cửa” trở ra là do Tuấn tranh thủ những lúc tác nghiệp xong.
Với Tuấn, tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh đã trở nên bình thường, nhưng người thân ở Việt Nam và vợ lại khá lo lắng. Ở Bắc Kinh lúc bấy giờ, các nhà hàng đóng cửa, nhiều khu chung cư khuyến cáo không đến nhà nhau, người ta cũng khá hạn chế nói chuyện với nhau, nên khi thấy chồng phải thường xuyên tiếp xúc với mọi người, không biết ai nhiễm dịch ai không, người vợ trẻ khá hốt hoảng. Nhưng được sự động viên của chồng, cô cũng an tâm phần nào nhưng cũng không khỏi lo lắng. Gia đình hai bên ở Việt Nam thì liên tục giục giã Tuấn đưa vợ và con nhỏ về trong nước, nhưng vợ Tuấn nhất quyết ở lại kề vai sát cánh cùng chồng.
Tuấn tâm sự, có vợ con ở cùng, mỗi khi đi làm về, cũng khá vui và quên đi mệt nhọc. Nhưng thực sự, giữa tâm dịch như lúc này, trong lòng Tuấn cũng không khỏi lo lắng. “Để phòng dịch cho vợ con, mỗi khi đi tác nghiệp về, tôi phải phòng dịch đủ các bước. Trước hết là “vệ sinh” cho phương tiện tác nghiệp như máy quay, ghi âm, míc… Về đến cửa là phải xịt khử trùng khắp người, sát khuẩn họng, thay hết quần áo và tắm rửa sạch sẽ mới dám vào chơi với con. Từ hôm có dịch, ngày nào tôi cũng phải thực hiện đầy đủ quy trình như vậy”.
Tuấn kể, tác nghiệp trong khi có dịch lại vào dịp Tết nên cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đúng ngày 23/1, Trung Quốc cô lập thành phố Vũ Hán để khoanh vùng dịch cũng là 29 Tết, cũng là lúc phóng viên thường trú lại càng phải bận rộn để làm chương trình. Để làm chương trình Tết, bắt buộc phóng viên phải đến các khu chợ, trung tâm thương mại để quay phim và phỏng vấn. Vì cũng là ngày cận Tết, nên người Trung Quốc đi mua sắm ở những nơi này khá đông, nên khi Tuấn đi làm, vợ lo lắng dặn dò đủ thứ.
“Cũng may là mọi người ở đây khá tạo điều kiện cho chúng tôi tác nghiệp. Dù dịch đang bùng phát và bận rộn lo Tết, nhưng người dân Trung Quốc vẫn vui vẻ dừng lại để trả lời chúng tôi và chúc chúng tôi năm mới nhiều may mắn. Tình cảm đó làm tôi quên đi cảm giác đang tác nghiệp trong vùng dịch mà thấy thật ấm áp như đang ở quê nhà. Chúng tôi chỉ mong có được thật nhiều thông tin hữu ích để chuyển tải về trong nước” - Tuấn tâm sự.
Ngày 30 Tết lại càng bận rộn đối với Tuấn và gia đình. “Buổi sáng, tôi tranh thủ lúc đi tác nghiệp “thả” vợ con ở chợ, Trung tâm mua sắm để sắm sanh một chút cho Tết, sau đó làm việc đến tối, chỉ kịp về đưa vợ con đến Đại sứ quán đón Giao thừa. Dù tác nghiệp ở nơi có dịch và bận rộn nhưng năm nay cũng là một trải nghiệm đáng nhớ trong nghề đối với tôi.
Đêm 30 Tết, tôi phải nối cầu trực tiếp về trong nước. Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc khi đó tương đối căng thẳng, nhiều người từ chối phỏng vấn, tiếp xúc. Hôm đó khách mời VOV là một cặp vợ chồng người Trung Quốc. Thực sự tôi cũng khá lo lắng với tình hình "nước sôi lửa bỏng" như thế này, họ có thể hủy cuộc hẹn bất cứ lúc nào. Nhưng thật may mắn, họ vẫn giữ lời hứa vì họ bảo “chúng tôi phải giữ chữ tín với VOV” - Tuấn kể.
Đến hôm nay, đã hơn nửa tháng tác nghiệp ở Trung Quốc với diễn biến dịch ngày càng phức tạp, gần 600 người tử vong và hơn 28.000 người nhiễm corona ở nơi đây, nhưng với Đinh Tuấn “tôi đã chứng kiến từ lúc đầu dịch đến giờ, không có lý do gì để tôi chùn bước. Có chăng chỉ là thêm kinh nghiệm tác nghiệp, trang bị thêm cho mình và người thân kỹ năng sống chung cùng dịch bệnh. Chúng tôi luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ là người chiến sỹ trên mặt trận tuyên truyền ở mọi nơi, mọi lúc”./.