Chuyện tăng gia ở Đồn Biên phòng Nhâm

Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị đang duy trì tốt hoạt động chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Khu chăn nuôi của đơn vị nằm lọt dưới một thung lũng nhỏ, phía sau doanh trại. Trong dãy chuồng được thiết kế theo kiểu nuôi nhốt kết hợp chăn thả, những con lợn lai trông sạch sẽ, béo tròn bởi sự 'mát tay' của những người lính Biên phòng.

Đại tá Đỗ Hiệp Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP (thứ hai từ phải sang) kiểm tra khu chăn nuôi của Đồn Biên phòng Nhâm. Ảnh: Văn Chương

Đại tá Đỗ Hiệp Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP (thứ hai từ phải sang) kiểm tra khu chăn nuôi của Đồn Biên phòng Nhâm. Ảnh: Văn Chương

Đồn Biên phòng Nhâm nằm ở khu vực giáp biên giới, cách xa khu dân cư hàng chục km. Một mặt của đồn dựa vào mỏm núi, một mặt nhìn xuống con đường dẫn ra con suối nước trong vắt, uốn lượn giữa những triền núi trùng trùng, điệp điệp. Nằm ở địa thế rừng núi mênh mông đó, bên cạnh công tác tuần tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ biên giới, đơn vị còn triển khai thực hiện tốt nội dung tăng gia, tạo nguồn rau xanh, thức ăn tại chỗ, đồng thời giúp cho các chiến sĩ học thêm được một công việc vốn của những người nông dân gốc rạ.

Buổi chiều, khi tiếng kẻng báo thức vang lên thì bầu trời xuất hiện đầy mây vần vũ. Nhìn chiếc máy đo mưa tự động ở góc đồn, tôi hỏi và được anh em đơn vị cho biết: “Tăng gia ở vùng rừng núi A Lưới này khó hơn dưới miền xuôi, bởi vào mùa này, cứ đầu giờ chiều là trời đổ mưa. Nhiều loại rau mới nhú lên xanh mơn mởn, nhưng do mưa lớn quá nên đều bầm dập, phải tiếp tục gieo trồng đợt rau khác cho đến khi thành công thì thôi”.

Tại vườn tăng gia, hàng mít cao sản lai mít Thái đang mọc ra những chùm quả treo khắp cành cây. Gần đó là các loại cây ăn quả khác như ổi, nhãn, chuối lên xanh tốt. Đơn vị tổ chức tăng gia theo hình thức vừa trồng cây ngắn ngày, vừa trồng cây dài ngày xen kẽ. Những loại cây ngắn ngày được đơn vị trồng như rau cải, xà lách, rau dền. Theo báo cáo về công tác chăn nuôi và tăng gia của Đồn?Biên phòng Nhâm, chỉ trong 9 tháng của năm 2020, đơn vị đã nhập kho 5.590kg lương thực, thực phẩm; tổ chức quy hoạch 5 vườn, 3 giàn, tập trung trồng các loại rau chịu hạn và sự khắc nghiệt của thời tiết như: Cải, cô ve, rau dền, mồng tơi...

Từ phía sau đơn vị tới chân núi là một thung lũng nhỏ và bằng phẳng, tạo thành một bình nguyên rợp bóng xanh, mát. Đơn vị đã tận dụng khu vực này làm trang trại chăn nuôi lợn lai, bò thả rông. Trung tá Hồ Hồng Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm thỉnh thoảng lại xắn tay áo xuống kiểm tra khu chăn nuôi, đi vào từng khu chuồng, ra ao cá, vườn rau xanh, đến khu vực nuôi dê nằm cách đơn vị 3 km và hiện nay đã hình thành đàn gần 20 con. Trung tá Hà chia sẻ với tôi câu chuyện vui nhộn về “bà mẹ lợn lai sinh sản rất đều, cứ mỗi lứa là sinh cả chục lợn con; dê nuôi thả trên núi cũng liên tục sinh sản tốt”.

Tôi được biết, Trung tá Hồ Hồng Hà, quê ở thôn A Ting, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một người con đồng bào dân tộc Tà Ôi. Anh Hà cho biết, đơn vị đầu tư phát triển đàn gia súc, hiện nay, đàn dê đã lên tới gần 40 con, đàn bò đang phát triển gần 20 con. Được biết, từ năm 2000 đến năm 2011, anh Hà trải qua nhiều vị trí công tác và các đơn vị khác nhau. Từng công tác tại Đồn Biên phòng Nhâm, giữ chức Đội trưởng Đội Vũ trang, sau đó chuyển sang Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt 11 năm, xuống công tác tại 2 đơn vị nằm ở tuyến biển và đến tháng 4 năm 2018 thì quay trở lại Đồn Biên phòng Nhâm, giữ chức Đồn trưởng. Thời còn trẻ đã gắn bó với đơn vị, vì vậy, giờ đây anh luôn xác định “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, luôn góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh về mọi mặt.

A Lưới là địa phương vùng cao, thời tiết khắc nghiệt hơn dưới đồng bằng. Để trồng được rau xanh, đơn vị đã huy động cán bộ, chiến sĩ cải tạo đất, cứ định kỳ 2 năm chở đất về thay, bón thêm phân chuồng, nhờ đó, rau xanh mới có thể phát triển. Một số cán bộ, chiến sĩ cho biết, tình hình tăng gia ở Đồn Biên phòng Nhâm so ra vẫn thuận lợi hơn Đồn Biên phòng Hương Nguyên nằm ở khu vực giáp ranh với địa bàn biên giới tỉnh Quảng Nam. Vì khu vực này quá lạnh nên rau xanh cứ nhú ra rồi lại queo lá; lạnh chưa hết thì tiếp đến là sương mù, mưa đổ trắng trời, nên rau đều khó phát triển.

Để chăn nuôi thành công, bên cạnh việc quán xuyến, sâu sát của chỉ huy, đội hậu cần thì đơn vị cũng phải tuyển chọn người “mát tay” để nuôi heo chóng lớn, phát hiện kịp thời bệnh tật để điều trị. Đơn vị đã cử Binh nhất Phan Văn Bảo, là người có gia đình tái định cư tại địa bàn xã A Lưới để nhận công việc này.

Quan sát chuồng lợn luôn sạch sẽ, khô ráo, lợn ăn no rồi nằm ngủ, mỗi con lợn nái sinh một lúc từ 11-12 con, sinh trưởng tốt, tôi không cần hỏi thêm về công sức, “bí quyết” chàng binh nhất này, mà chỉ thầm cho điểm giỏi đối với người lính chăm chỉ như một nông dân.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-tang-gia-o-don-bien-phong-nham-post433724.html