Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là biểu tượng của tình hữu nghị nhân dân hai nước

Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ là biểu tượng của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt, mà còn thể hiện mong muốn tình hữu nghị này mãi mãi trường tồn và được truyền lại cho các thế hệ sau.

Bà Vu Thục Huệ trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân.

Bà Vu Thục Huệ trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân.

Đây là ý kiến của bà Vu Thục Huệ, nhân sĩ hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bà Vu Thục Huệ nhấn mạnh, trong chuyến thăm sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sứ giả hữu nghị đại diện cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc.

Dẫn câu ngạn ngữ của người Trung Quốc: “Họ hàng xa không bằng láng giềng gần” và lời bài hát "Việt Nam-Trung Hoa": “bên sông tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây, sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng” đã nói lên tất cả từ vị trí địa lý cho đến tình cảm láng giềng giữa nhân dân hai nước, bà Vu Thục Huệ khẳng định chúng ta phải kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống này.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế…; đồng thời thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân văn, qua đó tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Bà Vu Thục Huệ chia sẻ: “Mối quan hệ láng giềng hữu nghị khiến Trung Quốc và Việt Nam ngày càng gắn bó chặt chẽ. Là người dân Trung Quốc, tôi thấy mình phải ghi nhớ và tiếp tục đóng góp vào việc thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước. Chỉ cần Chính phủ và lãnh đạo hai nước cùng nhau nỗ lực, thì tình hữu nghị này sẽ ngày càng rực rỡ”.

Bà Vu Thục Huệ cho rằng, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động, nhưng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước vẫn không thay đổi. Các nhà lãnh đạo tiền bối đã đặt nền móng vững chắc cho tình hữu nghị này bằng máu, mồ hôi và công sức. Thế hệ sau cần tuyên truyền, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, hợp tác giao thông… để phát huy tình hữu nghị Trung-Việt.

Năm 1968, khi mới 20 tuổi, bà Vu Thục Huệ là một trong 278 cán bộ y tế được điều động từ các bệnh viện lớn ở Bắc Kinh đến Quế Lâm tham gia công tác hỗ trợ y tế cho Việt Nam. Lúc đó, Việt Nam đang trong thời kỳ kháng chiến, đấu tranh để thống nhất đất nước. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ nhân dân Việt Nam nhiều mặt. Một trong những dự án quan trọng là xây dựng Bệnh viện Nam Khê Sơn tại Quế Lâm, Quảng Tây để điều trị, chăm sóc thương bệnh binh Việt Nam.

HỮU HƯNG-HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-la-bieu-tuong-cua-tinh-huu-nghi-nhan-dan-hai-nuoc-post871804.html