Chuyến thăm định hình quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai

Ngày 6-4, theo giờ Washington (tức sáng 7-4, giờ Hà Nội) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Mỹ, bắt đầu chuyến thăm hai ngày (6 và 7-4) theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump. Chuyến thăm được đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác lập và định hình lại tính chất quan hệ giữa hai cường quốc thế giới trong những năm tới.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Palm Beach ở Florida. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Palm Beach ở Florida. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở bang Florida bằng nụ cười và cái bắt tay, cùng lời chúc hai nước sẽ có mối quan hệ tốt đẹp. Đây được xem là những cử chỉ thân mật của Tổng thống Trump tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, khác với lời lẽ cứng rắn đối với Trung Quốc trước đây.

Hai nhà lãnh đạo dùng bữa tối cùng với các đệ nhất phu nhân của mình và gặp gỡ các quan chức nội các cấp cao của mỗi bên. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục có bữa trưa làm việc trong ngày 7-4, nơi họ sẽ bàn đến những vấn đề chính thức hơn.

Một vấn đề chính trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo Trung Mỹ là vấn đề chính sách thương mại và tiền tệ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc với kim ngạch thương mại dịch vụ đã vượt trên mức 110 tỷ USD hồi năm ngoái và đầu tư hai chiều đạt 170 tỷ USD.

Dù mối quan hệ thương mại khá chặt chẽ, song cũng tồn tại một số bất đồng. Theo AP, chính sách thương mại “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump nổi bật lên hai vấn đề chính là tập trung mang lại việc làm cho người dân và bảo vệ quyền lợi thương mại của Mỹ, nói cách khác là giảm thâm hụt thương mại với một số đối tác chính.

Tổng thống Donald Trump và Phu nhân Melania Trump đón Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump và Phu nhân Melania Trump đón Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện. Ảnh: AFP

Ngay trước thềm chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ đã ký một loạt sắc lệnh liên quan đến vấn đề thương mại, cho phép tiến hành cuộc điều tra kéo dài 90 ngày về “sự lạm dụng thương mại”, tập trung vào 12 đối tác thương mại của nước này, trong đó có Trung Quốc, vốn được coi là nguồn gốc lớn nhất gây ra thâm hụt thương mại cho Mỹ. Thái độ kiên quyết của ông chủ Nhà Trắng được thể hiện trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 3-4, theo đó cảnh báo rằng Washington sẽ không tiếp tục chấp nhận những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ, lên tới 347 tỷ USD, và để mất nhiều việc làm vào tay Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng chỉ trích Bắc Kinh cố tình kiềm giá đồng nhân dân tệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, qua đó tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Dù còn tồn tại nhiều bất đồng liên quan đến chính sách thương mại, song cả Washington và Bắc Kinh đều hiểu rõ rằng "cuộc chiến thương mại" là hoàn toàn bất lợi cho cả hai phía. Do đó, cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khéo léo đề cập tới những bất đồng thương mại nhằm tránh làm “mất hòa khí” đôi bên.

Điều đáng nói rằng, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình bị phủ bóng đen bởi những vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên và diễn biến thực địa tại Syria. Lâu nay, Washington không ít lần chỉ trích Bắc Kinh hành động chưa đủ cứng rắn nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân và kiềm chế chương trình phát triển tên lửa. Trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa đạn đạo từ bờ phía Đông ra biển ngày 5-4 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố, ông sẵn sàng hành động đơn phương để giải quyết chương trình hạt nhân Triều Tiên, nếu Trung Quốc không đứng ra giúp đỡ trong vấn đề này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng kêu gọi Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để buộc nước này chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa. Ông nhấn mạnh dù sử dụng quyền lực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hay các đòn bẩy quyền lực mới, Trung Quốc đều có thể là một phần chiến lược mới nhằm chấm dứt các hành vi liều lĩnh của Triều Tiên, đảm bảo an ninh, ổn định và thịnh vượng kinh tế tại khu vực Đông Bắc Á.

Tổng thống Donald Trump và Phu nhân Melania Trump tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump và Phu nhân Melania Trump tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Ảnh: AP

Về phần mình, phía Bắc Kinh cho rằng hành động của Washington có xu hướng làm leo thang căng thẳng, đồng thời phản đối mạnh mẽ kế hoạch bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù còn khá nhiều bất đồng, song với những “lợi ích song trùng”, Washington và Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng. Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá rất quan trọng để hai bên cải thiện lòng tin và nhanh chóng định hình lại mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Ngọc Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-tham-dinh-hinh-quan-he-trung-my-trong-tuong-lai/