Chuyến thăm Đông bắc Á nhiều mục đích của Tổng thống Indonesia

Tối 25-7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng Đệ nhất phu nhân Iriana Joko Widodo đã tới thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến công du 3 nước khu vực Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cũng như tăng cường tiếng nói, vị thế trong khu vực - là những mục tiêu chính của chuyến công du - đặc biệt khi Indonesia đang đảm nhận cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các đối tác chiến lược của Indonesia trong lĩnh vực kinh tế đồng thời là đối tác quan trọng trong G20. Theo lịch trình các chuyến công du, Tổng thống Widodo sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 3 nước để thảo luận về quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, y tế, hạ tầng, ngư nghiệp, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Tìm kiếm cơ hội với Trung Quốc

Trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 2 ngày, Tổng thống Widodo đã hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyến thăm được xem là cơ hội vàng cho Indonesia, xét trên khía cạnh hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư song phương. Năm 2021, thương mại song phương giữa Indonesia và Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia trong 9 năm liên tiếp và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia trong 6 năm liên tiếp. Trung Quốc cũng củng cố vị trí của mình trong ba nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Indonesia với tổng vốn đầu tư là 3,2 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chiếm 1,7 tỷ USD trong tổng số 15,65 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia. Phần lớn khoản đầu tư chảy vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Indonesia, bao gồm khai thác mỏ và công nghiệp kim loại, giao thông vận tải, viễn thông và tiện ích… Chính vì vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Masurdi cũng khẳng định trọng tâm trong chuyến thăm là tìm kiếm cơ hội mở rộng thương mại và đầu tư với thị trường 1,4 tỷ dân này.

Trong khi đó, Indonesia, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, là nguồn cung cấp ni-ken, than, đồng và khí đốt tự nhiên quan trọng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu của Trung Quốc từ Indonesia, chủ yếu là hàng hóa, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ hai, chỉ sau Nga.

Kỳ vọng của Trung Quốc

Với Trung Quốc, chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo không chỉ có ý nghĩa song phương, mà còn mang tầm quan hệ đa phương, bởi Indonesia hiện đang là Chủ tịch của G20. Do vậy, với chuyến công du này, ông Widodo không chỉ là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, mà còn là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh sau hơn 2 năm đại dịch, bên ngoài sự kiện Olympic mùa Đông. Đây có thể là chỉ dấu quan trọng mở ra nhiều chuyến thăm cấp cao khác của các nhà lãnh đạo trên thế giới đến Trung Quốc.

Trong bối cảnh thế giới đang bất ổn, đặc biệt là cuộc đua địa chính trị ngày càng trở nên khốc liệt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa tìm ra lối thoát, dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng, tác động đến hàng loạt các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, với cương vị là Chủ tịch G20, ông Widodo cũng đang tìm cách hàn gắn những rạn nứt trong nhóm. Indonesia cần sự ủng hộ của Trung Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20. Bắc Kinh cũng cần Indonesia - quốc gia đang phát triển lớn thứ 3 thế giới, khi quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây không mấy êm đẹp. Bắc Kinh đang muốn gửi đi thông điệp về sự đoàn kết và phối hợp chặt chẽ với các "đồng minh tự nhiên", cách gọi các quốc gia đang phát triển của Trung Quốc, trước sự bao vây cô lập từ bên ngoài.

Tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc

Trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc lần này, Tổng thống Indonesia muốn chứng tỏ một điều là chính sách ngoại giao của Indonesia bắt đầu thay đổi và mang tính chủ động hơn, nhất là đối với các nước lớn và có tầm ảnh hưởng.

Đối với Nhật Bản, Indonesia mong muốn Nhật Bản tăng cường hợp tác kinh tế nhằm nâng cao giá trị phổ quát. Đối với Hàn Quốc, Indonesia đã "nắm" được nhiều hợp tác cụ thể ở dự án kinh tế với Hàn Quốc. Hai nước đã cam kết tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực biển và nghề cá, đặc biệt trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực xe điện và trạm sạc xe điện, hợp tác song phương tại các khu kinh tế tự do… cũng đang được Hàn Quốc và Indonesia triển khai tích cực. Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ure sau khi Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với ure vào tháng 10-2021. Và Indonesia đã nhất trí cung cấp dung dịch xử lý ure cho Hàn Quốc khiến quan hệ hai nước càng ngày càng khăng khít.

Ngoài ra Hàn Quốc và Indonesia còn nỗ lực thực hiện Thỏa thuận Xanh tập trung tìm kiếm sự phát triển bền vững hơn và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Từ đó, hy vọng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) sẽ được ký kết và Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết vào tháng 12 năm ngoái sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước phát triển.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chuyen-tham-dong-bac-a-nhieu-muc-dich-cua-tong-thong-indonesia-post264391.html