Chuyến thám hiểm vùng cực lớn nhất trong lịch sử

Khoảng 100 nhà khoa học sẽ ở lại Bắc Cực trong gần một năm để nghiên cứu chuyên sâu về sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Tàu Polarstern khởi hành từ thành phố Tromso, Na Uy hôm thứ Sáu.

Tàu Polarstern khởi hành từ thành phố Tromso, Na Uy hôm thứ Sáu.

Tàu phá băng Polarstern, thuộc Viện nghiên cứu biển và vùng cực Alfred Wegener của Đức, hôm 20/9 đã lên đường tới Bắc Cực, mang theo khoảng 100 nhà khoa học từ 19 quốc gia trên thế giới, trong nhiệm vụ kéo dài một năm với mục đích nghiên cứu biến đổi khí hậu. Đây là chuyến thám hiểm vùng cực có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với chi phí lên tới 155 triệu USD.

Tàu Polarstern khởi hành từ thành phố cảng Tromso, miền bắc Na Uy. Theo kế hoạch, con tàu sẽ neo đậu vào một tảng băng khổng lồ khi tới Bắc Cực, sau đó trôi dạt gần một năm qua vùng cực trung tâm, nơi lớp băng xung quanh nó có độ dày ít nhất là 1,5 m vào mùa đông.

Trong suốt thời gian thám hiểm, các nhà khoa học sẽ tập trung nghiên cứu bầu khí quyển, đại dương, băng biển, hệ sinh thái và các quá trình tự nhiên ở Bắc Cực. Dữ liệu thu thập được sẽ được sử dụng để xây dựng mô hình biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến vùng cực cũng như trên toàn thế giới.

"Trong những thập kỷ qua, không có khu vực nào trên Trái Đất ấm lên nhanh như Bắc Cực", nhà khoa học khí quyển Markus Rex, trưởng nhóm nhóm nghiên cứu cho biết. "Vào đầu năm nay, chúng tôi phát hiện nhiệt độ ở trung tâm Bắc Cực thậm chí còn ấm hơn ở Đức. Nó gần như là tâm điểm của sự nóng lên toàn cầu, nhưng đến nay, chúng ta mới chỉ biết rất ít về khu vực này. Nếu không có dự báo đáng tin cậy về Bắc Cực, chúng ta sẽ không thể dự đoán chính xác về biến đổi khí hậu toàn cầu".

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/khoa-hoc-va-doi-song/chuyen-tham-hiem-vung-cuc-lon-nhat-trong-lich-su-z13n20190922082757234.htm