Chuyến thăm Nga nhiều mục đích của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 5-8 đã tới Sochiđể hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo xoay quanh các vấn đề khu vực cũng như các biện pháp nhằm cải thiện mối quan hệ song phương.
Mối quan hệ mang lại lợi ích cho cả hai
Nói chung, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là vừa hợp tác vừa kiểm soát bất đồng, mà không phải là một liên minh hoàn toàn thống nhất. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những quan hệ chặt chẽ trong nhiều vấn đề nóng của khu vực và toàn cầu hiện nay như liên quan tới tình hình Syria, Iraq, vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, vai trò trung gian hòa giải Nga và Ukraine, tình hình Trung Á, Biển Đỏ. Hai nước có nhiều hồ sơ liên quan và các vấn đề này đều gắn với lợi ích cả về kinh tế, chính trị, quân sự cũng như ảnh hưởng ở Trung Đông. Quan hệ này được cải thiện càng mang lại nhiều lợi ích cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hợp tác với Nga để vượt qua những khó khăn của nền kinh tế như lạm phát cao, đồng lira mất giá, sự ủng hộ của cử tri đối với Tổng thống giảm sút. Phe đối lập phản đối Tổng thống tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm 2023. Về đối ngoại, Thổ Nhĩ Kỳ cần sự hỗ trợ của Nga để giải quyết một số vấn đề nóng trong khu vực như ở Syria, Libya, bất đồng với Hy Lạp, gia tăng ảnh hưởng ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông. Về phần mình, Nga cũng cần sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ để vượt qua khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, rõ nhất là đẩy mạnh hợp tác song phương về kinh tế-thương mại-năng lượng
Với khu vực, sự hợp tác tích cực Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề nóng hiện nay như có thể giảm leo thang và xung đột ở Syria, Libya, hỗ trợ ổn định an ninh ở Iraq, tạo nguồn cung ngũ cốc từ việc mở đường cung từ Ukraine cho Trung Đông, châu Phi hay vấn đề khí đốt. Bởi vì cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những ảnh hưởng lớn ở Trung Đông. Sự hợp tác này còn điều chỉnh cân bằng đối trọng ảnh hưởng với Mỹ và phương Tây ở khu vực, góp phần giảm leo thang, xây dựng ổn định.
Chuyến đi nhiều mục đích
Chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lần này diễn ra sau khi con tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine, kể từ khi xung đột Nga- Ukraine nổ ra, đến thị trường thế giới đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận do Ankara và Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, trong cuộc họp ở Sochi lần này, hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận chi tiết về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Biển Đen. Đối với Ankara, điều rất quan trọng là thỏa thuận được thực hiện thành công vì vừa tránh được một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu lớn, vừa mang lại hy vọng về một lệnh ngừng bắn trong tương lai giữa Ukraine và Nga. Ankara coi các thỏa thuận và việc thực hiện như một biện pháp xây dựng lòng tin có thể giúp Moscow và Kiev thỏa hiệp về một thỏa thuận hòa bình trong giai đoạn tới.
Lâu nay, không giống như các thành viên NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia lệnh cấm vận với Nga. Trái lại, Ankara rất tích cực trong vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Với chuyến thăm Nga lần này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thêm cơ hội nâng cao vai trò trung gian hòa giải của mình trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây căng thẳng và đổ vỡ như hiện nay, nếu giúp giảm nhiệt cuộc xung đột Nga-Ukraine hoặc đưa hai bên quay lại bàn đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia duy nhất tiếp cận hiệu quả cả với Moscow và Kiev. Từ đó nâng cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác quan trọng trong khu vực. Điều này cũng có thể khiến NATO nhìn lại vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối, nơi mà Ankara luôn bị coi là đối tác "thiếu thiện chí", thậm chí là "ngang bướng", bởi sẵn sàng đối chọi với các thành viên khác, thậm chí là cả Mỹ.
Vấn đề Syria cũng nằm trong chương trình nghị sự lần này. Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng có được sự ủng hộ của Nga, tác nhân quan trọng nhất trong khu vực Trung Đông, nước có ảnh hưởng mạnh nhất đối với chế độ Syria và quyền kiểm soát không phận Syria. Thổ Nhĩ Kỳ rất lo ngại vấn đề an ninh ở biên giới với Syria và Iraq. Ankara từ lâu đã chuẩn bị thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd ở miền Bắc Syria, nhưng cần có sự đồng ý của Nga hoặc là bật đèn xanh từ Nga.
Ngoài ra, mối quan hệ kinh tế và thương mại cũng như các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước cũng được đề cập. Dưới các lệnh trừng phạt khổng lồ từ phương Tây, Nga đang chú trọng đến các hoạt động kinh tế của mình với Thổ Nhĩ Kỳ vốn không tham gia các lệnh trừng phạt đó. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc tiến hành xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ ở Mersin, Akkuyu do công ty Rosatom của Nga thực hiện.
AN BÌNH
Thêm 3 tàu chở ngũ cốc rời Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết 3 tàu chở ngũ cốc tiếp theo sẽ rời Ukraine trong ngày 5-8 theo thỏa thuận do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo lãnh.
Theo hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Akar đưa ra thông báo trên vào ngày 4-8, một ngày sau khi chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine đi qua Istanbul trên đường đến Lebanon. Theo kế hoạch, trong số 3 tàu chở ngũ cốc tiếp theo nói trên, 2 tàu sẽ khởi hành từ cảng Chornomorsk, miền Nam Ukraine, tàu thứ 3 sẽ xuất phát từ cảng Odessa. Trung tâm điều phối chung (JCC), đơn vị giám sát hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, cho biết dự kiến, 3 tàu này sẽ vận chuyển tổng cộng hơn 58.000 tấn lúa mì đến huyện Karasu, miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, làng Ringaskiddy ở miền Nam Ireland và cảng Teesport miền Đông Bắc nước Anh.