Chuyến thăm nhiều mục đích

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thảo luận từ chuyện Trung Đông, xung đột Ukraine đến biển Đông khi tới thăm Trung Quốc tuần này

Lần thứ 2 công du Trung Quốc trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ của ông Antony Blinken không hề nhẹ nhàng. Tháng 6 năm ngoái, ông đến Bắc Kinh trong nỗ lực "ổn định quan hệ" sau thời gian dài căng thẳng do vụ Mỹ bắn hạ một khí cầu của Trung Quốc.

Mục đích chính chuyến thăm lần này của ông Blinken, kéo dài từ ngày 24 đến 26-4, là giữ cho quan hệ Mỹ - Trung "đi đúng hướng". Chuyến thăm diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trong tháng này, đánh dấu lần đối thoại đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuộc gặp lịch sử vào tháng 11-2023.

Sau cuộc điện đàm này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đến thăm Trung Quốc trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với người đồng cấp Đổng Quân.

Bất chấp những liên hệ cấp cao như vậy, quan hệ hai bên vẫn gặp nhiều sóng gió trong hàng loạt vấn đề, nổi cộm nhất là quan hệ với Nga. Gần đây, Mỹ ngày càng công khai hối thúc Trung Quốc ngừng hỗ trợ công nghiệp quốc phòng - công nghiệp của Nga.

Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc không trực tiếp hỗ trợ về mặt quân sự song lại cung cấp cho Nga những sản phẩm lưỡng dụng như công cụ, máy móc, chất bán dẫn…, qua đó giúp Nga đẩy mạnh sản xuất vũ khí phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Một dây chuyền sản xuất tại nhà máy sắt thép Baoshan, thuộc Tập đoàn Thép Baowu, ở TP Thượng Hải - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Một dây chuyền sản xuất tại nhà máy sắt thép Baoshan, thuộc Tập đoàn Thép Baowu, ở TP Thượng Hải - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Trung Đông là điểm nóng nghị sự thứ 2. Theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đến Trung Quốc lần này, ông Blinken sẽ tăng cường đề nghị Bắc Kinh đảm nhận vai trò tích cực hơn trong việc kêu gọi Iran không leo thang căng thẳng với Israel cũng như kiềm chế các nhóm ủy nhiệm mà Iran hậu thuẫn ở Trung Đông. Về vấn đề này, quan điểm công khai của Trung Quốc lâu nay là kêu gọi các bên kiềm chế.

Một vấn đề quan trọng khác là biển Đông. Trước chuyến đi của ông Blinken, Tổng thống Biden đã tổ chức cuộc gặp ba bên với thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Philippines tại Nhà Trắng. Cuộc gặp này đã vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc.

Đài CNN đưa tin trong chuyến thăm sắp tới, ông Blinken dự kiến gặp mặt các quan chức cấp cao Trung Quốc ở cả Thượng Hải và Bắc Kinh, bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Có khả năng ông Blinken sẽ hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình dù hai bên chưa xác nhận thông tin này.

Theo trang Hurriyet Daily News, gần đây ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ thân thiện giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ với mục đích tập trung vực dậy nền kinh tế trong nước.

Bà Yun Sun, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định điều này chứng tỏ Trung Quốc rất mong chờ các doanh nghiệp nước ngoài trở lại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không kỳ vọng đạt được hợp tác kinh tế mới với Mỹ vào lúc này, nhất là khi Mỹ sắp tổ chức bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào tháng 11.

Tình hình thậm chí căng thẳng hơn, theo Reuters, khi Tổng thống Biden gần đây đe dọa áp thêm thuế lên các sản phẩm thép và nhôm của nền kinh tế số 2 thế giới. Người phát ngôn Liu Pengyu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chỉ trích động thái này là "biểu hiện của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ".

Trước đó, Washington cũng khởi động cuộc điều tra nhằm vào điều mà họ cho là "nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát các lĩnh vực hàng hải, logistics và đóng tàu". Kết quả cuộc điều tra này, theo nhiều chuyên gia, sẽ dẫn tới các khoản thuế áp thêm lên hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức hàng đầu của Mỹ dự đoán mùa bầu cử Mỹ càng đến gần thì những hành động như vậy nhằm vào Trung Quốc sẽ càng nhiều.

HẢI NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-tham-nhieu-muc-dich-196240421213101022.htm