Chuyến thăm tạo động lực mới cho quan hệ chiến lược Ai Cập - Ấn Độ

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn đánh giá của các chuyên gia trên báo The National News của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 23/6 cho biết chuyến thăm Ai Cập hai ngày 24 và 25/6 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tạo 'động lực mới' cho mối quan hệ lịch sử và chiến lược giữa hai quốc gia.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại một sự kiện ở Bengaluru, Ấn Độ, ngày 6/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại một sự kiện ở Bengaluru, Ấn Độ, ngày 6/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông báo, Thủ tướng Modi sẽ đến Cairo vào ngày 24/6, sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ kéo dài 4 ngày. Tại Cairo, nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Abdel Fatteh El-Sisi để thảo luận về quan hệ song phương cũng như các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mai và đầu tư. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Modi và là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Ai Cập kể từ năm 1997.

Ông Anil Trigunayat, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Libya và Jordan, cho rằng chuyến thăm Cairo của ông Modi sẽ tạo ra động lực mới cho quan hệ giữa hai nước. Ai Cập coi Ấn Độ là một đối tác địa chiến lược và gần như tất cả các Tổng thống và Thủ tướng của nước này đều đã đến thăm Ấn Độ. Trong khi đó, New Delhi muốn tập trung vào hợp tác địa kinh tế với Cairo. Chuyến thăm Ai Cập lần này của Thủ tướng Modi diễn ra gần 6 tháng sau khi Tổng thống Ai Cập El-Sisi đến New Delhi với tư cách khách mời chính trong lễ kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ.

Cũng theo cựu Đại sứ Trigunayat, Ai Cập có vị trí địa chiến lược độc đáo nằm bên Biển Đỏ, Địa Trung Hải và kênh đào Suez nên là phần không thể thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ cũng như chiến lược của Ấn Độ với châu Phi. Ai Cập hiện đang đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế kênh đào Suez, một trung tâm thương mại quốc tế mới nổi dài 460 km với 6 cảng biển nằm ở vị trí chiến lược giữa châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Đây là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế và việc làm của Ai Cập.

Kể từ khi thành lập chính phủ năm 2014, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh chính sách đối ngoại không liên kết và tập trung vào việc cải thiện quan hệ song phương và đa phương với nước trên thế giới. Ấn Độ đã mời Ai Cập, cùng với Oman và UAE, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tới với tư cách khách mời đặc biệt. Năm ngoái, Ấn Độ đã cung cấp 61.500 tấn lúa mì cho Ai Cập sau khi các chuyến hàng lúa mì từ Ukraine bị dừng đột ngột do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong thế giới Arab, Ai Cập là quốc gia lớn nhất và là nền kinh tế lớn, một trong những đối tác thương mại chủ chốt của Ấn Độ ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông. Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 7,26 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022, tăng 60% so với tài khóa trước đó. Hai nước đặt mục tiêu sẽ nâng kim ngạch thương mại song phương lên 12 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Ngoài ra, hai nước cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng. Tháng 1/2023, quân đội Ấn Độ và Ai Cập đã tổ chức cuộc tập trận chung ở Jaisalmer của Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ các kỹ năng tác chiến trên địa hình sa mạc, chống khủng bố, trinh sát và các hoạt động đặc biệt khác.

Nguyễn Trường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-tham-tao-dong-luc-moi-cho-quan-he-chien-luoc-ai-cap-an-do-20230624075030507.htm