Chuyến thăm thu hút dư luận của ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc

Hôm 18-6, CNN đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất Thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đàm phán với các quan chức cấp cao của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 18-6 khi bắt đầu chuyến thăm cấp cao nhằm đưa các mối quan hệ trở lại quỹ đạo sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng.

Blinken là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên công du Trung Quốc trong vòng 5 năm và là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thực hiện chuyến công du như vậy kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào đầu năm 2021.

Các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ liệu một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với ông Blinken có diễn ra hay không.

Các chuyến đi trước đây của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ thường có sự gặp mặt trực tiếp với nhà lãnh đạo của Trung Quốc, nhưng hiện mối quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Các quan chức Mỹ coi chuyến đi là một nỗ lực nối lại các kênh liên lạc bình thường với Trung Quốc để tránh xung đột giữa hai cường quốc thế giới.

“Những gì chúng tôi đang làm trong chuyến đi này là thực sự thực hiện những gì mà Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đã đồng ý ở Bali vào cuối năm ngoái, đó là thiết lập các đường dây liên lạc thường xuyên, bền vững ở các cấp cao trong chính phủ của chúng ta một cách chính xác để chúng tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi đang giao tiếp rõ ràng nhất có thể để tránh hiểu lầm và thông tin sai lệch” - Blinken cho biết hôm 16-6 trước khi khởi hành.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Bắc Kinh ngày 18-6

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Bắc Kinh ngày 18-6

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, mục tiêu chính của Blinken ở Trung Quốc là thiết lập lại các kênh liên lạc, đặc biệt là liên lạc trực tiếp giữa quân đội hai nước.

Đoàn tùy tùng của ông đã hạ cánh xuống Bắc Kinh vào ngày 18-6 với lịch trình đầy đủ cho ngày đầu tiên, bắt đầu bằng cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, người đã đảm nhận chức vụ này cách đây sáu tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ Bắc Kinh tại Washington.

Blinken và ông Cương đã bắt tay trước các phóng viên vào chiều 18-6. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của họ ở vị trí hiện tại.

Các quan chức Mỹ tham gia cuộc họp bao gồm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns.

Về phía Trung Quốc, ông Tần Cương đi cùng với các quan chức Bộ Ngoại giao khác, bao gồm cả Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Xuân Oánh.

“Hy vọng cuộc gặp này có thể giúp đưa quan hệ Trung-Mỹ trở lại với những gì mà hai lãnh đạo đã nhất trí ở Bali” - bà Oánh viết trên Twitter khi các cuộc đàm phán bắt đầu.

Vào ngày 19-6, Blinken sẽ có cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị, cũng như các cuộc gặp với các sinh viên trao đổi và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Mối quan hệ của chính quyền Biden với Bắc Kinh là một trong những mối quan hệ phức tạp và kéo theo nhiều hệ quả nhất, đồng thời là mối quan hệ đã trải qua nhiều tháng căng thẳng, bao gồm cả hai sự cố liên quan đến quân sự trong những tuần gần đây.

Chuyến đi của Blinken, đã được Biden và ông Tập công bố sau cuộc gặp của họ vào năm ngoái, ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 2 và được coi là một cam kết quan trọng tiếp theo. Tuy nhiên, nó đã bị hoãn lại sau khi Mỹ phát hiện ra một khinh khí cầu của Trung Quốc đi vào không phận.

Tuy nhiên, Kritenbrink cho biết, cả Mỹ và Trung Quốc đã đi đến “kết luận chung rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để tham gia gặp mặt ở cấp độ này”.

Patricia Kim, một thành viên của Viện Brookings, nói trong một cuộc họp báo hôm 16-6 rằng: “Tôi nghĩ việc Trung Quốc đồng ý tham gia cuộc họp này phản ánh rằng Bắc Kinh đang cảm thấy khá tự tin về lập trường của chính mình. Cả hai bên đều đưa ra nhận xét về thực tế là chuyến đi này sẽ không thay đổi căn bản mối quan hệ Mỹ-Trung hoặc giải quyết nhiều tranh chấp giữa hai nước, và tôi nghĩ mỗi bên sẽ không đặt kỳ vọng quá cao hoặc tỏ ra quá háo hức để tương tác với phía bên kia. Tôi nghĩ không bên nào muốn trông như thể họ đang chấp nhận hoặc bằng lòng với hành động của bên kia” - bà nhận định.

Nói chuyện với các phóng viên hôm 17-6, Biden thừa nhận “tồn tại những khác biệt chính đáng” với Trung Quốc nhưng vẫn khẳng định rằng ông sẵn sàng thảo luận về “những lĩnh vực mà đôi bên có thể hợp tác”.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/chuyen-tham-gay-chu-y-cua-ngoai-truong-my-den-trung-quoc_148595.html