Chuyến thăm Trung Đông giúp ông Trump chứng tỏ điều gì?

Giới phân tích nhận định, chuyến công du Trung Đông có nhiều ý nghĩa đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, hơn là việc ký kết các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD, hay nhận một chuyên cơ mới từ Qatar.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA

Tái định hình liên minh ở vùng Vịnh

Theo hãng thông tấn CNN, Nhà Trắng coi chuyến công du Trung Đông là cơ hội để ông Trump chứng tỏ mình là một bậc thầy đàm phán, có thể làm xáo trộn bức tranh ghép địa chính trị của khu vực.

Bất kể điểm đến là nơi nào, ông Trump đều mang tới sự gián đoạn và có thể tạo ra các khả năng. Người đứng đầu nước Mỹ chấp nhận rủi ro. Ví dụ, trong chuyến đi Trung Đông lần này, ông quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria nhằm tạo cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này cơ hội "được tỏa sáng".

Tuy nhiên, động thái trên làm nảy sinh câu hỏi dai dẳng về toàn bộ chính sách đối ngoại và thương mại của ông Trump. Liệu ông có nỗ lực đủ để đạt được những đột phá thực sự từ các cơ hội do chính ông tạo ra hay không?

Sự ám ảnh của Nhà Trắng trong việc tôn vinh Tổng thống Trump khiến những sáng kiến quan trọng nhất của ông bị sự cường điệu nhấn chìm. Ví dụ, đơn đặt hàng máy bay Boeing trị giá hàng chục tỷ USD của Qatar đã thu hút sự chú ý của Mỹ nhiều hơn so với cuộc gặp của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Syria Ahmed al-Sharaa tại Riyadh. Cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Nhà Trắng với người đứng đầu Syria trong 25 năm qua có thể là sáng kiến nổi bật trong chuyến công du của ông Trump.

Trước khi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Al-Sharaa là một thủ lĩnh quân nổi dậy, từng tuyên thệ trung thành với mạng lưới khủng bố Al Qaeda và bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD cho cái đầu của ông. Tuy nhiên, khi ông Trump gặp ông Al-Sharaa và dỡ bỏ trừng phạt Syria, điều này làm dấy lên hy vọng quốc gia Trung Đông này sẽ có cơ hội thứ 2 để thống nhất và giải cứu những thường dân đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

Tham vọng mở rộng ngoại giao khu vực

Nỗ lực thay đổi bức tranh địa chính trị của ông Trump không chỉ dừng lại ở Syria. Ông đã dùng chuyến đi để gây áp lực mới lên Iran nhằm buộc nước này phải đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của họ. Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu Iran từ chối, song rõ ràng là ông đang cố gắng ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ về một cuộc chiến mới ở Trung Đông.

Chuyến công du Trung Đông của ông Trump cũng làm nổi bật bất đồng ngày càng tăng giữa Mỹ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông Netanyahu từng được coi là bạn tâm giao về mặt tư tưởng với vị tổng thống thứ 47 của Mỹ, nhưng giờ đây lại trở thành người khiến ông Trump thất vọng.

Ở hậu trường, đội ngũ của Tổng thống Trump đã trao đổi với các quan chức Qatar và Ảrập Xêút về cách xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza do lệnh phong tỏa và các cuộc tấn công của Israel gây ra. Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu và ông đã nhắm vào thủ lĩnh Hamas, nhân vật cần có mặt trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.

Không có dấu hiệu nào cho thấy liên minh Israel và Mỹ bị đe dọa, nhưng khoảng cách giữa Thủ tướng Israel và Tổng thống Mỹ đã xuất hiện. Ông Trump đã bỏ qua Israel khi tiến tới một thỏa thuận nhằm giải thoát con tin Mỹ cuối cùng còn sống sót tại Gaza cũng như trong việc đưa ra quyết định dỡ bỏ trừng phạt với Syria.

"Canh bạc" chính sách đối ngoại

Quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria là một trong những lần đánh cược chính sách đối ngoại lớn nhất cho đến nay trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.

Những chi tiết về hoạt động ngoại giao phức tạp dẫn tới quyết định này vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, động thái đó cho thấy Syria đang ở bước ngoặt, chiếm một vị trí quan trọng trên bản đồ khu vực và có khả năng rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nếu tình hình xấu đi.

Firas Maksad, lãnh đạo Học viện Trung Đông chia sẻ với CNN rằng, quyết định dỡ bỏ trừng phạt với Syria là một chiến thắng quan trọng đối với ông Trump trong một chuyến đi bị những lo ngại về kinh tế chi phối. "Tôi cho rằng ông Trump đã rất cẩn trọng và mong muốn mở khóa các thành công về địa chính trị. Bất kỳ điều gì xảy ra ở Syria cũng không chỉ dừng lại ở Syria".

Quyết định của ông Trump về Syria bất ngờ nhận được lời khen ngợi của những người vẫn luôn chỉ trích chính khách Cộng hòa này. Cựu giám đốc CIA và cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhận xét: "Tôi tin đó là một bước đi đúng đắn".

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-tham-trung-dong-giup-ong-trump-chung-to-dieu-gi-2401444.html