Chuyến thăm với những 'dấu ấn quan trọng', làm sâu sắc hơn quan hệ đặc biệt Việt-Lào
Đây là chuyến thăm đặc biệt với nhiều dấu ấn quan trọng, có cả những sự kiện mang dấu ấn lịch sử, làm sâu sắc hơn quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Tối qua, 10/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ ngày 9-10/8, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Đây là chuyến thăm đặc biệt với nhiều dấu ấn quan trọng, có cả những sự kiện mang dấu ấn lịch sử, làm sâu sắc hơn quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Tính chất đặc biệt đầu tiên thể hiện ở tầm quan trọng của chuyến thăm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đánh giá, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chọn Lào là nước đầu tiên đi thăm trên cương vị mới đã thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và cá nhân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đối với việc gìn giữ, bảo vệ và không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Với tính chất quan trọng đặc biệt đó, tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm có 5 Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, 10 Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo Quốc hội, Ban Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Đánh giá về bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, cho rằng: “Chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp. Điều này thể hiện tính chất hết sức đặc biệt trong quan hệ hai nước. Những điều đặc biệt đó thể hiện ở việc chuyến thăm được thực hiện chỉ sau hơn 1 tháng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào thăm chính thức hữu nghị Việt Nam rất thành công. Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của một nguyên thủ nước ngoài sau khi bạn tổ chức thành công Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ XI và bầu cử Đại biểu Quốc hội lần thứ IX. Việc các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước dành chuyến thăm đầu tiên đến thăm nhau thể hiện một tình cảm hết sức đặc biệt, sự quan tâm ưu tiên số 1 trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước.”
Nhiều vinh dự đặc biệt dành cho Chủ tịch nước
Coi trọng chuyến thăm đặc biệt này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia, trong đó có những ghi thức đặc biệt dành cho Việt Nam. Phía bạn Lào cũng đã bố trí các cuộc hội đàm, hội kiến và gặp gỡ với các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Lào hết sức chu đáo, trọng thị. Cùng với hơn 10 hoạt động của Chủ tịch nước, các thành viên trong Đoàn cũng đã có 15 hoạt động tiếp xúc, trao đổi với các ban, bộ, ngành, địa phương của Lào.
Đảng, Nhà nước Lào còn dành cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một vinh dự đặc biệt, đó là phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX của Lào, đúng 10 năm sau bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội (Khóa XI) Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 7 của Lào. Trong bài phát biểu dài hơn 20 phút, Chủ tịch nước đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng và liên tục dừng lại vì các tràng vỗ tay của các đại biểu Quốc hội Lào. Chủ tịch nước đã nhắc lại những nền tảng, “gốc dễ” thắm đượm tình đồng chí anh em, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, được gây dựng từ hơn 90 năm qua giữa hai nước; khẳng định quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng có nhiều điểm tương đồng của hai vị lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane.
“Trong trái tim của mỗi người Việt Nam và Lào hôm nay và mai sau luôn khắc sâu quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào là vô cùng cao đẹp, như Hoàng thân, Chủ tịch Souphanouvong đã nêu là "cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất". Mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước đã trở thành quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhiều lần khẳng định: "Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy"; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nói: "Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long." - Chủ tịch nước bày tỏ trong bài phát biểu.
"Không thể mãi nghèo, chúng ta phải hợp tác để cùng nhau mạnh lên, giàu lên" - lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện mối quan hệ anh em một nhà, đồng cam cộng khổ, khắc phục khó khăn để cùng đưa hai đất nước, hai dân tộc tiến lên. Theo đó, Chủ tịch nước nêu ra những trụ cột quan trọng trong hợp tác hai nước thời gian tới là chính trị, hợp tác quốc phòng - an ninh, hợp tác trong chuyển đổi số, thúc đẩy truyền thông và giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt hai nước.
Đánh giá cao những thông điệp mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane, chia sẻ: "Phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thể hiện thắm tình hữu nghị, đoàn kết anh em, cùng chung một chiến hào của nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, vừa là nguồn cổ vũ mạnh mẽ dành cho nhân dân Lào nói chung, Quốc hội Lào nói riêng. Chúng tôi khẳng định, dù tình hình khu vực và quốc tế diễn biến nhanh chóng như thế nào chăng nữa thì Đảng, Chính phủ, Quốc hội cũng như nhân dân các dân tộc Lào sẽ tiếp tục làm hết sức mình, cùng với các đồng chí Việt Nam anh em tiếp tục vun đắp và giữ gìn quan hệ hữu nghị hiếm có, có một không hai trên thế giới này ngày càng hiệu quả nhiều hơn, mãi bền vững với nhân dân và mãi kế thừa cho thế hệ mới hai nước Lào và Việt Nam."
Một sự kiện đặc biệt quan trọng nữa trong chuyến thăm, đó là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Quốc hội Lào dự Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào. Công trình do Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, trị giá gần 120 triệu USD, được triển khai từ năm 2018.
Tình anh em đồng chí cao quý đó đã được thể hiện sinh động trong công trình nhà Quốc hội Lào, là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa bản sắc, kiến trúc, văn hóa đặc sắc của đất nước Lào tươi đẹp với vật liệu, trang thiết bị hiện đại cùng công nghệ tiên tiến do phía Việt Nam cung cấp và sự hợp sức của lao động Việt, Lào những tháng ngày qua đến hôm nay công trình đã hoàn thành tốt đẹp. Như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tích nước Thongloun Sisoulith nhận xét, đây là công trình 4 nhất, hiện đại nhất, hài hòa bản sắc dân tộc nhất, vững chắc nhất, đầu tư lớn nhất. Tôi tin rằng Tòa nhà Quốc hội Lào sẽ là nơi khởi nguồn, xác lập những quyết định quan trọng trong phát triển đất nước Lào độc lập, tự chủ tiến lên thịnh vượng. Nơi đây sẽ luôn là biểu tượng bền vững của tình cảm đoàn kết đặc biệt, gắn bó keo sơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân chúng ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thì bày tỏ, tòa nhà quốc hội này sẽ luôn luôn trường tồn cùng dân tộc Lào: "Tòa nhà Quốc hội này còn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với 2 dân tộc Lào - Việt Nam anh em, là biểu tượng sinh động cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, là mối quan hệ độc nhất vô nhị, hiếm có trên thế giới. Tòa nhà Quốc hội tọa lạc trên Thát Luổng, là nơi linh thiêng, tôn kính của người dân Lào đó là Thạt Luổng Viêng Chăn, là biểu tượng của quốc gia và là cũng là linh hồn của cả dân tộc. Thay mặt cho Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào, xin đón nhận món quà quý giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em trao tặng với niềm tự hào, sung sướng. Tòa nhà quốc hội này sẽ luôn luôn trường tồn cùng dân tộc Lào."
Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã hội đàm và thống nhất nhiều vấn đề hệ trọng của quan hệ hợp tác hai quốc gia. Đó là tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, nhất trí lấy năm 2022 là “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào; tiếp tục hợp tác, hỗ trợ nhau phòng, chống đại dịch COVID-19; tiếp tục thúc đẩy hợp tác hơn nữa về ngoại giao, quốc phòng, an ninh, văn hóa giáo dục, thương mại và đầu tư, năng lượng, khoa học kỹ thuật… 14 văn kiện hợp tác đã được ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng chống ma túy, tìm kiếm cứu nạn, mua bán điện, thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản…
Với hơn 100.000 người Việt Nam tại Lào luôn hướng về Tổ quốc, chuyến thăm Lào, gặp gỡ bà con kiều bào, doanh nhân Việt Nam tại Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn là nguồn động viên to lớn trong bối cảnh khó khăn của COVID-19.
Đánh giá về kết quả chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith, cho rằng: "Bản thân tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo Lào đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Điều đặc biệt, chuyến thăm không chỉ ở cương vị Chủ tịch nước, mà còn được ủy quyền đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sang thăm hữu nghị chính thức Lào. Đây là điều mà chúng tôi đánh giá cao nhất, thể hiện quan hệ đặc biệt có một không hai chỉ có ở hai nước Lào và Việt Nam."
Có thể nói, chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công hết sức tốt đẹp, tiếp tục khẳng định mối quan hệ sâu sắc, tình hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào “không có thế lực nào có thể phá vỡ được” như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith; và để “Việt Nam-Lào, hai trái tim đồng cảm cùng chia sẻ một tương lai chung” như khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc./.