Chuyện thần kỳ của Phần Lan: từ nơi tỷ lệ tự tử cao đến quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Hiện nay, Phần Lan được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh. Nhưng trước đây, Phần Lan từng là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới.
Một buổi sáng lạnh giá năm 2009 tại Helsinki, ngay sau khi nghe tiếng của mẹ trong điện thoại, Jaakko Teittinen biết rằng điều anh lo sợ trong nhiều năm đã xảy ra. Anh trai anh, Tuomas, đã tự kết liễu đời mình. Khi đó, Tuomas mới 33 tuổi.
Trong tình trạng vẫn sốc, Jaakko nghỉ việc việc để cùng mẹ đến Linnanmäki, một công viên giải trí ở Helsinki, nơi bà dành cả ngày với hai đứa con của Tuomas. Sau đó, trong khi mẹ bắt đầu thu xếp, Jaakko đi cùng các cháu, cố gắng không tiết lộ những gì đang nghĩ trong đầu. Hiện nay, Jaakko tham gia hỗ trợ cho tổ chức từ thiện Surunauha ry dành cho những người có người thân tự tử.
Khoảng 15 năm sau, Jaakko cởi mở về những trải nghiệm của mình. Anh nói:“Không có bí mật lớn nào đằng sau nó cả. Tất nhiên là khó chấp nhận". Khi nói về nó, anh hy vọng có thể giúp đỡ những người khác chia sẻ kinh nghiệm của họ. “Đối với tôi, việc được công khai là quan trọng", Jaakko tâm sự.
Giáo sư Timo Partonen tại Viện Y tế và Phúc lợi Phần Lan (THL), chỉ vào biểu đồ trên máy tính xách tay của ông rồi phân tích: “Đây là năm 1990. Đó là năm đen tối nhất trong lịch sử Phần Lan liên quan đến tỷ lệ tử vong do tự tử”.
Năm đó, theo THL, Phần Lan ghi nhận 1.512 trường hợp tự tử, trong khi dân số chỉ dưới 5 triệu người. Ngược lại, vào năm 2022, Phần Lan có 740 vụ tự tử, với dân số 5,6 triệu người. Nhưng nó không phải là một quỹ đạo thẳng. Giáo sư Partonen nói: “Có một số năm nó tăng lên một chút, rồi năm tiếp theo lại giảm xuống một chút, rồi đi xuống, đi xuống, đi xuống, rồi dừng lại. Nhưng tất nhiên chúng tôi muốn tỷ lệ thấp hơn”.
Trong số những sáng kiến được cho đã giúp mang lại thay đổi này là dự án phòng chống tự tử quốc gia, được thực hiện từ năm 1986 đến năm 1996, và đã làm giảm tỷ lệ tử vong do tự tử xuống 13%.
Ông Partonen đánh giá sự thành công của chương trình này bắt nguồn từ việc cải thiện việc phát hiện nhanh hơn, chăm sóc chứng rối loạn trầm cảm, ra đời của các phương pháp điều trị tốt hơn. Bên cạnh đó là việc giới thiệu hướng dẫn thực hành về cách điều trị các rối loạn tâm thần khác, bao gồm chứng nghiện rượu và rối loạn nhân cách. Mặc dù những điều này có tác động tích cực, ông Partonen cho biết nhiều bệnh nhân vẫn không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào vì họ không tìm kiếm trợ giúp hoặc việc điều trị của họ bị ngừng.
THL hy vọng sẽ giúp thay đổi tỷ lệ tự tử vốn đã chững lại trong những năm gần đây bằng một dự án phòng ngừa mới thực hiện từ năm 2020 đến năm 2030. Mục đích của dự án là giảm tỷ lệ tự tử hơn nữa, một phần bằng cách cải thiện giáo dục cho công chúng, nhà báo và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, nhóm dễ bị tổn thương nhất hiện nay bao gồm phụ nữ trẻ. Số trường hợp nữ giới từ 14 đến 25 tuổi cố tự tử ngày càng gia tăng. Tỷ lệ cao nhất vẫn thuộc về nam giới trung niên, nhưng thành phần tổng thể đã chuyển dịch đáng kể sang nữ giới. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, 80% các vụ tự tử đều liên quan đến nam giới, hiện nay, trong nhóm dưới 25 tuổi, con số này là 60%. Số vụ tự tử ở trẻ dưới 14 tuổi cũng tăng lên, từ gần như không có vụ nào lên tới 6 vụ mỗi năm.