Chuyện thờ nữ thần của người Việt

Người Việt có sự tương đồng với châu Á trong tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần, bên cạnh đó có những tín ngưỡng thờ nữ thần mang đậm bản sắc Việt như thờ Mẫu Tam phủ, thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.

Hầu đồng tại đền Mẫu Sòng, Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Như Ý

Hầu đồng tại đền Mẫu Sòng, Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Như Ý

29 báo cáo trong nước và quốc tế tập trung bàn về Tín ngưỡng thờ Quan Âm và nữ thần ở châu Á tại Hội thảo khoa học quốc tế diễn ra các ngày 5-6/9 tại trường ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Quan âm được nữ tính hóa

Đánh giá chủ đề khó nhưng hết sức sinh động, PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng đây là dịp để các nhà khoa học trao đổi, làm rõ thêm điểm tương đồng dễ nhận về tín ngưỡng Quan Âm và nữ thần ở các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, đưa ra các luận cứ và thông tin khoa học, tư tưởng, triết lý, giá trị nhân văn.

Tín ngưỡng thờ Quan Âm thân quen với người châu Á, người Việt Nam, thậm chí Mỹ và châu Âu cũng biết tới khái niệm này khi chủ nghĩa nữ quyền phát triển và các vị tu sĩ Phật giáo di cư sang phương Tây. Quan Âm chính là Bồ tát Quan Thế Âm Avelokitesvara (tiếng Phạn). Trung Quốc, Đài Loan, Myanmar, Singapore, Malaysia hay Việt Nam đều có nét đặc trưng riêng trong tín ngưỡng thờ Quan Âm.

Nhà nghiên cứu Yu Chun Fang kể khi giảng dạy tại Mỹ đã ngỡ ngàng và khám phá ra rằng hình thái ban đầu của tượng Quan Âm không phải nữ giới. Nhiều hiện vật lưu trữ tại bảo tàng ở Ấn Độ, Tây Tạng, Sri Lanka hay Đông Nam Á cho thấy hình thái xuất hiện của Quan Âm ban đầu không phải nữ. Sau khi Quan Âm được nữ tính hóa, nhiều tín ngưỡng thờ nữ thần đã xuất hiện.

“Khi nghiên cứu về vấn đề vì sao Quan Âm ở Trung Quốc lại biến thành nữ thần, tôi phát hiện ra rằng nếu chỉ dựa vào những tư liệu nghiên cứu lịch sử tôn giáo của Trung Quốc kiểu truyền thống như kinh điển Phật giáo, sử truyện… thì sẽ khó tìm ra đáp án. Đặc biệt là khi tìm kiếm một số manh mối về quá trình Quan Âm được nữ tính hóa và bản địa hóa ở Trung Quốc thì tôi bắt buộc phải tìm ở nơi khác”, nhà nghiên cứu Yu Chun Fang nói. Tác giả gợi ý một loạt câu hỏi thú vị mà các nhà khoa học nên đào sâu, chẳng hạn ai là tác giả sáng tạo hình tượng Quan Âm cầm cành dương liễu, mục đích tạo ra hình tượng ấy.

GS Lâm Tòng Nhất, Phó hiệu trưởng Trường đại học quốc lập Thành Công (Đài Loan) đề cập tinh thần quan trọng nhất của tín ngưỡng thờ Quan Âm. “Tinh thần trung tâm nhất của tín ngưỡng này là sự từ bi, một trong những nội hàm quan trọng nhất của sự từ bi chính là vượt qua giới hạn của bản thân và sự chia sẻ, đồng cảm”. Ông cho rằng chính điểm tương đồng của tín ngưỡng thờ Quan Âm ở châu Á là cơ sở cho những nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn liên quốc gia.

Tái sinh tục thờ nữ thần của người Việt

Người Việt có hệ thống thờ nữ thần phong phú. PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho rằng sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sau đó UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, tín ngưỡng vốn đi bên lề xã hội này được tái sinh và công nhận về mặt thể chế. Từ chỗ lên đồng bị xem là “mê tín dị đoan”, tín ngưỡng được trả lại danh phận là tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần bản địa mang dấu ấn của người Việt.

Từ góc độ văn học, PGS.TS Phạm Xuân Thạch phân tích tính thiêng và tính nữ, sự kết hợp của tính thiêng và tính nữ trong tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Huy Thiệp. Nhân vật nữ chính tên Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được miêu tả với những đặc tính của một nữ thần-cái đẹp bất tử, khả năng tiên tri, bảo hộ và cứu rỗi con người. Với Mẫu thượng ngàn, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lần đầu tái hiện tín ngưỡng thờ nữ thần bản địa.

TS Vũ Hồng Thuật lại có cách khám phá văn hóa tín ngưỡng theo hướng tiếp biến văn hóa về sự thay đổi không gian, văn hóa và quốc gia. Tác giả chỉ ra rằng sự tiếp biến văn hóa mềm dẻo, tự nguyện và hòa bình từ tín ngưỡng thờ nữ thần của người Hoa kiều hòa quyện với tín ngưỡng thờ thánh mẫu của người Việt. Người Hoa kiều từng có nhiều di tích thờ nữ thần biển Dương Quý Phi, thánh mẫu Thiên Hậu và thánh mẫu Ngũ Hành Nương Nương. Sau này một bộ phận Hoa kiều ở Phố Hiến di cư vào Nam đều có sự tiếp biến trong thực hành nghi lễ tại di tích của họ. Người Hoa kiều giờ không còn thờ nguyên bản như Trung Quốc nữa, họ có sự phối thờ tín ngưỡng Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt.

Tín ngưỡng bản địa thờ Mẫu của người Việt không mai một, ngược lại ngày càng có sức sống mãnh liệt và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Mỗi năm khu di tích trong đó có đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đón gần 2 triệu lượt người hành hương, chiêm bái. Quốc mẫu Tây Thiên trở thành Thánh Mẫu có đặc điểm riêng, nguồn gốc khác hẳn với Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

Tín ngưỡng phát triển ở Vĩnh Phúc này có bối cảnh khá đặc biệt ở thế kỷ 18 dưới thời Lê-Trịnh nhân dân cực khổ, chiến tranh liên miên nên họ khao khát có vị thần chủ có khả năng bảo vệ, cứu vớt.Tín ngưỡng bản địa thờ Mẫu của người Việt không mai một, ngược lại ngày càng có sức sống mãnh liệt và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Chức năng “An dân hộ quốc”, chống giặc ngoại xâm, chăm lo đời sống cho người dân thực hiện ước mơ “người yên vật thịnh” chính là những yếu tố chứng tỏ quyền năng của Quốc mẫu được mở rộng. “Tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên được bảo tồn và phát huy đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của những giá trị yêu nước, nhân văn của tín ngưỡng”, TS. Trần Hữu Sơn khẳng định.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chuyen-tho-nu-than-cua-nguoi-viet-1461229.tpo