Chuyện thu ngân sách địa phương của Thanh Hóa: Lấy thu mà chi, lấy chi mà thu?

Tháng 10/2024, kết thúc tháng đầu của quý 3/2024, Thanh Hóa ước thu ngân sách hơn 4.140 tỉ đồng, đưa tổng thu ngân sách 10 tháng 2024 của địa phương này đạt 47.000 tỉ đồng. Tốc độ thu ngân sách như thế thì kết thúc năm 2024 xứ Thanh sẽ vượt kỳ tích thu ngân sách năm 2022 là 50.000 tỉ đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh: "Thanh Hóa thu ngân sách hằng năm luôn vượt dự toán; 9 tháng năm 2024, thu gần 47 ngàn tỉ đồng".

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh: "Thanh Hóa thu ngân sách hằng năm luôn vượt dự toán; 9 tháng năm 2024, thu gần 47 ngàn tỉ đồng".

Nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương trong một năm gồm nhiều chỉ tiêu. Một trong chỉ tiêu quan trọng là thu ngân sách, bởi có thu được tiền thì mới có cái để chi. Câu chuyện thu chi ngân sách lại làm tôi nhớ lại chuyện có thật mà lại trở thành giai thoại của một vị lãnh đạo trong nhóm 3 vị lãnh đạo cao nhất của một địa phương vùng Bắc Trung Bộ mà tôi có thời gian dài theo dõi.

Chuyện rằng, thời kỳ "dấp dính" giữa bao cấp với đổi sang cơ chế mới, một đoàn cán bộ trên về làm việc với một tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ. Sau khi thị sát địa phương, đoàn cán bộ cấp trên có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo cao nhất của địa phương này. Vị trưởng đoàn cấp trên có phát biểu đánh giá về những việc làm được, những việc còn phải cố gắng làm.

Đến mục thu ngân sách, vị trưởng đoàn nói, các đồng chí phải cố gắng hơn nữa, quyết liệt hơn để tăng nguồn thu ngân sách để lấy cái mà chi…!

Thay mặt lãnh đạo địa phương báo cáo với đoàn cấp trên, vị chủ tịch tỉnh vốn là người nhanh, nhạy, lăn lộn với thực tiễn và rất dí dỏm trả lời về việc tăng cường nguồn thu để có cái mà chi.

Vị chủ tịch báo cáo: "Địa phương bay tui (chúng tôi) lấy cấy chi (cái gì) mà thu để chi?

Câu chuyện này chỉ ra một thực tế luôn luôn đúng, muốn thu ngân sách ngày càng cao, nhất là nguồn thu nội địa thì bất cứ địa phương nào cũng phải có nhà máy, xí nghiêp, ngành nghề kinh doanh đa dạng, kêu gọi đầu tư, tăng cường hoạt động du lịch, dịch vụ làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng. Tóm lại phải có nhiều cơ sở kinh doanh làm ra nhiều hàng hóa để bán.

Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Trở lại câu chuyện đẩy mạnh phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa 10 tháng đầu năm 2024. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật là sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh lớn trên cây trồng vật nuôi.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác phòng, chống thiên tai được thực hiện nghiêm, luôn thường trực 24/24 giờ, theo phương châm "4 tại chỗ". Sản xuất công nghiệp ổn định, duy trì đà tăng trưởng tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp (llP) tháng 10 tăng 23,43% so với cùng kỳ; đa số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ, trong đó nhiều sản phẩm tăng cao: dầu nhiên liệu, sắt thép các loại, quần áo may sẵn.

Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng được quan tâm thực hiện. Hoạt động thương mại dịch vụ duy trì ổn định và thông suốt, nguồn cung cấp hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tháng 10 ước đạt 17.214 tỉ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả cao, tháng 10 thu ước đạt 4.140 tỉ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 2.560 tỉ đồng, tăng 48,9%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 1.580 tỉ đồng, tăng 4%. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Ủy ban nhân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 20 tháng 10 giá trị giải ngân vốn đầu tư công đạt 9.206,6 tỉ đồng bằng 65,2% kế hoạch, cao hơn 10,1% cùng kỳ.

Chất lượng hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục được nâng lên; Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ về y tế giai đoạn 2024-2030 với Bệnh viện Bạch Mai; các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân được cải thiện; toàn tỉnh đã ra quân khởi công xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công ty hóa lọc dầu Nghi Sơn và Cảng Nghi Sơn (Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa) có nguồn thu lớn đóng góp vào tổng thu ngân sách của Thanh Hóa.

Công ty hóa lọc dầu Nghi Sơn và Cảng Nghi Sơn (Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa) có nguồn thu lớn đóng góp vào tổng thu ngân sách của Thanh Hóa.

Phác qua vài nét về tình hình kinh tế, xã hội tháng 10 của tỉnh Thanh Hóa để thấy, hoạt động kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp nối 9 tháng đầu năm với nhiều điểm sáng. Trong đó, việc thu ngân sách của địa phương này tính tròn 10 tháng đã đạt khoảng 47 ngàn tỉ đồng.

Mục tiêu này chính thức được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh đề cập trong diễn văn khai mạc Lễ kỷ niệm 70 năm đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tối ngày 28.10 vừa qua: "Kinh tế liên tục tăng trưởng, giai đoạn 2021-2023 tăng 9,69%; 9 tháng năm 2024 tăng 12,46%. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước. Thu ngân sách hằng năm luôn vượt dự toán; 9 tháng năm 2024, thu gần 47 ngàn tỉ đồng".

Với những kết quả đạt được 10 tháng qua trong việc thu ngân sách Nhà nước cho phép chúng ta tin tưởng rằng, kết thúc năm 2024, tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách Nhà nước sẽ vượt qua kỳ tích năm 2022 (50 ngàn tỉ đồng) để lập nên kỳ tích mới.

Gia Bảo

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-thu-ngan-sach-dia-phuong-cua-thanh-hoa-lay-thu-ma-thu-lay-chi-ma-thu-179241030142507663.htm