Chuyện thú vị về việc chấp nhận ghi lùi ngày ký kết Hiệp định Geneva

Đến nay đã 70 năm trôi qua, thế nhưng ít ai biết được câu chuyện việc ký kết các Hiệp định của Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ) về vấn đề đình chỉ chiến sự và thiết lập lại hòa bình của các nước Đông Dương tháng 7/1954 đều được ghi lùi lại 1 ngày.

Hiệp định Geneva bao gồm các văn bản chủ yếu sau: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào và Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Campuchia.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu ký Hiệp định Geneva. Ảnh tư liệu

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu ký Hiệp định Geneva. Ảnh tư liệu

Đây là những văn kiện vô cùng quan trọng đã được các bên tham gia ký kết tại Hội nghị Geneva, đặc biệt là bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Việc ký kết các Hiệp định này phản ánh tương quan lực lượng đối sánh của các bên trên chiến trường Đông Dương và lực lượng các nước lớn trên trường quốc tế, đồng thời phản ánh mối quan hệ quốc tế phức tạp lúc đó.

Tại Việt Nam, Hiệp định này đã tạo điều kiện để miền Bắc được độc lập, tự do hoàn toàn, đi lên CNXH, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để cùng quân và dân miền Nam tiến hành kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tiến tới thống nhất đất nước. Cho đến nay, ngày ký kết Hiệp định Geneva vẫn là vấn đề thu hút những ý kiến khác nhau bởi có sự trình bày khác biệt trong nhiều văn bản và công trình nghiên cứu.

Một số công trình nghiên cứu vẫn viết ngày ký Hiệp định là 20/7/1954 như: Trong cuốn sách Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học do Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị xuất bản năm 1996. Cuốn sách này viết: “Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng và phức tạp, nhưng với tinh thần chủ động và cố gắng của phái đoàn ta, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết” (Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 212).

Tương tự như vậy, trong cuốn Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học cũng do Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị biên soạn, xuất bản năm 2000 viết rằng: “Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết” (Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 140).

Trong Tập 5 của bộ sách Văn kiện Trung ương cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, xuất bản năm 2018 có Chỉ thị số 37/CT-TWC, ngày 25/7/1954 của Trung ương Cục miền Nam về nội dung tóm tắt của Hiệp định Geneva, trong đó cũng ghi rõ: “Ngày 20/7/1954, các nước tham dự Hội nghị Geneva, trừ Mỹ và bù nhìn Việt Nam, đã ký 3 bản hiệp nghị đình chiến ở Việt Nam, Lào và Miên và đã ra 1 bản tuyên bố chung của Hội nghị” (Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1946-1975, Tập 5 (1953 - 9/1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 854).

Tuy nhiên, trong một vài công trình khác thì ngày ký kết các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia tại Hội nghị Geneva có sự không đồng nhất.

Lật giở lại những tài liệu có liên quan đến sự kiện này, chúng tôi đã thấy việc ghi ngày ký kết Hiệp định không đồng nhất này là cả một câu chuyện thú vị. Trong cuốn sách Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, xuất bản năm 2015, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin và các cộng sự của ông viết: “Sáng ngày 21 tháng 7, ba Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ở Lào và ở Cao Miên được ký kết” (Nguyễn Đình Bin (Chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 157).

Chú thích về sự kiện này, các tác giả của cuốn sách cho biết thêm: “Các hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào được ký lúc 2 giờ 45 phút sáng ngày 21 tháng 7; Hiệp định đình chiến tại Campuchia đến 11 giờ 21 phút mới ký xong, nhưng thời gian được ghi ở cuối các hiệp định: ký lúc 24 giờ ngày 20 tháng Bảy, để giúp cho Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pháp Mendès France giữ được lời hứa trước Quốc hội và nhân dân Pháp là lập lại hòa bình trong vòng 1 tháng”.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Luân - trong công trình Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945-1975), xuất bản năm 2000 đã từng cho rằng Hiệp định Geneva được ký kết đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21/7/1954 thì đến năm 2005, khi xuất bản công trình Ngoại giao Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử, ông cũng đã sửa lại rằng: “Sau những cuộc thương lượng, mặc cả gay go phức tạp, sáng ngày 21 tháng 7, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam - Đông Dương được ký kết” (Nguyễn Phúc Luân: Ngoại giao Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 17).

Cùng quan điểm này, trong lời giới thiệu cuốn sách Hiệp định Geneva: 50 năm nhìn lại của Bộ Ngoại giao, xuất bản năm 2015 viết: “Ngày 21 tháng Bảy 1954, Hiệp định Geveva về Đông Dương được ký tại thành phố Geneva, Liên bang Thụy Sĩ, đã chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương” (Bộ Ngoại giao: Hiệp định Geneva: 50 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 7).

Năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xuất bản bộ sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam, trong Tập 1 (1946-1960) của bộ sách này cũng viết: “Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 đánh dấu thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ” (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Lịch sử Quốc hội Việt Nam, Tập 1 (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 153).

Lời hứa của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Pháp

Như vậy, có thể thấy ngày ký kết các hiệp định của Hội nghị Geneva là ngày 21/7/1954, chứ không phải là ngày 20/7. Nhưng tại sao trong các văn bản Hiệp định lại đều ghi ngày 20/7?

Sau hơn 2 tháng đấu tranh trên bàn đàm phán, ngày 21/7/1954, Thiếu tướng Delteil thay mặt Bộ Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đặt bút ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. Ảnh tư liệu

Sau hơn 2 tháng đấu tranh trên bàn đàm phán, ngày 21/7/1954, Thiếu tướng Delteil thay mặt Bộ Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đặt bút ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Đông Dương. Ảnh tư liệu

Đó là vì, ngày 18/6/1954, Mendès France được Tổng thống René Coty đề bạt là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ), kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp. Ngày 19/6/1954, khi tuyên thệ nhậm chức, Mendès France đã tuyên bố, hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp rằng: Trong vòng một tháng sẽ lập lại hòa bình ở Đông Dương, nếu không ông ta sẽ từ chức.

Nói về câu chuyện này, trong Tập 1 bộ sách 50 năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, tác giả Lưu Văn Lợi viết rằng: “Tại chính quốc, ngày 12 tháng 6, Chính phủ Laniel phải từ chức, ngày 20 tháng 6 Pierre Mendès France lên thay với lời hứa trong vòng 1 tháng sẽ lập lại hòa bình ở Đông Dương nếu không sẽ từ chức” (Lưu Văn Lợi: 50 năm ngoại giao Việt Nam 1945-1995, Tập 1: Ngoại giao Việt Nam 1945-1975, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.182).

Tác giả Hoàng Anh trong bài viết “Hiệp định đình chiến Ge nè ve ký ngày 20 hay ngày 21-7-1954” đăng trên báo Sài Gòn giải phóng online ngày 23/7/2004 cũng cho biết: “Trong buổi nhậm chức ngày 19-6-1954, Thủ tướng mới của nước Pháp Pierre Mendès France hứa sẽ nỗ lực đạt được ngừng bắn ở Đông Dương trước ngày 20/7/1954; nếu không, ông cam kết sẽ từ chức. Để thực hiện điều đó, ông kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao và trực tiếp làm Trưởng đoàn đại biểu Pháp tại Hội nghị Geneva về Đông Dương. Vì nhiều lý do, cuộc thương thuyết kéo dài đến nửa đêm 20/7/1954 mà vẫn chưa có kết quả.

Cũng như vậy, cuốn Lịch sử Việt Nam, Tập 11 (từ năm 1951 đến năm 1954) đã viết rằng: “Đặc biệt trong bài diễn văn ngày 8 tháng 6, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov đã dùng tài liệu của Việt Nam đả kích rất mạnh chính sách hiếu chiến của Chính phủ Pháp Bidault. Ngày 19 tháng 6, Chính phủ Mendès France lên cầm quyền và ngay hôm sau, Chính phủ mới hứa với Quốc hội Pháp trong vòng một tháng (tính đến ngày 20 tháng 7) sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây chính là sự kiện quan trọng góp phần phá vỡ bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển” (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nguyễn Văn Nhật (Chủ biên): Lịch sử Việt Nam, Tập 11 (từ năm 1951 đến năm 1954), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017, tr. 436).

Song dù đã tuyên bố như vậy, nhưng Mendès France và các cộng sự của ông ta vẫn rất cứng rắn, không chấp nhận nhượng bộ ở vấn đề đường ranh giới quân sự tạm thời chiếm đóng giữa các bên, về việc giải quyết cả vấn đề quân sự và vấn đề chính trị và tuyển cử sớm ở cả 3 nước Đông Dương.

Phía Pháp vẫn bám giữ quan điểm lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới phân chia địa bàn tạm thời để tập kết lực lượng. Còn quan điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là lấy vĩ tuyến 13 hoặc chí ít thì cũng phải là vĩ tuyến 16 như Đồng Minh đã quyết định tháng 8/1945. Do lập trường các bên đối lập nhau, nên cho đến tận 24h00 ngày 20/7 năm 1954 thì các bên vẫn chưa tìm được lối thoát cho Hội nghị Geneva. Đến lúc đó vẫn chưa có hiệp định nào về vấn đề đình chỉ chiến sự ở Đông Dương được ký kết cả.

Song với thiện chí vì hòa bình và hữu nghị, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chấp nhận xuống thang, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời để tập kết lực lượng giữa các bên, chuẩn bị cho việc hiệp thương, tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Và cũng trên tinh thần đó, ta cũng đã chấp nhận đề nghị của phía Pháp ghi lùi ngày ký kết Hiệp định từ sáng ngày 21/7 thành 24h00 ngày 20/7. Điều này đã được viết trong nhiều công trình nghiên cứu về Hội nghị Geneva.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ được thiện chí vì hòa bình và hữu nghị của Việt Nam tại Hội nghị Geneva năm 1954. Đây chính là bài học cho chúng ta ngày nay về tư duy đối ngoại, ngoại giao với nước lớn. Chúng ta cần hòa bình nên chúng ta nhân nhượng, thể hiện rõ thiện chí của mình, không chỉ để kết thúc chiến tranh, mà còn là để mở ra một triển vọng mới trong quan hệ đối ngoại, tiến hành hòa giải, bình thường hóa quan hệ và mở rộng giao lưu, hợp tác toàn diện, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Tiến sĩ Phạm Minh Thế

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-thu-vi-ve-viec-chap-nhan-ghi-lui-ngay-ky-ket-hiep-dinh-geneva-2304105.html