Chuyện tình của thế hệ 'đã đốt hết một thời lên thành lửa'

Tại tọa đàm Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin cho biết, ông với Đỗ Nam Cao và những nhà văn, nhà báo cùng thế hệ mình bám trụ ở chiến trường Đông Nam bộ đã trải qua những năm tháng tột cùng gian khổ nhưng cũng hết sức tươi đẹp của tuổi thanh xuân, đào luyện cho mỗi người và trở thành chất liệu quý giá cho thơ...

Nhà thơ Đỗ Nam Cao khi vừa tốt nghiệp đại học năm 1970, chuẩn bị vào chiến trường Đông Nam bộ

Nhà thơ Đỗ Nam Cao khi vừa tốt nghiệp đại học năm 1970, chuẩn bị vào chiến trường Đông Nam bộ

1. Nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948-2011) tên thật là Đỗ Sơn Cao, sinh trưởng tại Phú Xuyên, Hà Tây nay thuộc Hà Nội. Ông là tác giả các tập thơ: Những cánh cò lửa (1976), Dính (2008), Thơ Đỗ Nam Cao (2012), Hỡi cô cắt cỏ (2021), được tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình Thi. Ông đã qua đời ngày 8-11-2011 tại TP.HCM.

Cuộc tọa đàm Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ký ức còn mãi được tổ chức vào ngày
12-10 vừa qua nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất của ông. Đây cũng là dịp các đồng đội là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu từng lăn lộn chiến trường sinh tử cùng thế hệ ông từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về gặp mặt nhau sau những nhớ quên của thời gian và bộn bề mưu sinh, như Đỗ Nam Cao từng viết mở đầu tập thơ Dính:

“Ta quên mình đã có một thời

Đã đốt hết một thời lên thành lửa

Trong xác lá phủ dày ai biết nữa

Hương tro còn ngần ngận ở đâu đâu”.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn Hiến Việt Nam cho biết, ông và Đỗ Nam Cao tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) từ năm 1970. Cùng lớp với 2 ông còn có các nhà thơ, nhà văn: Bế Kiến Quốc, Lê Quang Trang, Vũ Ân Thi, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Thị Hồng, Kim Cúc…

Là một trong những tài năng thi ca tiêu biểu cho thế hệ những người bước ra từ chiến tranh ác liệt, nhà thơ ĐỖ NAM CAO đã lặng lẽ sống, sáng tạo và cống hiến.

Vừa tốt nghiệp đại học, Đỗ Nam Cao cùng nhiều bạn trong lớp xung phong đi chiến trường và được đưa về học khóa IV Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá (Hà Nội). Đây là khóa đào tạo nhà văn, nhà báo cho miền Nam bấy giờ mà học viên quy tụ từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là sinh viên ngữ văn mới tốt nghiệp đại học có năng khiếu văn chương. Đến tháng 4-1971, lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam kết thúc, mọi người chia tay nhau vác ba lô vào chiến trường miền Nam.

Lúc ấy, các cây bút trẻ như: Phạm Quang Nghị, Phan Xuân Biên, Trần Đức Cường, Đỗ Nam Cao, Lê Quang Trang, Vũ Ân Thi, Trần Thị Thắng, Hà Phương… vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam bộ; trong khi những Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Thế Khoa, Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Đức Hạt, Vũ Thị Hồng… thì về chiến trường Khu 5 ở Trung bộ. Đỗ Nam Cao cùng một số người vào công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam bấy giờ đóng ở biên giới Việt Nam - Campuchia. Ông trở thành biên tập viên, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và là thành viên Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam cho tới ngày đất nước hòa bình thì về công tác ở TP.HCM.

2. Đỗ Nam Cao và Nguyễn Khắc Thuần vốn cùng học khóa IV Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội và cùng vào chiến trường Nam bộ. Tập thơ Những cánh cò lửa do NXB Văn nghệ Giải phóng ấn hành năm 1976, in chung thơ 2 ông, trong đó Đỗ Nam Cao có 33 bài. Đó gần như một thứ nhật ký bằng thơ tái hiện những năm tháng ác liệt ở chiến trường Nam bộ mà Đỗ Nam Cao bám trụ, chủ yếu là chiến khu miền Đông và vùng ven đô Sài Gòn. Những bài thơ Đỗ Nam Cao bình dị mà sâu lắng tâm cảm và giàu hình tượng. Bài thơ Những cánh cò lửa viết tháng 11-1973 dùng để đặt tên chung cho cả tập thơ là bài thơ hay và tiêu biểu nhất của Đỗ Nam Cao thời chiến tranh:

“Ô! Con cò, con cò bay

Con cò mà bỗng mê say lạ lùng

Xa trông như đốm lửa bùng

Cánh con cò cháy rực vùng trời cao…”.

Từ hình ảnh con cò thơ mộng, bài thơ kết thúc bằng liên tưởng đẹp bất ngờ: “Ơi con cò của lòng người/ Nghìn năm quen lại khiến đời xôn xao/ Xuồng đi mây ửng ngọn sào/ Tôi mang đôi cánh lửa vào tiền phương”. Vì sự bình yên của Tổ quốc, người lính cầm súng ra trận nhưng tâm hồn họ, trái tim họ vẫn cảm thụ được vẻ đẹp mà thiên nhiên, cảnh vật ban tặng.

Không chỉ những cánh cò trên bầu trời, mà nhà thơ Đỗ Nam Cao còn phát hiện ở dưới đất “Cỏ tranh cây cỏ tranh ơi/ Cỏ như cũng có hồn người ở trong” khi trầm tư về cây cỏ miền Đông, hoặc một ngày “Qua sông Sài Gòn” cảm xúc trong ông dâng trào:

“Dòng sông bỗng hiện ra trước mặt

Tôi đặt chân lên con thuyền chòng chành muốn lật

Ôi dòng sông như mọi dòng sông

Mà có gì đau đáu mênh mông...”.

Có thể nói, những bài thơ của Đỗ Nam Cao trong tập thơ Những cánh cò lửa đã góp vào nền thi ca chống Mỹ một tiếng nói riêng khác lạ, và quan trọng hơn, nó phát lộ một tài năng thơ và là bệ phóng quan trọng cho chặng đường thơ về sau của ông.

Nối tiếp mạch thơ yêu nước chống ngoại xâm, ở giai đoạn sau này, Đỗ Nam Cao có bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa khi xảy ra sự kiện Gạc Ma năm 1988, mà theo nhà thơ Thanh Thảo là bài thơ hay nhất viết về Trường Sa xưa nay: “Một bài thơ viết về Trường Sa với độ khốc liệt hiếm thấy của tâm hồn người viết. Ở đây không có những lời ca ngợi theo kiểu tuyên truyền, chỉ có nỗi đau “cào rách thịt da”, chỉ có tình yêu thương tới mức khốc liệt với những người lính đảo Gạc Ma, khi họ đã dùng tới vũ khí cuối cùng là chính dòng máu nóng của mình “hực ra” vào mặt quân thù để bảo vệ từng tấc đảo của Tổ quốc”.

NSND Thúy Mùi ngâm bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa của nhà thơ Đỗ Nam Cao

NSND Thúy Mùi ngâm bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa của nhà thơ Đỗ Nam Cao

Từ Thủ đô Hà Nội, NSND Thúy Mùi yêu quý nhà thơ Đỗ Nam Cao đã tự làm CD thơ ông và bay vào miền Nam ngâm bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa mở đầu chương trình tưởng niệm 12 năm ngày mất của ông, trong đó có đoạn:

“Trường Sa ư? Với ngày thường xa thật

Đảo ở đâu? Tôi có hỏi đâu mà

Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ

Đảo mới gần, mới thật đảo của ta”.

3. Về những năm cuối đời của nhà thơ Đỗ Nam Cao, theo nhà phê bình Lê Quang Trang: “Thơ anh từng mê mải với cánh cò, màu xanh cây cỏ. Càng đi, anh càng thấy vẻ đẹp của dân tộc kết tinh trong sắc xanh của lúa đồng, vạt cỏ ven đê, của quan hệ con người cũng như bao trí tuệ trong kho tàng văn hóa dân gian mà mẹ anh đã gieo vào tâm hồn anh từ ấu thơ, hoặc anh tiếp thụ được”. Chẳng hạn trong bài Về, Đỗ Nam Cao viết:

“Làng ơi

Cúi lạy thành hoàng

Cho con được phép khẽ khàng vào quê

Ngõ quên trâu dẫn lối về

Vườn xưa mất dấu trăng thề vườn xưa”.

Đặc biệt là trường ca Hỡi cô cắt cỏ lấy cảm hứng từ những mối tình đẹp của Thánh Tản Viên với cô cắt cỏ và Chử Đồng Tử - Tiên Dung lãng mạn giữa bờ bãi sông Hồng huyền thoại. Một tác phẩm hay viết về suối nguồn lịch sử, văn hóa dân tộc:

“Thì thôi về bãi Tự Nhiên

Để em tắm để thánh hiền lòi ra

Con vua cũng thể đàn bà

Dẫu chàng đánh dậm vưỡn là đàn ông

Ôi Tiên Dung hỡi Tiên Dung

Giọt phù sa mẹ sông Hồng đẻ đau

Đất trời đã gả trầu cau

Thiếp chàng duyên nợ từ đâu hỡi thần”.

Phan Hoàng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202310/chuyen-tinh-cua-the-he-da-dot-het-mot-thoi-len-thanh-lua-2084c3d/