Chuyện tình đặc biệt của cặp vợ chồng gần 100 tuổi muốn lên xe hoa bây giờ ra sao?

Gần 20 năm trước, họ là hàng xóm, cùng sinh sống trong một con hẻm nhỏ ở Hà Nội. Sau này vì nhiều lý do, cụ Kim Sơn chuyển vào Sài Gòn sinh sống, còn bà Thu về Lạng Sơn, cả hai mất liên lạc từng ấy năm. Thế nhưng, khi biết tin cụ Kim Sơn sống một mình, bà Thu giấu con cái, vượt hàng nghìn km để vào chăm sóc cho ông lão hàng xóm ngày xưa.

Cụ ông 93 tuổi viết "tâm thư" xin làm đám cưới tập thể

Cặp đôi "ông bà anh" này rất nổi tiếng, từ hồi bài hát cùng tên còn chưa được nhạc sĩ sáng tác và gây chú ý với giới mộ điệu. Tháng 12/2012, cụ Mai Kim Sơn (P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gây sốt trên các trang mạng xã hội, nhiều cơ quan thông tấn đưa tin cụ ông 93 tuổi viết "bức tâm thư" xin được làm chú rể trong một đám cưới tập thể do Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân (thuộc Thành đoàn TP.HCM) tổ chức. Sự việc hy hữu chưa từng có.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nguyện vọng muốn cho bà Thu một danh phận của cụ Kim Sơn không thành khi ấy. Cuối cùng, tâm nguyện của đôi vợ chồng già đặc biệt này cũng được thực hiện khi những người làm chương trình "Điều ước thứ 7" tiếp nhận được thông tin này.

Sau đó, một đám cưới đầy bất ngờ đã diễn ra bên bờ biển Vũng Tàu. Toàn bộ câu chuyện được phát trong chương trình "Điều ước thứ 7" số thứ 2 gây xúc động cho mọi người về một chuyện tình đẹp của cặp đôi ở tuổi gần đất xa trời.

Hai vợ chồng cụ Kim Sơn xem lại ảnh cưới ngày ấy

Hai vợ chồng cụ Kim Sơn xem lại ảnh cưới ngày ấy

Sau đám cưới đặc biệt ấy, cụ Kim Sơn và bà Thu về thuê một căn nhà trọ nhỏ, ngay cạnh bờ sông Sài Gòn, trong bán đảo Thanh Đa sinh sống, sau khi căn chung cư tại khu Cư xá Thanh Đa của cụ Kim Sơn bị giải tỏa. Thỉnh thoảng mỗi lần đi qua đây, người viết đều ghé vào thăm nơi ở của cặp vợ chồng già, được nghe lại chuyện đời, chuyện tình của hai cụ.

Nhắc lại chuyện cũ, cả 2 cụ hào hứng kể. "Ngày ông ấy viết đơn xin làm đám cưới tập thể, cả thành phố biết đến hai vợ chồng tôi, chứ ở bán đảo Thanh Đa ai còn lạ gì cụ ông gần 100 tuổi chạy xe đạp điện phà phà ngoài đường. Cái hồi đi xin làm đám cưới, ông ấy còn chở tôi, hai vợ chồng chạy xe đạp điện đi nộp đơn đấy", bà Thu nhớ lại.

Cụ Kim Sơn cũng từng kể rằng, ở tuổi đó, hai người đến với nhau rồi xin làm đám cưới tập thể cũng có nhiều người dị nghị, nói vào nói ra. "Muốn làm đám cưới là chủ ý của tôi. Bà ấy nói, ở tuổi này mấy việc đó cũng đâu còn quan trọng. Vừa là vợ chồng, vừa là bạn, đỡ đần nương tựa nhau lúc tuổi già. Nhưng tôi muốn cho bà ấy một danh phận đàng hoàng" - cụ Kim Sơn tâm sự.

"Tôi đưa bà ấy đi đăng ký kết hôn nhưng vì vướng vài thủ tục, người ta không duyệt ngay, nói bổ sung giấy tờ thêm. Mà chúng tôi đều lớn tuổi, đợi nữa thì sợ dang dở. Rồi tôi đọc báo và biết thông tin có 1 đám cưới tập thể lớn nhất từ trước đến nay sẽ được tổ chức. Tôi nghĩ chỉ còn cách đó để công bố cho mọi người biết chuyện của hai người", cụ Kim Sơn kể lại lý do muốn làm điều gì đó cho người mình thương yêu.

Chuyện tình "ông bà anh"

Kể lại nhân duyên đến với nhau, bà Thu cho biết, bà và cụ Kim Sơn chênh nhau 27 tuổi. Gần 20 năm trước, hai người từng là hàng xóm của nhau, khi cùng sinh sống trong 1 con hẻm nhỏ tại Hà Nội.

Lúc đó, cụ Kim Sơn ở với người vợ đầu. Hai vợ chồng cụ chỉ có 1 người con nuôi và sinh sống ở Đông Âu. Tuổi già, mỗi khi tới mùa đông, các xương khớp cụ Kim Sơn lại đau nhức. Sau đó, cụ và người vợ đầu bán nhà vào Sài Gòn sinh sống.

Còn bà Thu khi ấy là góa phụ, bà ở trong nhà người anh họ. Vợ chồng bà có hai người con gái, đều đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Sau này bà chuyển về TP.Lạng Sơn (Lạng Sơn) sinh sống với người con gái. Gần 20 năm, cụ Kim Sơn và bà Thu mất liên lạc với nhau, mãi cho tới năm 2011, bà Thu bất ngờ nhận được điện thoại của của cụ ông mời vào Sài Gòn chơi.

Sống lãng mạn là bí kíp trường thọ của cặp vợ chồng già

Sống lãng mạn là bí kíp trường thọ của cặp vợ chồng già

Cụ Kim Sơn kể, vào Sài Gòn được vài năm thì người vợ đầu của cụ không may bạo bệnh rồi qua đời. Một mình cụ vò võ một mình trong căn chung cư cũ. "Mỗi lần buồn tôi hay gọi điện về tâm sự với bạn cũ. Trong đó có người anh họ của bà ấy, rồi cũng nhớ ông ấy mai mối mà chúng tôi đến với nhau", cụ Kim Sơn kể. Lúc đó, tâm tư cụ cũng đấu tranh lắm mới dám mời bà Thu "vào đây ở với tôi cho vui".

Bà Thu còn nhớ cái lần đi vào Sài Gòn thăm cụ Kim Sơn, cũng xốn xang như cái hồi bà về nhà chồng năm 18 tuổi. "Lúc đi có dám nói cho hai đứa con gái biết đâu. Tôi chỉ bảo chúng nó là mẹ đi vào Sài Gòn chơi với mấy người bạn già, khi nào chán thì về. Mình chỉ nói ngắn gọn vậy, mà cũng hồi hộp lắm nhé. Cứ như đi ăn trộm ấy. Thì chỉ còn biết nói vậy chứ không nhẽ lại bảo là "mẹ đi lấy chồng à", bà cười tươi nhắc lại chuyện "cọc đi tìm trâu".

Hai người con của bà Thu cũng tâm lý, thương cảnh mẹ già cơm niêu nước lọ nên khi nghe bà muốn đi chơi là ủng hộ ngay. "Hơn 1 tháng tôi mới dám gọi điện về kể cho các con nghe chuyện vào đây ở với ông ấy. Trước đó, cứ nghĩ mấy đứa con nó phản đối nào ngờ cả hai hết lòng ủng hộ vun vén cho hai vợ chồng già".

"Cái hồi chương trình "Điều ước thứ 7" tổ chức đám cưới ấy, chúng tôi cũng biết đâu. Có một cô gái đến nhà nói cảm phục tình yêu của hai vợ chồng nên mời đi du lịch ở Vũng Tàu. Họ đài thọ hết, nói cho ăn tiệc nữa. Ai ngờ cái tiệc ở nhà hàng sang trọng ấy là hôn trường họ chuẩn bị sẵn cho hai vợ chồng. Lúc đó nào là con cái của tôi, của ông ấy cùng xuất hiện trước sự ngỡ ngàng bất ngờ của hai vợ chồng", bà Thu xúc động nhớ lại.

Cụ ông ngày đó nay đã 102 tuổi, còn bà Thu cũng đã 74 tuổi. Sức khỏe cụ Kim Sơn đã yếu hơn nhưng trí nhớ cụ rất tốt. Bà Thu kể, cách đây vài tháng, sức khỏe cụ bất ngờ xấu đi, đôi chân yếu hẳn. Từ đó đến giờ cụ chỉ quanh quẩn trong nhà. Hằng ngày, bà Thu đọc báo cho chồng nghe.

Bà Thu kể, càng có tuổi ông càng quấn lấy bà hơn. Cứ không thấy bóng bà là cụ ông lại gọi "em ơi"

Bà Thu kể, càng có tuổi ông càng quấn lấy bà hơn. Cứ không thấy bóng bà là cụ ông lại gọi "em ơi"

Chế độ ăn uống của cụ ông cũng đặc biệt. Cụ ăn cháo, uống sữa, chia làm nhiều bữa trong ngày. "Trước đây, lúc chân ông ấy còn đi được, sáng nào hai vợ chồng già cũng chạy thể dục cùng nhau. Nhìn ông giờ vậy thôi, chứ hồi đó ngày nào cũng tập tạ, tập cơ tay, chạy bộ trên máy đấy", bà kể.

Cũng theo bà Thu, từ hồi sức khỏe yếu hơn, cụ ông quấn lấy bà hơn. Cứ không thấy bóng dáng vợ là cụ Kim Sơn lại gọi "em ơi". Do vậy, mọi chuyện chợ búa, bà Thu đều phải nhờ hàng xóm đi mua giúp. Khi người viết đến thăm, bà Thu nhờ ở lại chơi với cụ ông 1 lúc để bà đi làm tóc vì 6 tháng nay bà chưa đi ra khỏi cổng.

Cách xưng hô của đôi vợ chồng già khiến nhiều người người nghe mà ghen tị khi lúc nào cũng gọi nhau là "anh anh, em em". "Tình cảm, lãng mạn là bí quyết trường thọ của vợ chồng tôi ấy", cụ Kim Sơn hóm hỉnh tâm sự.

Lê Nguyễn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-dac-biet-cua-cap-vo-chong-gan-100-tuoi-muon-len-xe-hoa-bay-gio-ra-sao-20200116172727074.htm