Chuyện tình hơn nửa thế kỷ của cô gái mồ côi và chàng trai khiếm thị

Chị Sâm tâm sự: 'Mẹ mình chịu khó, lam lũ và vất vả lắm. Nhà mình lúc nào cũng thuộc diện nghèo nhất xóm, thậm chí còn bị không ít người coi thường vì nghèo quá'.

Cô gái mồ côi đồng ý cưới người đàn ông mù

Những câu chuyện tình của bố mẹ luôn mang đến cho người ta những cảm xúc khác nhau. Đôi lúc, con cháu cũng phải ồ à ngạc nhiên và không hiểu vì sao trong nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, bố mẹ, ông bà ta vẫn bình thản cầm tay nhau vượt qua tất cả.

Câu chuyện về ông Nguyễn Cảnh Thiệm (79 tuổi) và bà Phan Thị Nhung (74 tuổi) do cô con gái Nguyễn Sâm kể lại. Hiện tại, hai ông bà đang sinh sống tại Yên Thành, Nghệ An.

Ông Thiệm là người khiếm thị bẩm sinh, chẳng thấy được gì cả, xung quanh chỉ toàn màu đen. Có lẽ cũng bởi vì vậy mà đã 20 tuổi ông vẫn chưa hỏi được vợ.

Lúc đó, bà Nhung có hoàn cảnh buồn khì mồ côi từ nhỏ. Bởi vậy, mẹ ông Thiệm đã thuyết phục bà Nhung về làm dâu của mình để có chốn đi về.

"Thời đó chẳng ai muốn gả con mình cho một người mù cả. Tuy vậy, mẹ mình do hoàn cảnh nên đã đồng ý làm vợ ba. Những ngày đó, cơm còn không đủ ăn chứ đừng nói đến hôn lễ rình rang. Ba mẹ về sống với nhau thôi. Hiện tại, ba mẹ cũng chẳng nhớ năm kết hôn đó là bao nhiêu tuổi nữa nhưng phải hơn 50 năm trước bởi chị hai của mình hiện tại đã 53 tuổi rồi". chị Sâm kể.

Ảnh cưới sau hơn 50 năm hôn nhan của bà Nhung và ông Thiệm.

Ảnh cưới sau hơn 50 năm hôn nhan của bà Nhung và ông Thiệm.

Theo lời kể của chị Sâm, người ta lấy chồng để nhờ chồng, có một chốn nương tựa nhưng với mẹ chị thì đúng kiểu "Nuôi đủ 5 con với 1 chồng".

Vì ông Thiệm không nhìn thấy gì cả nên gánh nặng cuộc sống đè hết lên vai bà Nhung. Ông không làm được gì cả, chỉ ở nhà phụ vợ chăm con mà thôi. Đến cả chuyện cơm nước cũng phải đợi bà Nhung về nhà nấu nướng.

Chị Sâm tâm sự: "Mẹ mình chịu khó, lam lũ và vất vả lắm. Nhà mình lúc nào cũng thuộc diện nghèo nhất xóm, thậm chí còn bị không ít người coi thường vì nghèo quá. Quanh năm làm nông nên dù có cố thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng thể đủ ăn đủ tiêu được. Nhiều lúc thiếu ăn nhà mình phải đi vay nợ. Mà có phải vay là được cho đâu, nhiều người cũng không dám cho vay vì sợ mẹ chẳng trả được. Những tháng ngày khó khăn đó nói đến bây giờ mình vẫn còn thấy thương ba mẹ quá. Mẹ hi sinh hết tuổi xuân cho chồng và các con. Đối với mình, mẹ là một người phụ nữ vĩ đại".

Hai ông bà hạnh phúc khi mặc trên mình trang phục cô dâu chú rể.

Bộ ảnh cưới "muộn" sau hơn 50 năm

Hai ông bà sinh được tổng cộng 5 người con. Vì gia cảnh vất vả, 3 người con đầu nghỉ học sớm đi làm phụ mẹ. Hai người con út có học đại học và cũng cố gắng vừa học, vừa đi làm thêm trong thời gian này.

Lấy chồng mù, nhà đông con, một mình cáng đáng đủ chuyện nhưng chưa bao giờ bà Nhung thấy hối hận hay chán nản. Với chồng mình, bà chăm sóc vô cùng chu đáo. Từ chuyện ông ăn ông mặc rồi ốm sốt thuốc thang lúc nào bà cũng thoăn thoắt. Trong mắt mấy anh chị em nhà chị Sâm, chẳng có ai hiểu bố mình bằng mẹ cả. Và càng như vậy, họ càng trân trọng tình cảm, tình nghĩa mà hai ông bà dành cho nhau.

Ở quê chị Sâm, khi có đám cưới, mọi người thường hay đến để xem cô dâu như thế nào, mặc váy cưới ra sao. Bản thân mẹ chị Sâm cũng nhiều lần như vậy, trầm trồ với các cô dâu nên Sâm đã quyết định giúp ba mẹ một lần được lộng lẫy như thế. Cô lên kế hoạch để ba mẹ có một bộ ảnh cưới. Mẹ được mặc váy cô dâu, ba mặc vest đúng nghĩa.

Chị kể: "Hôm đó, mình gọi xe đến cổng rồi bảo ba mẹ đi công việc với con một chút. Ông bà gặng hỏi nhưng mình không nói gì. Khi đến studio, ekip đã sẵn sàng nên dù bất ngờ ba mẹ cũng phải "miễn cưỡng" nghe lời vì bỏ về không được. Ba mẹ ngại lắm, sợ mọi người chọc là già rồi còn xí xọn nhưng cuối cùng vẫn hợp tác chụp hình".

Trong những tấm ảnh cưới "muộn" hơn 50 năm, nhìn ông và bà thật hạnh phúc. Bà lần đầu biết thế nào là cảm giác mặc váy cưới, ông cười vui vẻ ngồi bên cạnh bà, hợp tác trong từng khung hình.

Theo chị Sâm, đây không phải hình kỷ niệm ngày cưới nhưng nó là một món quà mà cho dù hai ông bà coi là quà 50 năm, 60 năm hay 70 năm hôn nhân thì vẫn đều có ý nghĩa hết cả.

"Nhiều người hỏi tại sao không chụp ảnh có đông đủ anh chị em và con cháu trong nhà. Bây giờ gia đình mình các anh chị đều có cuộc sống riêng, mỗi người ở một nơi nên tụ họp lại được đầy đủ là rất khó. Hơn nữa, mấy anh chị cũng hay ngại ngần nên không hợp tác. Dù sao đi chăng nữa, khi thấy ảnh ba mẹ như thế này, ai cũng đều xúc động cả", chị Sâm chia sẻ.

Đúng là có những câu chuyện tình yêu và hôn nhân vượt qua tất cả mọi khoảng cách. Chuyện về một cô gái mồ côi đồng ý lấy người đàn ông mù thật sự rất đáng khâm phục. Và điều phải trầm trồ hơn nữa là họ đã đồng hành cùng nhau hơn 50 năm và xây dựng một đại gia đình thật sự hạnh phúc!

An Thanh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hon-nua-the-ky-chuyen-tinh-co-gai-mo-coi-va-nguoi-dan-ong-khiem-thi-2220229781131814.htm