Chuyện tình khó tin của người vợ 13 năm chăm chồng bại liệt

Vừa cưới nhau được 3 tháng, một tai nạn bất ngờ đã khiến anh Trung bị chấn thương sọ não và mãi mãi mất đi khả năng vận động. Trong suốt 13 năm tiếp theo, chị Trang vẫn luôn ở bên cạnh, chăm sóc cho anh từng bữa ăn, giấc ngủ.

Suốt 13 năm anh không thể đi lại, chị vẫn kiên nhẫn ở bên chăm sóc vẹn nghĩa vợ chồng. (Ảnh: Sơn Bách)

Suốt 13 năm anh không thể đi lại, chị vẫn kiên nhẫn ở bên chăm sóc vẹn nghĩa vợ chồng. (Ảnh: Sơn Bách)

“Valentine rồi. Trung có tặng vợ gì không? Trung cho vợ tiền mua hoa cắm nhé”. Nói đoạn, chị quay sang nhìn anh lúc này đang ú ớ, cố gật gật đầu trên chiếc giường đã cũ.

Hạnh phúc ngắn ngủi

Chiều muộn, chị Nguyễn Thu Trang (41 tuổi, quê Phú Thọ) sấp ngửa chạy về căn phòng trọ ở khu tập thể cũ trên đường Lê Hồng Phong (Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) sau một ngày làm việc. Thoáng nghe thấy tiếng xe máy và bước chân quen, từ trong nhà, anh Nguyễn Đăng Trung (41 tuổi, Yên Bái) ú ớ cười thành tiếng… bày tỏ sự vui mừng.

Sau khi cho anh ăn uống xong, chị mới có thời gian để kể lại cho chúng tôi câu chuyện của mình. Cách đây 14 năm, khi đang làm thu ngân cho một hiệu ảnh tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), chị gặp anh khi Trung từ Yên Bái xuống tiệm học nghề. Cả hai nhanh chóng cảm mến, yêu thương nhau. Một năm sau, cả hai quyết định tổ chức đám cưới, dọn về ở chung.

Hạnh phúc của Trang và Trung chỉ ngắn ngủi kéo dài 3 tháng trước khi tai họa ập đến.

Hạnh phúc của Trang và Trung chỉ ngắn ngủi kéo dài 3 tháng trước khi tai họa ập đến.

Thế nhưng, hạnh phúc chỉ kéo dài đúng 3 tháng. Một buổi chiều tan làm, Trang gửi tin nhắn chồng đến đón. Thế nhưng chị chờ mãi vẫn chưa thấy anh đâu. Đúng lúc này, phía trước cửa hàng ảnh bỗng có một tiếng động lớn. Một chiếc ô-tô đã tông trúng một người đi xe máy. Mọi người ùa ra đường để xem, nhưng Trang vẫn ở lại vì không nghĩ người gặp nạn lại là chồng mình.

“Không hiểu sao, lúc ấy tôi cứ bần thần, lòng nóng như lửa đốt. Chỉ đến khi có người chạy vào bảo người bị tai nạn chính là Trung thì tôi mới vội vã chạy ra thì thấy anh đã nằm bất tỉnh giữa đường”, chị kể, mắt đỏ hoe.

Sau khi vào viện, các bác sĩ cho biết Trung bị chấn thương sọ não, hệ thống dây thần kinh bị chèn ép dẫn tới liệt toàn thân. Người vợ trẻ như chết lặng nhìn chồng mình nằm im lìm thở máy. Đôi lúc anh tỉnh lại, đôi mắt vô hồn nhìn về phía vợ đã gầy rộc đi sau nhiều đêm mất ngủ.

Sau 3 tháng không tiến triển, cũng không còn khả năng bám trụ lại Phú Thọ, chị đưa anh về quê nhà Yên Bái để tìm cách điều trị. Thế nhưng, tình trạng của Trung vẫn chẳng khá lên. Trong bước đường cùng, Trang quyết định đưa chồng xuống Hà Nội tìm một phép màu.

Trong những ngày Trung nằm một chỗ, chị vẫn ân cần chăm sóc cho anh.

Trong những ngày Trung nằm một chỗ, chị vẫn ân cần chăm sóc cho anh.

“Nghe mọi người nói châm cứu có thể giúp Trung đi lại được nên tôi đã thuê trọ gần Bệnh viện Châm cứu Trung ương để tiện điều trị. Trong 4 tháng đầu, anh ấy đã có thể cử động được tay trái, miệng bập bẹ nói vài từ đơn giản. Mặc dù vậy, càng về sau, tiến bộ càng chậm. Lúc này, tôi quyết định sẽ ở lại Hà Nội luôn”, chị Trang khẽ thở dài.

Cũng bắt đầu từ đây, hành trình 13 năm nuôi chồng bằng tình yêu và cả trách nhiệm của người phụ nữ ấy chính thức bắt đầu. Rời bệnh viện, chị đưa anh tìm nhà trọ giá rẻ quanh các quận ven Hà Nội rồi làm đủ thứ nghề để kiếm tiền mưu sinh. Hết bán nước, bán ngô, làm công nhân xưởng giấy, chạy xe… Trang không nề hà bất cứ điều gì cả.

13 năm gồng gánh chăm chồng

Ngoái lại nhìn chồng đang nằm như đứa trẻ trên chiếc giường đã cũ, chị nghẹn ngào: Ban đầu, vợ chồng chị trọ tại quận Hoàng Mai. Thế nhưng, căn nhà khi ấy chỉ rộng 15m2 vô cùng chật chội và ẩm thấp.

“Một lần, tôi đi làm, Trung ở nhà một mình. Tới khi về thì phát hiện chuột đã bò vào cắn chảy máu chân anh”, chị Trang kể tiếp.

Sau sự cố ấy, chị quyết định chuyển chỗ ở từ Hoàng Mai sang Hà Đông. Chị lại một mình "cõng" chồng, chuyển đồ đạc sang nơi an cư mới. Gọi là an cư cho sang, nhưng căn phòng hiện tại cũng trống không. Thứ quý giá nhất là chiếc giường gỗ cùng chiếc tivi treo tường cũ kỹ.

Ngày ngày, chị thức dậy từ rất sớm để nắn bóp chân tay giúp chồng rồi xốc nách, đưa anh ra chiếc ghế đặt trong góc để anh ngồi cho đỡ mỏi lưng. Không kịp nghỉ ngơi, chị lại lủi thủi đi mua đồ ăn rồi bón từng thìa cho anh trước khi vội vã đi làm.

Chị Trang đỡ anh Trung trở dậy mỗi buổi sáng...

Chị Trang đỡ anh Trung trở dậy mỗi buổi sáng...

“Đến trưa, tôi cũng phải tranh thủ về nhà, cơm nước, vệ sinh cho Trung rồi mới dám đi làm. Cực nhất là mỗi khi trở trời, ở xa chồng mà lòng nóng như lửa đốt”, chị Trang nói tiếp.

May mắn là những lúc chị không có nhà, những người hàng xóm cũng qua chơi, kể chuyện, mở tivi cho anh xem cho khuây khỏa. Những tiếng cười chốc chốc lại vang lên trong căn nhà nhỏ đơn sơ.

Kể đến đây, bỗng chị quay sang anh trêu: “Valentine rồi. Trung có tặng vợ gì không? Hay là cho vợ tiền mua hoa cắm nhé”. Từ phía dưới giường, anh khẽ ngước mắt lên, khóe miệng giật giật ú ớ rồi cố hết sức đáp: Ừ! Đôi mắt Trung cong tít lại như đang cố để cười.

“Có hôm tôi bảo hôm nay sinh nhật vợ, Trung tặng vợ gì không, anh chỉ cười. Tôi bảo nếu Trung không tặng vợ thì vợ tự đi mua hoa về cắm nhé! Lúc này anh cũng ú ớ bảo ừ. Niềm vui, hạnh phúc đơn giản chỉ cần khi đi làm về thấy anh khỏe mạnh, không ốm đau gì, cười đùa với vợ”, chị Trang xúc động nói.

Niềm vui trong căn nhà nhỏ ngày Valentine...

Niềm vui trong căn nhà nhỏ ngày Valentine...

13 năm qua, các cuộc hội thoại của anh chị chỉ ngắn gọn và cụt lủn như thế. Chị bảo, mặc dù nằm một chỗ, nhưng ai nói gì anh cũng hiểu hết cả. Nhiều lúc thương anh, chị lại rưng rức khóc một mình. Trang bảo, không biết việc anh chị chưa kịp có con trước khi tai họa ập đến là mất mát hay may mắn nữa. Bởi nếu có con, ai sẽ chăm sóc, ai sẽ bế bồng?

“Tôi biết, sau này khi về già, 2 vợ chồng sẽ khổ vì không có ai bầu bạn và chăm sóc. Nhưng nhiều lúc, tôi vẫn nghĩ đó là điều may mắn. Không ít người khuyên tôi nên đi bước nữa. Dù vậy thực sự, tôi không thể bỏ Trung lại. Một ngày là vợ chồng, cả đời là tình nghĩa. Tôi chỉ biết cố gắng từng ngày bên anh, chăm lo cho anh đến cuối đời”, chị ngậm ngùi bảo.

Ngày lễ tình nhân, căn nhà nhỏ vẫn lặng phắc. Từ phía ngoài, thi thoảng chỉ nghe thấy tiếng ú ớ, tiếng người phụ nữ độc thoại một mình. Ít nhất, Valentine đơn sơ này, họ vẫn còn có nhau…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-tinh-kho-tin-cua-nguoi-vo-13-nam-cham-chong-bai-liet-post738705.html