Chuyển trả lại vốn đầu tư công
Cùng với sự tăng trưởng vượt bậc về tiến độ giải ngân trong hai tháng gần đây, hoạt động đầu tư công (ĐTC) có diễn biến mới rất đáng chú ý.
Cùng với sự tăng trưởng vượt bậc về tiến độ giải ngân trong hai tháng gần đây, hoạt động đầu tư công (ĐTC) có diễn biến mới rất đáng chú ý.
Đó là việc nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất trả lại số tiền được phân bổ cho năm 2020 nhưng không giải ngân hết. Con số cụ thể được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê đến thời điểm này: 18 bộ, ngành, địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ, ngành, địa phương khác với tổng số vốn 6.338 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận được đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn của 38 bộ, ngành, địa phương khác với tổng số vốn 13.509 tỷ đồng.
Sở dĩ có việc trả lại vốn vì kỷ luật tài chính, kỷ luật trong hoạt động ĐTC vừa qua đã được siết chặt lại. Trước đây, Luật ĐTC 2014 cho phép giải ngân kéo dài nhưng theo quy định mới của Luật ĐTC năm 2019, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch ĐTC hằng năm là ngày 31-1 của năm sau, trừ trường hợp bất khả kháng. Số vốn kế hoạch được giao nhưng không thực hiện hết phải được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định thu hồi, điều chuyển cho nơi khác có nhu cầu. Tại ba hội nghị đôn đốc giải ngân vốn ĐTC từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân hết 100% vốn ĐTC năm 2020, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí kiểm tra, giám sát và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và từng đơn vị. Mặt khác, lý do đề xuất trả lại vốn ĐTC của các bộ, ngành, địa phương còn có từ những nguyên nhân cố hữu chưa được khắc phục triệt để như: ách tắc trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách; yếu kém, hạn chế về năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu,… Đối với dự án ODA còn có nhiều vướng mắc đặc thù do một số dự án lớn đang phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn; việc xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tiễn cũng như khả năng hấp thụ vốn theo tiến độ dự án; bố trí vốn đối ứng không phù hợp kế hoạch vốn nước ngoài,…
Về cơ bản, việc nhiều đơn vị chủ động đề xuất trả lại vốn để điều chuyển sang nơi cần là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi, nếu số vốn đề xuất trả lại lớn có ảnh hưởng đến cân đối tổng thể chung của kế hoạch phân bổ vốn ĐTC đã lập và hiệu quả quản lý, sử dụng hay không? Bởi trong thực tế, vốn ĐTC được phân bổ theo nguyên tắc “dưới trình lên, trên bổ xuống”, dựa trên cơ sở đề xuất của bộ, ngành, địa phương và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước nhưng sau khi được giao vốn, có bộ lại đề xuất trả lại hàng nghìn tỷ đồng. Đáng lưu ý về cơ cấu, số vốn ĐTC đề xuất trả lại phần lớn là vốn ODA, trong khi các bộ, ngành, địa phương muốn bổ sung tăng vốn chủ yếu lại chỉ cần vốn trong nước. Thực tế này gây áp lực không nhỏ trong công tác điều hòa vốn ĐTC trong những tháng cuối năm.
Đầu tư công là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế bởi đây là gói kích cầu nội địa lớn nhất hiện nay, tạo ra nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho người lao động và bổ sung thêm những công trình hạ tầng quan trọng, là nền tảng cho tăng trưởng không chỉ cho năm 2020 mà cho cả những năm tiếp theo. Muốn hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn ĐTC theo kế hoạch đề ra, bên cạnh việc tiếp tục duy trì quyết tâm mới, cách làm mới đem lại hiệu quả tích cực như hai tháng gần đây, cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, lập kế hoạch ĐTC chính xác, sát thực tế hơn, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, đôn đốc tiến độ và hiệu quả giải ngân là đúng đắn, song điều đó cần phải đồng bộ với trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư và các cơ quan tham mưu. Đối với những bộ, ngành, địa phương chuyển trả lại vốn, kế hoạch vốn giai đoạn sau sẽ chỉ được cấp tương ứng với năng lực thực tế, không để xảy ra tình trạng “vẽ” dự toán rồi “xin” tiền về lại để đấy không tiêu hết.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/chuyen-tra-lai-von-dau-tu-cong-614337/