Chuyển trọng tâm chính sách dân số

Việt Nam cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em.

GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Kết luận số 119-KL/TW (Kết luận 119) của Ban Bí thư ký ngày 4/1/2016 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương có những điểm mới nào định hướng cho chính sách dân số ở nước ta thưa GS?

GS. Nguyễn Đình Cử: Thực tế đã cho thấy, sau thời điểm ban hành Nghị quyết số 47-NQ/TW (năm 2005), tình trạng dân số nước ta đến nay đã thay đổi rất căn bản: Mức sinh đã thấp; dân số trẻ đã bước vào quá trình già hóa; đã hình thành cơ cấu dân số “vàng”; mất cân bằng giới tính khi sinh khá nghiêm trọng; di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ;…Những điều này đã tác động rất mạnh đến sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại cả cơ hội và thách thức. Do vậy, cần phải có định hướng cho chính sách dân số mới.

Theo tôi, tại Kết luận 119 của Ban Bí thư có hai điểm rất mới, đó là:

Thứ nhất, mục tiêu về mức sinh phân biệt theo địa phương. Chính sách DS-KHHGĐ của Việt Nam bắt đầu từ năm 1961 bằng Quyết định 216/CP của Hội đồng Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Vào thời điểm đó, mức sinh của cả nước cũng như từng địa phương đều rất cao. Vì vậy, giảm sinh là mục tiêu cốt lõi và thống nhất trong cả nước, không phân biệt vùng miền. Điều đó là hợp lý. Tuy nhiên, do trình độ phát triển kinh tế, xã hội không đồng đều nên kết quả thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở các địa phương rất khác nhau, dẫn đến mức sinh hiện nay cũng rất khác nhau. Vì vậy, ngày nay, mục tiêu về mức sinh phải phân biệt theo địa phương. Kết luận số 119-KL/TW chỉ rõ: “Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.

Thứ hai, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Kết luận số 119-KL/TW khẳng định: “Việt Nam đã sớm đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế”. Do đó, “cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”. Thực hiện điều này thực sự là một bước ngoặt lớn cho chính sách dân số của Việt Nam, kể từ năm 1961, tức là đã đến lúc thay đổi căn bản quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp của chính sách dân số.

Vậy những nội dung nào của “dân số và phát triển” có thể tạo thành trọng tâm của chính sách dân số trong thời gian tới?

GS. Nguyễn Đình Cử: Kết luận số 119-KL/TW đã đề cập những xu hướng dân số mới của nước ta như xu hướng “mất cân bằng giới tính khi sinh” đang tăng lên: Năm 2009 cứ 100 bé gái được sinh ra thì trung bình tương ứng có 110,6 bé trai; năm 2014, con số này đã tăng lên 112,2. Nếu xu hướng này tiếp tục sẽ gây hệ lụy dân số, xã hội nghiêm trọng.

Một nội dung nữa là, từ năm 2006, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”, theo nghĩa, cứ 2 người trong độ tuổi hoạt động kinh tế thì chỉ có 1 người phụ thuộc. Thời kỳ này sẽ kéo dài đến gần giữa thế kỷ và với tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15-64 (thường có khả năng lao động) rất cao, năm 2014 lên tới 69,4%, (năm 1979 chỉ có 52,2%). Vấn đề là làm thế nào để tận dụng cơ hội “vàng” này để phát triển đất nước?

Bên cạnh cơ cấu dân số “vàng” thì năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta đạt 10,2%, tức là đã bắt đầu bước vào quá trình già hóa. Thời gian để người cao tuổi tăng từ 10% lên 20% (dân số già), ở Pháp mất 115 năm, Trung Quốc 25 năm nhưng Việt Nam chỉ khoảng 20 năm. Rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội đặt ra khi dân số già hóa.

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, di cư diễn ra ngày càng sôi động, dân số đang tích tụ nhanh vào một số thành phố và khu vực, vừa tạo động lực phát triển, đồng thời cũng gây ra nhiều thách thức. Vấn đề điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý và chính sách đối với người di cư cũng trở nên cấp bách.

Cuối cùng nhưng quan trọng nhất là chất lượng dân số nước ta không ngừng được nâng lên nhưng chưa cao. Năm 2013, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam mới đạt 0,638 điểm, mức trung bình và xếp thứ 121/187 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Những vấn đề dân số nói trên đang và sẽ mang lại không những cơ hội mà cả thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Ngược lại, quá trình phát triển kinh tế, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế cũng tác động lớn đến dân số nước ta cả quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số.

Vậy để triển khai cụ thể Kết luận 119 cũng như thực hiện tốt chính sách dân số và phát triển, theo GS chúng ta sẽ cần phải làm gì?

GS. Nguyễn Đình Cử: Để thực hiện chính sách dân số mới với mục tiêu mới, nội dung mới trọng tâm là dân số và phát triển, theo tôi, cần có một bộ máy tổ chức thích hợp, với chức năng, nhiệm vụ mới. Điều này không chỉ liên quan đến hệ thống bộ máy tổ chức DS-KHHGĐ hiện nay mà cả những cơ quan, đơn vị hiện có, đang có chức năng, nhiệm vụ điều phối một nội dung, thành phần nào đó của mối quan hệ dân số và phát triển. Vì vậy, theo tôi, ngay từ bây giờ các nhà quản lý và các nhà khoa học phải tư duy nghiên cứu về vấn đề này.

Tôi cũng rất mong chúng ta sớm có Nghị quyết về chính sách dân số mới mà trọng tâm xoay quanh mối quan hệ mật thiết giữa dân số và phát triển, soi sáng phương hướng giải quyết các vấn đề về dân số có lợi nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Cảm ơn Giáo sư!

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/gop-y-hien-ke/chuyen-trong-tam-chinh-sach-dan-so/248055.vgp