Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
ĐTO - Giữa dân số và phát triển có mối quan hệ khăng khít, vừa ràng buộc, hỗ trợ nhau, vừa thúc đẩy lẫn nhau. Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh.
Phóng viên: Xin ông cho biết, “Dân số và phát triển” có mối quan hệ như thế nào?
Ông Lê Văn Hùng: “Dân số và phát triển” là thuật ngữ chỉ mối quan hệ 2 chiều giữa 1 bên là dân số và bên kia là sự phát triển. Nói cách khác, đó là sự tác động của dân số đến phát triển và ngược lại là tác động của phát triển đến dân số. Nói đến dân số là nói đến quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng và những thành tố gây nên sự biến động của dân số như: sinh sản, tử vong và di cư. Thước đo mức độ hay các chỉ tiêu phản ảnh của các thành tố này có thể gọi là các “biến dân số”. Do đó, dân số thường được nghiên cứu cả ở trạng thái tĩnh (tại một thời điểm) và ở trạng thái động (trong cả một thời kỳ).
Phát triển là một khái niệm rộng, chỉ tất cả hoạt động của con người nhằm thúc đẩy xã hội tiến lên về đời sống vật chất cũng như tinh thần, khái niệm này có quá trình hoàn thiện dần. Phát triển được hiểu là tăng trưởng kinh tế, tiến bộ về xã hội, bền vững về môi trường và được hiểu cụ thể hơn liên quan đến việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người. Đó là quá trình giảm dần, đi đến loại bỏ nạn đói ăn, bệnh tật, mù chữ, tình trạng mất vệ sinh, thất nghiệp và bất bình đẳng.
Hơn nữa, sinh sản, tử vong và di cư còn liên quan tới tất cả các yếu tố khác của quá trình phát triển như: y tế, giáo dục, sự bình đẳng nam nữ, môi trường... Thật vậy, kết hôn, hạn chế sinh đẻ, lựa chọn sinh con trai hay con gái, chống lại bệnh tật và cái chết... đều là hoạt động có ý thức, cần đến tri thức và là những hoạt động riêng có của loài người. Vì vậy, bình đẳng nam nữ, giáo dục có kiến thức, khoa học kỹ thuật tiến bộ... (tức là các yếu tố của phát triển) càng cao, tri thức con người sẽ càng rộng, nhận thức con người càng trở nên hợp lý, càng có tác động đến các quá trình dân số nói trên và đó là mối quan hệ hữu cơ giữa dân số và phát triển.
Phóng viên: Xin ông cho biết, vì sao chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang “Dân số và phát triển”?
Ông Lê Văn Hùng: Do sớm nhận thức được tác động tiêu cực của sự gia tăng dân số nhanh, ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành chính sách dân số với mục tiêu giảm mức sinh nhanh nên mọi nỗ lực tập trung vào chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự kiên trì và đẩy mạnh thực hiện lĩnh vực KHHGĐ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mức sinh của nước ta giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp. Nếu ở những năm 1965 - 1969, số con trung bình trên 1 phụ nữ là 6,8 con/phụ nữ thì đến năm 2005 chỉ còn 2,1 con/phụ nữ và được giữ vững cho đến nay. Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư đã khẳng định: “Nước ta đã sớm đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế” (thế hệ con cái sinh ra vừa đủ để “thay thế” bố mẹ trong quá trình sinh sản).
Rõ ràng, khi mục tiêu giảm sinh đã đạt được một cách vững chắc, nếu cứ duy trì trọng tâm chính sách dân số là KHHGĐ, tập trung nguồn lực cho vấn đề đã được giải quyết là không thích hợp. Những vấn đề dân số nổi bật, mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay như: “cơ cấu dân số vàng”, “dân số già”, “mất cân bằng giới tính khi sinh”, “di cư và tích tụ dân số”, “chất lượng dân số chưa cao” đã và đang đòi hỏi được giải quyết nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, góp phần phát triển bền vững đất nước. Điều này cũng có nghĩa là cần có một chính sách dân số mới, thích hợp với tình hình mới về dân số. Đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số, từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.
Việc chuyển trọng tâm này nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”, với 6 nội dung được Kết luận 119-KL/TW của Ban Bí thư đã chỉ rõ: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số. Việc chuyển trọng tâm làm KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển, tính đến các yếu tố dân số trong quá trình kế hoạch hóa phát triển.
Phóng viên: Ở tỉnh Đồng Tháp, việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế được thực hiện như thế nào?
Ông Lê Văn Hùng: Ngay từ đầu năm 2024, ngành y tế đã chủ động tiếp tục triển khai Kế hoạch số 216 ngày 7/6/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Mục tiêu chung là điều chỉnh, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, phấn đấu tăng sinh ở những huyện, thành phố có mức sinh thấp, góp phần thực hiện thành công kế hoạch thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam trên địa bàn tỉnh, bảo đảm theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tăng 10% tổng tỷ suất sinh, bảo đảm bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có tối thiểu 1,8 con vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 1,9 con/phụ nữ.
12/12 huyện, thành phố đã chủ động tham mưu trình UBND cùng cấp ban hành kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030. Qua đó, các cấp ủy, chính quyền đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, ban hành các văn bản triển khai thực hiện và xây dựng nhiệm vụ, giải pháp đến cấp xã, phường, thị trấn và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp trong việc nỗ lực giải quyết và cải thiện mức sinh thấp, thông qua các giải pháp.
Cụ thể, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền: Quan tâm triển khai và quán triệt sâu sắc việc chuyển trọng tâm từ thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ sang chính sách dân số và phát triển. Chủ động xây dựng chương trình điều chỉnh mức sinh, đưa các chỉ tiêu điều chỉnh mức sinh vào nghị quyết Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp với tình hình thực tế từng đơn vị địa phương. Tập trung chỉ đạo thay đổi quan điểm, nhận thức, hành vi về thông điệp tuyên truyền vận động mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi: tổ chức tuyên truyền sâu, rộng các nội dung của Chương trình hành động số 60 ngày 8/2/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Kế hoạch số 360 ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào vận động giảm sinh trong giai đoạn trước sang mục tiêu nâng mức sinh để đạt mức sinh thay thế và duy trì mức sinh thay thế; chú trọng vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích: ngành y tế đã, đang tham mưu trình UBND tỉnh dự thảo báo cáo đánh giá tác động của việc quy định một số chính sách dân số trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết quy định chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, thông qua chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các đối tượng thụ hưởng thuộc chương trình dân số.
Mở rộng tiếp cận, cung cấp dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ: Tổ chức phân phối phương tiện tránh thai miễn phí theo đúng đối tượng quy định và đảm bảo quy trình cấp phát phương tiện tránh thai từ tuyến tỉnh xuống tận cơ sở. Tiếp tục duy trì thực hiện Chương trình tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, kết quả trong 3 năm đã thực hiện phân phối, cung ứng cho đối tượng như: bao cao su, viên uống tránh thai, dụng cụ tử cung. Tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung hoạt động theo Đề án số 109 ngày 25/10/2021 của Sở Y tế về tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
DƯƠNG CẦM (thực hiện)