Chuyển trực tiếp nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa về ngân sách nhà nước
Mô hình quản lý nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đề xuất thay đổi theo hướng, số thu được chuyển trực tiếp về ngân sách nhà nước (NSNN) thay vì chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN như hiện nay.
Khắc phục những bất cập hiện nay
Theo quy định hiện hành, toàn bộ nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, DN do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN để chi phục vụ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và chi chuyển vào NSNN để đầu tư phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được chuyển vào NSNN kịp thời để chi cho đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019, đã chuyển từ Quỹ vào NSNN tổng số tiền 205.000 tỷ đồng.
Song, việc quản lý, sử dụng nguồn thu này thời gian qua vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Về cơ chế, chính sách, theo Luật NSNN năm 2015, các khoản thu này được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách trung ương (NSTW) hoặc ngân sách địa phương (NSĐP). Tuy nhiên, theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, nguồn thu này được thu tập trung về quỹ để quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất nộp trực tiếp nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa về NSNN là hợp lý do xu thế chung và cần thiết hiện nay là giảm bớt các quỹ tài chính ngoài NSNN để giảm đầu mối quản lý, tránh cồng kềnh cho bộ máy hành chính.
Bên cạnh đó, nguồn thu sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định phụ thuộc vào kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nguồn thu về Quỹ thời gian qua chủ yếu từ các DN thuộc các bộ, ngành trung ương. Mặc dù công tác kiểm tra, giám sát đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, DN chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, chế độ thu nộp, báo cáo liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn thu này.
Để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng đề cương Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN và thoái vốn nhà nước. Trong đó có đề xuất thay đổi mô hình quản lý nguồn thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN hiện nay sang thu trực tiếp về NSNN, phân cấp thu giữa NSTW và NSĐP theo quy định của Luật NSNN.
Phân cấp thu giữa ngân sách trung ương và địa phương
Theo đề cương Dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN và thoái vốn nhà nước, nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập) thoái vốn nhà nước tại DN do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu được nộp NSTW. Nguồn thu tại DN do địa phương làm đại diện chủ sở hữu được nộp về NSĐP.
Theo đó, lập dự toán thu cụ thể (thu vào NSNN) đối với từng đơn vị (cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp; sau khi trừ các khoản chi: chi phí xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, chi phí liên quan đến sắp xếp, cổ phần hóa, chi phí thoái vốn) theo quy định của Luật NSNN và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN. Việc thu về NSNN sẽ thay thế hoạt động Quỹ kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành.
Việc thay đổi mô hình quản lý nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa như trên được đánh giá là thuận lợi do hiện tại NSNN đã có tài khoản thu hồi vốn của nhà nước mở tại KBNN trung ương và KBNN địa phương, đảm bảo thu đúng, kịp thời nguồn thu cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp... vào NSNN.
Đồng thời, với việc nộp trực tiếp về NSNN sẽ không phát sinh bộ máy, các chi phí liên quan đến công tác quản lý Quỹ. Trường hợp tiếp tục thực hiện mô hình Quỹ như hiện nay sẽ cần duy trì bộ máy quản lý Quỹ (hiện nay cán bộ quản lý Quỹ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm) và phát sinh các chi phí liên quan đến công tác quản lý Quỹ như: chi phí kiểm toán Quỹ hàng năm, chi xây dựng các phần mềm quản lý Quỹ...
Trao đổi về đề xuất này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá là hợp lý do xu thế chung và cần thiết hiện nay là giảm bớt các quỹ tài chính ngoài NSNN để giảm đầu mối quản lý, tránh cồng kềnh cho bộ máy hành chính.
Khoản thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán NSNN hằng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn; ưu tiên được bố trí dự toán chi cho đầu tư phát triển, tạo nguồn lực lâu dài; các trường hợp thu vượt, đột xuất cần báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc quản lý và sử dụng nguồn thu này theo quy định pháp luật.