Chuyện truy bắt đối tượng truy nã về quy án

Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để công tác bắt giữ tội phạm truy nã đạt kết quả cao, ngoài việc triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an, chính quyền địa phương còn chú trọng thực hiện công tác vận động, thuyết phục, gửi thư kêu gọi đến thân nhân, gia đình các đối tượng truy nã...

Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết, xác định dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng trốn lệnh truy nã tìm cách về quê thăm người thân, gia đình nên các trinh sát đã tích cực bám cơ sở, phối hợp với lực lượng Công an các xã, phường trên địa bàn để theo dõi, nắm bắt thông tin, di biến động của các đối tượng mang lệnh truy nã có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Từ đó, khi phát hiện các đối tượng bị truy nã trở về quê thì cơ quan Công an sẽ lập tức bắt giữ hoặc có biện pháp vận động đầu thú.

Như trường hợp đối tượng Lê Phú Tuấn (SN 1960, trú tại phường Phú Hậu, TP Huế), nguyên là Tổ trưởng tổ vay vốn của tổ dân phố 3, phường Phú Hậu, TP Huế. Vào năm 2004, sau khi Tuấn đi thu tiền vốn và lãi của các hộ dân vay vốn trên địa bàn thì đối tượng chiếm đoạt toàn bộ số tiền để tiêu xài cá nhân, sau đó trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 27/6/2005, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh truy nã đối với Lê Phú Tuấn về hành vi tham ô tài sản. Sau khi trốn khỏi địa phương, Tuấn đến thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) sinh sống. Tại đây đối tượng xin vào làm công nhân cho một trang trại chăn nuôi lợn.

Công an TP Huế ghi lời khai đối tượng trốn truy nã Lê Phú Tuấn.

Công an TP Huế ghi lời khai đối tượng trốn truy nã Lê Phú Tuấn.

Theo các trinh sát hình sự, sau 18 năm Tuấn "mai danh ẩn tích", mới đây có thông tin đối tượng đang sinh sống tại địa chỉ trên nên Đội CSHS đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế bắt giữ được đối tượng Tuấn di lý vào Huế.

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội CSHS Công an TP Huế chia sẻ, quá trình điều tra, bắt giữ các đối tượng bị truy nã gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các đối tượng sau khi bị cơ quan Công an truy nã đều thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích để tránh bị phát hiện. Nhiều đối tượng truy nã sau khi trốn khỏi địa phương liền tìm đến vùng rừng núi hoang vu giáp gần những khu vực biên giới để lẩn trốn. Thậm chí, do sợ bị bắt nên nhiều đối tượng truy nã còn tàng trữ vũ khí nóng, rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Sau nhiều năm lẩn trốn, nhiều đối tượng có hình dáng bên ngoài rất khác so với thời điểm có lệnh truy nã khiến công tác điều tra, truy xét đối tượng không được thuận lợi.

"Tuy nhiên, với quyết tâm truy bắt các đối tượng truy nã đưa về quy án, cán bộ chiến sĩ đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương để tầm nã tội phạm bị truy nã", Trung tá Lê Ngọc Minh khẳng định.

Và mới đây, việc bắt giữ đối tượng Phạm Thị Nở (SN 1972, trú tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) thay tên đổi họ để trốn truy nã hơn 21 năm được đánh giá là "chiến công" xuất sắc của Đội CSHS Công an TP Huế. Lật từng trang hồ sơ vụ án, Trung tá Lê Ngọc Minh kể lại, vào một ngày cuối tháng 5/2000, Nở cùng 2 đối tượng khác vào chợ Đông Ba, TP Huế để giả vờ mua hàng. Sau đó 3 đối tượng phối hợp với nhau trộm 1 túi xách bên trong có nhiều tài sản giá trị thì bị Công an phát hiện bắt giữ. Tháng 10/2000, TAND TP Huế tuyên phạt bị cáo Nở 6 năm tù giam. Tuy nhiên sau đó Nở tìm cách bỏ trốn khỏi địa phương, thay đổi qua nhiều nơi ở khác nhau, không chấp hành bản án của Tòa án.

Tháng 4/2002, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế ra quyết định truy nã đối với Nở. Sau khi trốn khỏi địa phương, Nở sinh sống nhiều nơi, lấy tên giả là Phạm Thị Nga nhằm che giấu lai lịch để trốn lệnh truy nã và tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Sau nhiều năm trời lần theo dấu vết đối tượng, từ các nguồn thông tin, khi biết được Nở đang lẩn trốn tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP Hồ Chí Minh, Đội CSHS Công an TP Huế lập tức cắt cử cán bộ, chiến sĩ vượt 1.000km vào bắt giữ và di lý đối tượng về Huế để thi hành án. Ngoài đối tượng Nở, tính riêng trong năm 2023 đến dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Công an TP Huế đã bắt giữ thêm 4 đối tượng truy nã đưa về quy án.

Tương tự, trong thời gian qua, Phòng CSHS và Công an các địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phá thành công nhiều chuyên án, vụ án, qua đó bắt giữ và vận động đầu thú nhiều đối tượng truy nã. Đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, lực lượng CSHS Công an TP Huế và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ Công an để xác minh, bắt giữ các đối tượng tội phạm truy nã.

Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để công tác bắt giữ tội phạm truy nã đạt kết quả cao, ngoài việc triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an, chính quyền địa phương còn chú trọng thực hiện công tác vận động, thuyết phục, gửi thư kêu gọi đến thân nhân, gia đình các đối tượng truy nã. Qua đó tiến hành vận động, giải thích để người bị truy nã và thân nhân đối tượng hiểu rõ về chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật và những quy định có lợi đối với người tự giác đầu thú. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để người dân tích cực phát hiện, tố giác, tham gia bắt giữ và vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chuyen-truy-bat-doi-tuong-truy-na-ve-quy-an-i720491/