Chuyện từ các khu tập thể cũ xuống cấp tại Hà Nội
Các chuyên gia về quy hoạch nhìn nhận, việc cải tạo chung cư cũ không chỉ là vấn đề xây dựng mà còn là vấn đề xã hội. Từ những khu nhà đã cũ nát nhưng đầy ký ức, người dân Hà Nội không chỉ mong có mái nhà mới, mà là một không gian sống an toàn và gắn bó.
Cải tạo tập thể cũ không chỉ là thay đổi kiến trúc, mà là lựa chọn cách đối xử với những con người đã góp phần tạo nên lịch sử của đô thị này. Để quá trình ấy thành công, cần sự chân thành lắng nghe, hợp tác và một chiến lược phát triển đô thị hài hòa.
Những “hộp diêm” đang già nua
Tản bộ qua khu tập thể Kim Liên những ngày giữa tháng 5, có thể cảm nhận rõ một Hà Nội thời bao cấp vẫn hiện diện nhưng là một Hà Nội chật chội, cũ kỹ và xuống cấp nghiêm trọng. Những khối nhà 4 - 5 tầng màu vàng đã bạc phếch, chân tường rạn nứt, móng nhà bị thấm nước. Mùi ẩm mốc lẫn với mùi rác thải len lỏi khắp các hành lang tối om và hẹp chỉ vừa đủ cho một người đi bộ. Bên trong các căn hộ, tình trạng xuống cấp càng hiện rõ hơn. Trần nhà xuất hiện nhiều vết nứt lớn, một số chỗ phải dùng xô chậu để hứng nước mỗi khi trời mưa. Nền gạch bong tróc, ẩm ướt quanh năm. Hệ thống điện được câu kéo tạm bợ, dây điện vắt ngang trên tường, không có ống bảo vệ. Nhiều hộ gia đình còn phải "cơi nới" bằng sắt thép để có thêm không gian sinh hoạt, tạo nên những chiếc “chuồng cọp” chênh vênh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Khu tập thể cũ Hào Nam, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
Chị Lê Thị Hồng - sống tại dãy nhà A1 Kim Liên hơn 30 năm dẫn chúng tôi vào căn hộ rộng khoảng 32m2, nơi sinh sống của cả 4 thành viên gia đình. “Anh nhìn xem, cái trần này sắp rơi rồi. Năm ngoái mưa to, một mảng xi măng rơi trúng bàn ăn. Cũng may lúc đó không có ai ngồi đấy”. Chị kể và chỉ lên mảng trần đã được chắp vá bằng một tấm nhựa. “Mùa Hè thì nóng như lò, mùa Đông thì ẩm mốc, con tôi thường xuyên bị viêm mũi dị ứng” - chị Lê Thị Hồng chia sẻ thêm.
Tại khu tập thể C8 Giảng Võ, xây dựng từ những năm 1979, gồm những dãy nhà 5 tầng, nơi được xác định là xuống cấp cấp D – mức độ nguy hiểm nhất, những thanh sắt lộ ra khỏi lớp bê tông tróc lở, một đoạn lan can ngoài hành lang tầng 3 vừa bị gãy sau trận mưa lớn gần đây. Nguy cơ sập đổ không còn là giả định. Thực tế tại Hà Nội đã từng ghi nhận một số sự cố nghiêm trọng như vụ sập trần bê tông khu E Kim Liên năm 2022, hay sụt nền ở khu tập thể Hào Nam. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2024, trong số 1.579 nhà chung cư cũ thì hơn 1/3 đã hết niên hạn sử dụng; 42 khu được đánh giá ở mức D – có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Không chỉ cấu trúc vật lý xuống cấp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu tập thể cũ cũng là mối đe dọa âm thầm. Ống nước bị vôi hóa, đường điện chằng chịt mất an toàn, hệ thống thoát nước thường xuyên tắc nghẽn gây ngập úng. Trong các tòa nhà không có thang máy, người già, người bệnh phải bấu víu vào tay vịn han gỉ mỗi lần lên xuống cầu thang. Câu chuyện về bà Trần Thị Mai (68 tuổi, sống ở tầng 4 khu D6 Giảng Võ) là minh chứng điển hình: “Tôi bị đau khớp nhưng mỗi lần đi chợ vẫn phải leo bộ bốn tầng. Có hôm trượt chân suýt ngã, mà chẳng có ai ở nhà. Mỗi lần có tiếng động lớn là lại giật mình, sợ nhà sập” - bà kể, mắt nhìn trần nhà chi chít vết nứt.
Bên dưới những bức tường bong tróc là cuộc sống của hàng trăm nghìn con người, những người đã gắn bó với nơi này hàng chục năm trời – giờ đối mặt với nỗi lo hiện hữu: sập nhà, cháy nổ, dịch bệnh, ngập úng và cả sự lãng quên của đô thị hóa. Nhiều người dân tại các khu tập thể cũ bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương cải tạo, nhưng đồng thời cũng lo lắng về nguy cơ mất kết nối cộng đồng và những thay đổi trong môi trường sống sau tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Thay (74 tuổi, cư dân khu tập thể Ngọc Khánh), sống ở đây từ khi khu tập thể này còn mới, cây cối còn thưa thớt, cả dãy chỉ vài hộ. Từ đó đến nay, hơn nửa cuộc đời đã trôi qua giữa những bức tường từ khi lớp sơn còn mới, với hàng xóm thân quen, nuôi con, dựng vợ gả chồng cho các cháu. Giờ nhà cửa xuống cấp, trần thì thấm nước mỗi khi mưa, cầu thang chung thì bong tróc, ẩm thấp, mùa Hè thì nóng hầm hập, mùa Đông gió lùa rét buốt. "Nói thật lòng, chẳng ai không mong nhà mình được sửa sang, kiên cố hơn, nhất là khi tường đã nứt, mái đã dột. Ai cũng thấy rõ nguy cơ nếu chẳng may có cháy nổ hay sập đổ, nhất là với người già. Thành ra, không ai phản đối chuyện cải tạo, ai cũng muốn có nơi ở an toàn hơn, sạch sẽ hơn. Nhưng điều chúng tôi mong mỏi không chỉ là một căn hộ mới – mà là sự nhất quán trong chủ trương và cách thực hiện. Ở tuổi này, điều tôi sợ nhất không phải là chuyển nhà, mà là bị rơi vào một cuộc sống không còn sự gắn bó, không còn cảm giác thuộc về” - ông Nguyễn Văn Thay chia sẻ.
Tái thiết để không chỉ là nhà ở, mà là cuộc sống
Thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản đốc thúc tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ngay từ những tháng đầu năm 2025, TP Hà Nội đã yêu cầu một số quận phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hàng loạt khu chung cư cũ. Những thông tin trên nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, đặc biệt với cư dân đang sinh sống tại các khu chung cư cũ thuộc diện quy hoạch, cải tạo. Hiện nay, các quận như Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình… đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhằm ổn định đời sống cho người dân, cải tạo bộ mặt đô thị.
Riêng quận Đống Đa có số lượng nhà chung cư cũ nhiều nhất TP Hà Nội với 12 khu, gồm 517 nhà và cơ bản đã xuống cấp, quá niên hạn sử dụng. Thời gian qua, Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các hộ dân. Bà Nguyễn Thị Huệ (62 tuổi, sống tại dãy B3 Kim Liên) cho biết: “Chúng tôi ở đây mấy chục năm, bà con láng giềng thân thiết, có chuyện gì chỉ cần gọi là có người sang giúp. Cải tạo là cần thiết, nhưng đừng bắt chúng tôi phải rời khỏi nơi đã gắn bó cả cuộc đời. Nhà mới mà tách rời khỏi cộng đồng cũ thì cũng mất mát nhiều lắm.”
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, để tiếp tục nhận được các ý kiến nghiên cứu, đóng góp của các tổ chức, đơn vị, các hộ gia đình, đại diện cộng đồng đối với Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Liên, UBND quận đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các hộ gia đình, cộng đồng dân cư chủ động, tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 được hoàn thiện; tổng hợp báo cáo các sở, ngành thẩm định, trình UBND TP phê duyệt và là cơ sở để tổ chức các bước quy trình tiếp theo lựa chọn đơn vị đầu tư, xây dựng các phương án chi tiết về đền bù, giải phóng mặt bằng, công tác tạm cư, tái định cư…
Có thể thấy, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 với những quy định đặc thù đã dần được hiện thực hóa. Theo quy định của Luật Thủ đô 2024, Hà Nội được trao quyền điều chỉnh chỉ tiêu, hệ số đền bù, điều chỉnh quy hoạch đã duyệt cho phù hợp; điều này tạo ra yếu tố rất thuận lợi trong cải tạo các khu chung cư cũ. “Luật Thủ đô 2024 đã tháo điểm nghẽn, tạo sự đồng thuận của người dân. Luật cũng quy định rõ về bố trí các khu tái định cư và hệ số đền bù thỏa thuận giải phóng mặt bằng thì Hà Nội có đặc thù từ 1,5 - 2 lần nhà cũ” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ.
Hà Nội hiện có 200 nhà chung cư cũ cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D cần phải di dời để xây dựng lại. Nhưng những năm qua, việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ khó hấp dẫn nhà đầu tư, dù các vị trí đều là “đất vàng”. Việc hạn chế chiều cao công trình là rào cản chính, khiến việc đầu tư chưa bảo đảm hiệu quả.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-tu-cac-khu-tap-the-cu-xuong-cap-tai-ha-noi.704968.html