Chuyện 'từ quan'
Kết luận của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, trong đó yêu cầu các địa phương đảm bảo đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách so với năm 2021 đã làm không ít người có trách nhiệm băn khoăn.
Băn khoăn vì Bộ Nội vụ chỉ mới đưa ra các chỉ dấu và chưa kịp thực hiện thì nhiều công chức, viên chức tại nhiều địa phương trong thời gian qua đã nộp đơn xin nghỉ việc, đặc biệt là công chức, viên chức đang làm việc trong ngành y tế, tạo ra làn sóng xin thôi việc hết sức đáng ngại trong khu vực công. Cá biệt có những nơi như ở Đồng Nai, cả hai vợ chồng đang giữ chức vụ phó giám đốc sở cùng nộp đơn xin nghỉ việc.
Dòng chảy của cán bộ công chức viên chức ra khỏi bộ máy nhà nước do nhiều nguyên nhân, trong đó có một thực tế là nhiều người vẫn nhầm tưởng làm việc trong môi trường nhà nước vừa có quyền lực, vừa có bổng lộc và có thể sống bằng “lậu”. Không ít người bằng mọi giá kiếm cho mình một chân biên chế trong cơ quan nhà nước nhưng sau thời gian làm việc, nhận thấy “đời không như là mơ”, đã dứt áo ra đi. Thực tế, với việc triển khai cải cách hành chính, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt, cán bộ công chức ngày càng khó tham nhũng vặt…
Tuy nhiên, nguyên nhân chính tạo ra làn sóng nghỉ việc vừa qua của công chức viên chức các địa phương là cán bộ khó sống với đồng lương “ba cọc ba đồng” nếu thanh bạch, không tư túi và không tiêu cực. Sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức khiến đời sống của họ và gia đình khó khăn, vất vả và thiếu thốn. Đó là chưa nói môi trường làm việc trong các cơ quan nhà nước và chưa thực sự năng động như kỳ vọng của không ít cán bộ, công chức và viên chức. Đặc biệt, trong môi trường ấy, có một vấn đề tế nhị mà ai cũng biết nhưng không tiện nói ra.
Đó là tình trạng phe nhóm, cạnh tranh không lành mạnh để tranh quyền, vị trí. Ai không tự nguyện vào phe này, ê kíp kia sẽ khó tồn tại. Và, nhiều câu chuyện pháp đình đau xót như không ít nhân viên biết sếp làm sai nhưng không dám cãi, không dám phản đối, để rồi cuối cùng cả thầy lẫn trò phải nhận những hình phạt nghiêm khắc khi sự việc đổ bể… Tất cả những vấn đề trên chính là lý do khiến không ít công chức, viên chức quyết định rời bỏ bộ máy nhà nước để tìm đến môi trường làm việc khác phù hợp hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không cần quá lo lắng về hiện tượng này. Đây cũng là cơ hội để Nhà nước sắp xếp lại bộ máy vốn đã quá cồng kềnh và kém hiệu quả, tạo nên một sự cạnh tranh bình đẳng trong môi trường làm việc giữa Nhà nước và tư nhân.
Việc cần quan tâm nhất lúc này đối với ngành Nội vụ nói chung và các địa phương lúc này là bên cạnh việc thúc đẩy các cơ quan đơn vị thực hiện tinh giản biên chế, cần nhanh chóng đề xuất các chính sách thu hút nhân lực, giữ chân các y, bác sỹ người có năng lực, nhằm ngăn chặn tình trạng nghỉ việc ồ ạt có thể diễn ra.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-tu-quan-post1459702.tpo