Chuyện tỷ phú Mười Bơ giúp nhiều nông dân thoát nghèo

'Tôi quen anh Mười Bơ từ lâu nhưng mỗi lần gặp lại tôi lại biết thêm những chuyện thật cảm động về cuộc đời của chàng trai thật đáng yêu này', GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Báo Công an TP.HCM xin giới thiệu bài viết của GS Nguyễn Lân Dũng về anh nông dân Trịnh Xuân Mười, còn gọi là Mười Bơ. Người đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo.

GS Nguyễn Lân Dũng

Hiện nay tên anh Mười Bơ đã trở nên quen biết với bà con nông dân khắp Tây Nguyên cùng nhiều tỉnh khác ở miền Trung và Tây Bắc. Sắp tới công việc giúp bà con nông dân thoát nghèo của anh Mười Bơ sẽ được giới thiệu khá kỹ trên kênh truyền hình VTV1.

Trịnh Xuân Mười là con thứ 11 của một gia đình nông dân nghèo ở xã Diễn Lợi, Diễn Châu, Nghệ An.

Anh Mười bên giống bơ lai ghép thành công, thu nhập tiền tỷ mỗi năm

Bỏ học, trốn nhà đi tim đường thoát nghèo

Năm học lớp 6, Mười phải nghỉ học và một năm sau, 5 giờ sáng ngày 25-5-1990, Mười trốn nhà ra đi đìm đường… thoát nghèo (!). Đi bộ ròng rã mãi đến 2 giờ chiều mới đến được ga Vinh. Mười liều lĩnh trốn lên tàu khi trong túi không có đồng bạc nào (!). Cũng may Mười tự học được cách thổi sáo và cứ đi từ toa này sang toa khác vừa thổi sáo, vừa xin ăn.

Hai ngày trên tàu người ta chỉ cho cơm ăn chứ chẳng ai cho đồng nào.

Đến ga Nha Trang, mọi người xuống ga nghỉ chốc lát, Mười cũng xuống theo. Quá mệt mỏi em ngủ thiếp đi trên thềm ga và tàu chạy lúc nào không biết. Mười lang thang đi tìm việc làm. Đi mãi đến Chợ Đầm, chẳng ai chịu thuê cậu bé 16 tuổi gầy gò, đen đủi này. Khi dừng chân ở cầu Hạ Ra, Mười thấy một bà đi xe máy 78 đánh rơi một túi nhỏ. Mười mở ra thấy có 40.000 đồng. Mười kiên nhẫn đứng đợi người đánh rơi quay trở lại.

Người đàn bà ấy nhận được túi tiền vội đếm lại thấy vẫn nguyên vẹn và rút ra 200 đồng cho Mười. Đó là đồng tiền đầu tiên Mười có được và chỉ đủ mua một que kem cho lại sức.

Thấy Mười ngơ ngác một cách thiểu não bên vệ đường có một chị hỏi thăm và khuyên em nên lên Tây Nguyên lập nghiệp, vì chỉ nơi đó mới có đất bazan mầu mỡ và có nhiều việc cần thuê lao động.

Đến 5 giờ chiều có một xe IFA chở cá đỗ xuống để sửa chữa gì đó. Mười đánh bạo đến gặp bác tài xin đi múc nước cho xe và tỏ ý mong muốn được đi nhờ lên Tây Nguyên, một nơi xa xôi mà Mười chưa hình dung được là ở đâu.

Ông tài tốt bụng cho đi nhờ. Đến Buôn Mê Thuột vào tối ngày 27 tháng 5. Sáng 28 Mười bắt đầu lang thang theo quốc lộ 26 hướng đi về hướng Krong Păk. Sau 40 km cuốc bộ với bụng đói, Mười nhặt các quả bơ rụng để ăn và ghé các quán xin ngụm nước.

Mười liều lĩnh ghé vào nhà bác nông dân Trịnh Văn Tải và kể hết ngọn nguồn. Bác nông dân tốt bụng này cho Mười ở lại và hẹn hôm sau cùng ra đồng làm ruộng với bác. Vốn quen công việc nhà nông Mười làm gì cũng nhanh nhẹn làm cho bác Tải rất hài lòng. Sau 2 tháng Mười thấy không thể thoát nghèo ở nơi này được nên lại lên đường tìm việc khác với mong có tiền gửi về cho bố mẹ. Khi đó là lúc Mười viết thư gửi về cho mẹ, đúng lúc cả nhà tưởng Mười đã chết vì mọi người ra sức hỏi han khắp tỉnh không ai biết tin Mười.

Lần này Mười được nuôi ăn và tiền công mỗi tháng được 40.000 đồng. Mười gửi tất cả về cho mẹ vì biết bố đang ốm nặng. Năm 1992 thì nghe tin bố mất, nhưng Mười cũng không có cách gì để về chịu tang. Một tai nạn không may xảy ra khi ông chủ sai Mười lái xe công nông. Đường vừa xấu vừa trơn xe trượt bánh đâm vào hai đứa trẻ. Đứa anh 17 tuổi máu me đầm đìa nhưng không nguy hiểm, đứa em gái 15 tuổi bị thương vào chân, tuy không gãy xương nhưng đứt động mạch đùi. Cấp cứu tại Bệnh viện, nhẽ ra phải nối mạch máu thì bác sĩ lại… bó bột (!).

Thật đau lòng, chiếc cẳng chân bị hoại tử và phải cưa đến trên đầu gối. Mười rất đau xót và xin phép ông chủ đến nhà nạn nhân để lao động và chăm sóc cô gái bị thương này. Hai năm lao động giúp đỡ gia đình cô gái, Mười tình nguyện lấy cô nhưng cô gái thấy Mười quá tốt, không muốn anh khổ vì mình nên đã từ chối.

Đã 22 năm trôi qua Mười thường xuyên qua lại thôn 2 xã Eka Niêc, huyện Krong Păk để chăm sóc như một người anh trai của cô gái.

Tối 24-6 vừa qua trước khi ra sân bay về TP.HCM, tôi muốn đến thăm cô gái bất hạnh và đầy lòng tự trọng này. Mười lái xe đưa tôi đi. Cô gái vui vẻ kể chuyện cho tôi nghe. Hiện nay, người em hàng ngày dùng xe máy đưa cô đến chợ để cô ngồi bán hàng tạp hóa. Vết thương của cô quá đầu gối nên lắp chân giả nhiều lần vẫn rất đau và không dùng được. Cô chống nạng và trong nhà thì nhảy lò cò một chân trông rất tội. Nghe nói cô dự định đi làm chân giả một lần nữa, Mười đã đưa cô 100 triệu đồng nhưng cô nhất mực từ chối. Tôi hứa sẽ liên hệ qua bạn bè xem nơi nào làm chân giả tốt sẽ mách giúp cô.

Sau hai tháng tự nguyện về làm ăn hỗ trợ cho gia đình cô gái bị nạn, anh Mười lại trở về làm công cho một gia đình ở xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột.

Năm 1995, một mối tình sét đánh đến với chàng trai 21 tuổi này. Anh yêu người con gái gốc Quảng Nam thua anh một tuổi đang bán hàng ngoài chợ. Cô ấy cũng có cuộc đời đau khổ không kém gì anh. Bố mẹ ly hôn từ khi cô còn nhỏ, hai mẹ con vất vả nuôi nhau.

Họ cưới nhau vào ngày 6-11 âm lịch khi chàng rể trong túi không có một đồng bạc nào và cũng không có một thước đất cắm dùi. Mười về ở rể tại căn nhà chật hẹp cùng hai mẹ con và bắt đầu vươn lên với một ý chí vô cùng mạnh mẽ. Lao động bằng mọi cách, mãi ba năm sau hai vợ chồng mới mua được một ki-ốt nhỏ ven đường để bán hàng.

Bén duyên với... bơ

Tích lũy từng đồng bạc để có thể mua được một chiếc xe đạp cũ, Mười quyết rời bỏ nghiệp làm thuê để tự mình đi thu gom quả bơ bỏ cho thương lái tại chợ đầu mối ở cây số 3. Đúng là “phi thương bất phú”, chỉ một thời gian sau vợ chồng Mười mua được chiếc xe máy Honda. Thế là Mười có thể mở rộng phạm vi đi thu mua khắp ba vùng Tây Nguyên (Đắc Lắc, Gia Lai và phía nam Đăk Lắk - nay là Đắk Nông). Với trí thông minh trời cho, Mười phát hiện ra mấy gia đình có những gốc bơ quá đặc biệt: quả vừa sai vừa lớn, lại vừa rất ngon, thương lái trả giá cao.

Bước ngoặt đời anh là khi vợ chồng mua lại được 1,3 hecta đất vườn cà phê vào thời điểm năm 2002 khi cà phê rớt giá xuống chỉ còn 3-4 nghìn đồng/kg. Mười không trồng cà phê mà chặt hết đi rồi xin phép chiết cành từ những cây bơ quý mà anh đã ghi nhớ suốt những năm tháng đi thu mua bơ.

Cây mọc lên trong niềm vui sướng của hai vợ chồng trẻ. Nhưng làm sao có được hàng nghìn cây bơ với giống tốt như vậy. Mười hỏi han và tìm đọc sách vở để biết được một nguyên lý quý giá trong sinh học. Đó là “tính di truyền quyết định bởi ngọn ghép”, thế là giống như thầy tu Mendel mày mò với cây đậu Hà Lan ở sân tu viện bên Âu châu rồi tìm ra ba định luật di truyền quý giá.

Mười ít học nhưng đã kiên nhẫn ghép chồi cây quý vào những cây non mọc lên từ các hạt bơ bình thường nhặt được ngoài chợ. Sau rất nhiều thất bại rồi cũng thành công. Và sau đó là chờ đợi suốt ba năm trời để có thể vui mừng nhận thấy các cây ghép chồi cho quả y chang những cây giống quý giá.

Hai vợ chồng miệt mài chăm sóc vườn cây và cuối cùng nảy ra ý định sẽ làm giàu nhờ tiếp tục nhân giống mấy dòng cây bơ quý giá theo phương pháp này. Sáng kiến đổi đời của hai vợ chồng là việc nghĩ đến việc thay thế cây che bóng cho cà phê bằng cây bơ. Cà phê cần có cây che mưa, che nắng trong suốt mùa mưa.

Dân Tây Nguyên đã thử nghiệm với khá nhiều loại cây khác nhau. Cây sầu riêng cho quả quý nhưng tranh hết thức ăn của cà phê. Cây ca cao rất thích hợp nhưng chết dở vì không có người thu mua quả. Chỉ có cây muồng thuộc họ đậu là thích hợp hơn cả. Nhưng muồng chỉ là cây che bóng không đem lại hoa trái gì.

Thế là vợ chồng Mười đi tiên phong trong việc dùng cây bơ để che bóng cho cà phê. Kết quả thật bất ngờ. Bơ dễ sống, không tranh chấp thức ăn với cà phê, sâu bệnh cùng loại với cà phê nên dễ khắc phục. Bây giờ thì sáng kiến ấy đã được đông đảo bà con Tây Nguyên xác nhận.

Tính toán ra thì nếu mỗi ha, bên cạnh 1.000 gốc cà phê ta trồng xen thêm 120 cây bơ, bên cạnh việc che mưa, che nắng và giữ đất ẩm cho cà phê, chỉ sau 4 năm thu hoạch từ bơ đã có thể cho ta khoảng 120 triệu đồng. Trong khi 1.000 gốc cà phê tốt ra cũng chỉ cho được 4 tấn nhân. Với giá như hiện nay thì bán được 148 triệu đồng. Nhưng trong thực tế đầu tư cho 1.000 gốc cà phê này đã mất một nửa số tiền đó rồi cho nên chi thu lãi được có 74 triệu đồng thôi. Mô hình cà phê xen bơ thực tế đã cho tới 194 triệu đồng lãi ròng. Một giấc mơ cho dân trồng cà phê.

Mở trang web riêng về bơ

Vợ chồng Mười ra sức nhân giống mấy loại bơ quý giá và nhanh chóng đăng ký thương hiệu độc quyền ba giống bơ đầu dòng M1, M2 và Bơ Tứ quý với cơ quan quản lý ở tỉnh Đắk Lắk. Mười khi này đã là người có trí thức sâu sắc về mọi khía cạnh của cây bơ. Anh mở trang web riêng và viết rất tỉ mỉ mọi kiến thức, mọi kỹ thuật chăm sóc ây bơ.

Thương hiệu giống bơ Trịnh Mười nổi tiếng khắp vùng Tây Nguyên

Không có giáo trình Đại học nào kỹ càng và chính xác về bơ hơn trang web này. Thương hiệu giống bơ Trịnh Mười nổi tiếng khắp vùng Tây Nguyên.

Năm 2009 tình cờ Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam Nguyễn Lân Hùng ghé thăm. Thấy mô hình này quá hay, anh Hùng về kể với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Ông vào thăm ngay và nhận ra ý nghĩa rất lớn của sáng kiến này. Sau đó là Đài Truyền hình Việt Nam làm phóng sự về câu chuyện cây bơ xen cà phê của Trịnh Xuân Mười.

Vậy là chỉ còn cách nhân thật nhanh giống bơ quý để cung cấp cho bà con. Mười chủ trương phát triển ba giống vào ba thời vụ khác nhau và đều là thời vụ sớm hơn hay muộn hơn các giống bơ truyền thống đang trồng ở địa phương.

Tỷ phú của nông dân nghèo

Năm nay với 3 ha cây giống Mười đã cung cấp cho 1.000 hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên. Với mỗi bầu cây là 45 nghìn đồng vợ chồng Mười đã thành tỷ phú. Nhưng ước nguyện của anh không phải chỉ lo cho mình mà lo cho mọi người cùng thoát nghèo.

Hi vọng một thời gian không xa nữa quả bơ và nhiều hoa quả khác của Việt Nam sẽ có mặt khắp mọi nơi trên thế giới

Vừa qua tôi đưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An vào thăm vườn cây giống của Mười Bơ, ông quyết định ngay không ngần ngại là nhờ Mười cấp giống cho 4 huyện của Nghệ An là Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cũng bay vào thăm và ký kết với Mười để mở rộng trồng bơ ở huyện Cam Đường. Cây bơ sẽ là cây ăn trái quý giá nở rộ trên khắp mọi miền đất nước

Điều ấy làm cho tôi vừa mừng, vừa lo. Liệu 5-6 năm nữa quả bơ có chung số phận với dưa hấu, với thanh long, với vải thiều như những năm vừa qua hay không? Bơ rất ngon, có giá trị xuất khẩu rất cao, nhưng vì nhiều dầu nên rất khó bảo quản. Để ở ngoài cho chín thì chỉ được mươi hôm mà thôi. Cho ngay vào lạnh thì quả không chín nổi. Đợi chín cho vào tủ lạnh thì cũng chỉ được khoảng 1 tuần.

Trước mắt hàng vạn nông dân sẽ có thể thoát nghèo nhờ công sức và trí tuệ của anh Mười Bơ

Tôi nêu vấn đề lên công luận và kêu gọi các nhà khoa học vào cuộc. Thật vui, khi cách đây chỉ mấy hôm tôi vừa nhận được điện thoại của một nhà khoa học trẻ. Anh vui mừng báo cho tôi biết anh đã tìm ra cách bảo quản bơ ở nhiệt độ thường cũng được quá 1 tháng.

Thật đáng khích lệ, tôi khuyên anh đăng ký sớm sáng kiến này với Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tôi tin nhiều nhà khoa học khác cũng sẽ vào cuộc để trong một thời gian không xa nữa quả bơ và nhiều hoa quả khác của Việt Nam sẽ có mặt khắp mọi nơi trên thế giới, tương xứng với khí hậu nhiệt đới và tài năng của nông dân nước ta.

Trước mắt hàng vạn nông dân sẽ có thể thoát nghèo nhờ công sức và trí tuệ của một thanh niên vốn nghèo khó quê Nghệ An nóng rực gió Lào!

CAO

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/guong-sang/chuyen-ty-phu-muoi-bo-giup-nhieu-nong-dan-thoat-ngheo_3068.html