Chuyện vận động cai nghiện của Cảnh sát khu vực gần dân

'Sống để dạ, chết mang theo', tôi sẽ không quên tình cảm và sự giúp đỡ của Đại úy Đào Văn Khánh, Cảnh sát khu vực phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội) và các thành viên của tổ dân phố dành cho mẹ, con tôi …' - bà Nguyễn Thị Hải, một người dân sinh sống tại tổ dân phố số 20, phường Giang Biên xúc động chia sẻ.

1.Lúc chúng tôi đến tầm giữa trưa, đang vào giờ đi làm nên khu nhà ở xã hội chỉ có người già và trẻ nhỏ. Giữa khoảng sân rộng, một chị bán hàng đang tất bật bên chiếc xe đẩy đầy ắp các loại hàng hóa; một người giúp việc đang chăm sóc một cháu nhỏ và một bác bảo vệ già đang bận rộn sắp xếp lại mấy chiếc xe máy…, tạo cảm giác yên bình.

"Đồng chí Công an lại đến nhà bà Hải đấy ạ. Dạo này, bà Hải khỏe mạnh, con trai cũng có công ăn việc làm ổn định rồi…", thấy Đại úy Đào Văn Khánh, chị bán hàng đon đả cất tiếng chào. Người dân sinh sống ở khu nhà tái nhà ở xã hội thuộc tổ dân phố số 20, phường Giang Biên, chẳng mấy người không biết đến Đại úy Đào Văn Khánh. Nửa đêm hay lúc rạng sáng hễ tổ dân phố có công việc là anh có mặt, gần gũi như chính người thân trong gia đình. Qua chừng khoảng 10 bậc cầu thang, chúng tôi đã có mặt tại nhà bà Hải; căn nhà rộng chừng 50m2, đồ đạc chẳng có thứ gì đáng giá…, nhưng tất cả đều được sắp xếp một cách gọn gàng, ngăn nắp thể hiện sự đảm đang của người phụ nữ. Đón chúng tôi là người đàn bà luống tuổi, gương mặt phúc hậu, nét khắc khổ hằn lên trên từng khóe mắt.

Đại úy Đào Văn Khánh đến với gia đình bà Hải và anh Dũng.

Đại úy Đào Văn Khánh đến với gia đình bà Hải và anh Dũng.

"Có thế nào tôi nói thế đấy, tôi và con trai sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ của anh Khánh"- nhắc lại giai đoạn khủng hoảng nhất của gia đình, trong khóe mắt của người phụ nữ ngân ngấn nước. Năm 2022, sự ra đi đột ngột của người chồng khiến bà Hải hoàn toàn suy sụp. Ngoài nghĩa vợ, tình chồng suốt gần 50 năm, ông còn là trụ cột kinh tế của cả gia đình… Sau khi ông ra đi, khoản lương hưu là nguồn thu nhập chính của gia đình không còn, bà thì già yếu, không có khả năng lao động, trong khi cậu con trai là Đào Ngọc Dũng (SN 1975) nghiện ma túy, ngày nào cũng "đói thuốc". Tất cả những điều đó đè nặng lên đôi vai gầy guộc của bà Hải.

Đại úy Đào Văn Khánh nhớ lại quãng thời gian trước đó, khi được lãnh đạo đơn vị phân công phụ trách địa bàn tổ dân phố số 20, anh đã chủ động nắm bắt tình hình địa bàn và đặc biệt chú ý đến hoàn cảnh gia đình của bà Hải. Đại úy Đào Văn Khánh đã cùng với chính quyền địa phương và tổ dân phố chủ động gặp gỡ vợ chồng bà Hải, nắm bắt suy nghĩ và mong muốn của ông bà. Sau những lần gặp gỡ, bà Hải chia sẻ với Đại úy Đào Văn Khánh những trăn trở và sự lo lắng của một người mẹ có cậu con trai lầm lỡ và khao khát nhìn thấy cậu con trai duy nhất từ bỏ "cái chết trắng"…

"Sau khi chồng bà Hải qua đời, chỗ dựa duy nhất của người phụ nữ đó là cậu con trai đã bước vào gần tuổi 50. Chính vì thế, tôi đã chọn thời điểm này để vận động, thuyết phục Dũng đi cai nghiện" - Đại úy Đào Văn Khánh cho biết. "Việc thuyết phục Dũng không dễ dàng. Không giống với các trường hợp khác, Dũng chưa có tiền án, tiền sự. Để thỏa mãn cơn nghiện, suốt bao năm qua, anh ta biến bố, mẹ thành "cây ATM" để bòn rút tiền. Có cha, mẹ nào mà không thương con. Vì thế, khi Dũng đòi tiền, họ đều phải đáp ứng yêu cầu của anh ta" - Đại úy Đào Văn Khánh tiếp lời. Trước đó, bao nhiêu của cải của gia đình Dũng đã lần lượt "đội nón ra đi" theo những lần sử dụng ma túy của anh ta. Từ căn nhà nằm ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), gia đình Dũng phải bán đi, chuyển sang khu vực quận Long Biên nhưng cũng chẳng được bao lâu họ cũng phải bán căn nhà này để mua một suất nhà nhà ở xã hội là nơi sinh sống của gia đình hiện nay.

"Mưa dầm thấm lâu", sau những lần động viên, thuyết phục của Đại úy Đào Văn Khánh và các thành viên, Dũng đã đồng ý đi cai nghiện tự nguyện sau 6 tháng. Ngày Dũng đồng ý vào trung tâm cai nghiện, căn nhà của bà Hải vốn đã neo người lại càng thêm trống trải… Người phụ nữ nặng nghĩ như bà Hải sau một thời gian suy nghĩ rơi vào tình trạng trầm cảm. Nắm bắt được tình cảnh của bà Hải lúc đó, Đại úy Đào Văn Khánh đã phối hợp với tổ dân phố đưa bà đi chữa bệnh.

"Những ngày tôi nằm điều trị tại bệnh viện, đồng chí Khánh thường xuyên vào thăm. Anh nhờ người mua cho tôi từng bát phở, quả trứng… Khi tôi về nhà, cần việc gì gọi là anh cũng đến giúp đỡ"- bà Hải tiếp lời. Trong quá trình Dũng cai nghiện tự nguyện, Đại úy Đào Văn Khánh đã đến tận nơi cơ sở cai nghiện để gặp gỡ, động viên giúp anh ta yên tâm cai nghiện. Sau khi Dũng cai nghiện trở về địa phương, Đại úy Đào Văn Khánh cũng thường xuyên gặp gỡ; động viên, thuyết phục rồi tìm việc làm cho Dũng. Đến nay sau khoảng 1 năm, qua các lần kiểm tra đều phát hiện anh Dũng không còn sử dụng chất ma túy. Không những vậy, với sự giúp đỡ của Đại úy Đào Văn Khánh, anh Dũng còn được tạo điều kiện có một việc làm ổn định, phần nào có chi phí trang trải cuộc sống hằng ngày.

2.Đại úy Đào Văn Khánh là Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn tổ dân phố số 20, phường Giang Biên. Địa bàn anh quản lý phần lớn là khu chung cư, trong đó có 2 tòa nhà ở xã hội… Địa bàn có 683 hộ với hơn 2000 nhân khẩu, trong đó có nhiều loại đối tượng trong diện quản lý, một trong số đó là anh Đào Ngọc Dũng. Năm 2013 anh Dũng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, UBND quận Long Biên đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc với thời gian 24 tháng. Sau khi trở về địa phương, Công an phường đã gặp gỡ, giáo dục, cảm hóa và động viên, giải quyết những vướng mắc trong gia đình. Năm 2022, Dũng tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và được cảnh sát khu vực cùng với tổ dân phố và gia đình tiến hành vận động anh Dũng đi cai nguyện tự nguyện 6 tháng. Đến tháng 7/2022, Dũng trở về địa phương. Với trách nhiệm của Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn, anh Khánh đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần đối với gia đình bà Hải. Đồng thời, tổ chức các buổi gặp mặt, trao quà vào dịp lễ, Tết; ốm đau thì giúp đưa đi khám bệnh, hỗ trợ phần nào kinh tế.

Xuất phát từ cái tâm và cũng là trách nhiệm của người Cảnh sát nhân dân; đồng thời với quan niệm muốn quản lý tốt địa bàn phải dựa vào dân, Đại úy Đào Văn Khánh đã được dân mến, dân tin yêu, giúp hoàn thành nhiệm vụ được giao. Được biết, đây không phải là công dân đầu tiên của địa bàn được anh giúp đỡ. Trước đó, anh đã tham mưu cùng chính quyền cơ sở giúp đỡ cặp vợ, chồng có hoàn cảnh đặc biệt, người chồng bị khiếm thính còn người vợ mắc bệnh về tâm thần, không có khả năng lao động… Sau khi nắm bắt được thông tin về gia đình họ, Đại úy Đào Văn Khánh và chính quyền địa phương đã vận động các doanh nghiệp hảo tâm và bằng những đóng góp anh cùng với người dân trên địa bàn giúp đỡ cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn trên.

"Điều mong muốn nhất đối với một Cảnh sát khu vực như chúng tôi là ANTT trên địa bàn được đảm bảo. Những người có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền địa phương và các ban, ngành quan tâm kịp thời; người dân phối hợp tốt với lực lượng CAND nắm tình hình ANTT, làm tốt công tác phòng ngừa trên địa bàn" - Đại úy Đào Văn Khánh chia sẻ với chúng tôi.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-sang/chuyen-van-dong-cai-nghien-cua-canh-sat-khu-vuc-gan-dan-i705315/