Chuyện văn hóa làng: Tranh tường lấn rác

Nhiều làng quê trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An… đã thay da đổi thịt không chỉ bởi đời sống văn hóa, kinh tế đã phát triển, mà còn bởi trong những con ngõ đã xuất hiện những bức tranh tường nhiều màu sắc. Bằng tình yêu quê, chung tay xây dựng quê hương, chính người dân đã chung tay biến những bức tường cũ, bong tróc, rêu xám trở nên có sức sống mới.

Sắc diện mới

Không chỉ có những ngôi nhà cao tầng, mà ngay cả những con ngõ ở thôn Đông Khê, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) giờ đã có một sắc diện mới. Từ những bức tường cũ nát, nham nhở, dày đặc thông tin quảng cáo, nay đã biến thành các tranh vẽ sinh động, tạo thành "con đường bích họa”.

Bà Nguyễn Thị Hợi, người dân thôn Đông Khê vui mừng: “Nông thôn đã thay đổi nhiều, nhưng cùng với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Nếu không có những hành động thiết thực thì sau này, chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy. Việc tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng nghệ thuật, văn hóa như thế này rất thấm thía”.

Nhiều người dân ở thôn Đông Khê cũng cho hay, từ ngày có con đường bích họa này, dân làng cũng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh hơn. Đường lúc nào cũng sạch sẽ, rác xuất hiện là có người dọn ngay.

Đông Khê (Đan Phương, Hà Nội) hôm nay

Đông Khê (Đan Phương, Hà Nội) hôm nay

Xuôi xuống huyện Phú Xuyên (Hà Nội), phong trào trồng hoa, vẽ tranh để lấn rác cũng đang phát triển mạnh mẽ. Huyện đoàn Phú Xuyên đã tổ chức những buổi ra quân làm đẹp đường phố, vẽ tranh trên những bức tường; phối hợp với Đoàn thanh niên xã Đại Thắng vẽ tranh tường ở tuyến đường liên thôn.

Ngược lên tỉnh Bắc Giang, phong trào vẽ tranh tường nghệ thuật, tạo cảnh sắc nông thôn cũng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là tại thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng, Bắc Giang).

Ông Bùi Thanh Quang, người dày công với những bức tranh nghệ thuật, ngơi tay tâm sự: “Chẳng bao lâu nữa, khi tất cả những bức tranh được hoàn thành, thôn Đông Thượng sẽ không chỉ là thôn nông thôn mới kiểu mẫu, mà còn trở thành “thôn tranh”.

Ông Quang là cựu chiến binh xuất ngũ và được học mỹ thuật bổ túc 3 tháng và ông có năng khiếu hội họa từ nhỏ, hiểu giá trị văn hóa làng quê, đặc biệt là văn hóa của thôn (xưa còn có tên gọi là thôn Đông Loan - “làng nói tức”).

“Sẵn có tay nghề, giờ tôi sống ở quê và ao ước được làm việc có ích cho thôn. Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới gắn với việc chỉnh trang đường thôn, làng văn hóa, nhà văn hóa thôn, tôi xin phép được làm miễn phí những bức tranh này. Tôi xin khoe với các anh, thôn chúng tôi có 5 nghệ nhân điêu khắc, 13 họa sĩ được đào tạo bài bản đấy”, ông Quang bộc bạch.

Ông Nguyễn Đức Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn, vui mừng cho biết: “Việc xây dựng nông thôn mới, người dân rất đồng lòng. Đặc biệt là phong trào trồng hoa, vẽ tranh lấn rác. Các nghệ nhân, những người con của thôn đã giúp cho những bức tường có một đời sống khác. Vừa tôn thêm vẻ đẹp cho những ngôi nhà ven đường, vừa tạo cảnh quan chung cho thôn”.

Tạo sự lan tỏa

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thu, Phó chủ tịch UBND xã Lãng Sơn, nghệ nhân Bùi Thanh Quang cùng nhiều người trong thôn đã tình nguyện làm miễn phí. Nhờ thế cũng tạo sự lan tỏa. “Ông Quang có ý định kể chuyện làng, chuyện văn hóa làng, hội làng bằng tranh với ít nhất 250 m2 tranh nổi, 110 m2 tranh vẽ. Ngoài ra, những bức tranh cũng kể về cảnh lao động sản xuất trong không khí của cuộc sống mới”.

Ông Thu cũng bảo, khi mô hình ở thôn Đông Thượng thành công, bà con ở những thôn khác sẽ cùng thực hiện. Bởi việc làm của ông Quang rất hữu ích cho quê hương.

Tô sắc thắm cho bức tường ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)

Tô sắc thắm cho bức tường ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)

Một mô hình nổi bật khác của Bắc Giang là xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn)… Xã Hồng Giang giờ đây đã trở thành vùng trồng cây ăn quả và du lịch sinh thái vườn đồi. 100% diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị cao, thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 345 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, thôn nông thôn mới kiểu mẫu - thôn Ngọt, có đường trục thôn, các ngõ xóm đều được trải bê-tông, phong quang. Những luống hoa chiều tím, ngũ sắc, mười giờ khoe sắc hai bên đường. Cùng đó là những hình ảnh sinh động được họa sĩ phác họa trên nền tường bao.

Là một trong những người góp phần tạo nên những bức tranh tường đẹp mắt, ông Dương Văn Trình, Bí thư chi bộ thôn Ngọt (thôn có 9 đảng viên, đa phần là trẻ, người dân tới hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số), chia sẻ, hiện nay gần 1km đường chính của thôn đã được trát lại, vẽ tranh tường. Trong đó nhiều bức là do “tay nghề” của các đoàn viên, thanh niên trong xã làm nên. Những bức tranh không chỉ thay áo mới cho những bức tường cũ, mà còn giúp xóa điểm viết vẽ rao vặt, quảng cáo lộn xộn, xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát.

“Nội dung của mỗi bức tranh cũng đều được tính toán kỹ. Ngoài bảo đảm yếu tố mỹ thuật ra, nội dung tranh cũng tập trung vào đề tài phong cảnh làng quê, tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường, hạn chế dùng túi ni-lông. Từ những bức tranh ban đầu, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Họ cũng chung tay cùng chúng tôi, đầu tư tiền sơn, thuê họa sĩ vẽ tranh”, ông Trình kể.

Với quyết tâm cùng làm đẹp cho quê hương, anh Thân Trung Kiên, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Giang khẳng định, việc thực hiện công trình thanh niên “Con đường tuổi trẻ”, “Con đường bích họa” sẽ được triển khai đến hết năm 2019. Các cơ sở đoàn có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương; vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để triển khai thực hiện. Các đoàn thanh niên cơ sở cũng tận dụng những người có khả năng mỹ thuật, mời giáo viên mỹ thuật ở các trường học cùng tham gia.

Phú Xuân

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chuyen-van-hoa-lang-tranh-tuong-lan-rac-88860.html