Chuyện về bức ảnh quý của nữ anh hùng ở Sóc Trăng

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chúng tôi tháp tùng đoàn lãnh đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Nguyệt Hồng, tại nhà riêng trên đường Trần Hưng Đạo, phường 10, thành phố Sóc Trăng.

Bức ảnh quý của Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng vinh dự được chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022.

Bức ảnh quý của Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng vinh dự được chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022.

Chị Ba - cách gọi thân mật của chúng tôi với chị Lưu Nguyệt Hồng. Chị Hồng kể câu chuyện xúc động mà về lần được vinh dự gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bức ảnh chụp khoảnh khắc chị vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần hỏi thăm sức khỏe. Đó là lần đầu tiên chị được gặp trực tiếp Tổng Bí thư nhưng như gặp người thân, với tình cảm vô cùng ấm áp từ người lãnh đạo tối cao của Đảng.

Chị Ba bồi hồi kể lại, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu của cả nước.

Chị Ba Nguyệt Hồng là một trong số 75 đó, đại diện cho hàng triệu người có công là cán bộ lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc có mặt tại buổi gặp mặt này.

Tại buổi họp mặt, chị và 2 đại biểu của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được Ban tổ chức chọn lên chia sẻ quá trình hoạt động, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Vinh dự với chị Ba khi chị được chọn phát biểu đầu tiên.

“Hôm đó, tôi rất bất ngờ và rất vui, rất vinh dự khi lần đầu gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong bài phát biểu của mình, tôi đã kể lại những tháng ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt với quân thù, tiêu diệt được nhiều lính giặc, thu nhiều vũ khí. Những khoảnh khắc khó quên của những năm tháng chiến đấu cũng như những năm công tác ở địa phương với lời lẽ chân thành và không ngờ đã làm Tổng Bí thư và các đại biểu xúc động”, chị Ba Hồng bộc bạch.

Nữ Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng và bức ảnh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi, động viên.

Nữ Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng và bức ảnh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi, động viên.

Sau khi chị phát biểu xong, rất bất ngờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới bắt tay, ân cần hỏi thăm sức khỏe và dặn dò chị luôn nêu cao tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Chị cũng chúc Tổng Bí thư mạnh khỏe để lãnh đạo đất nước, lãnh đạo công cuộc chống tham nhũng, chống giặc nội xâm để bảo vệ thành quả cách mạng. Chị nói xong, Tổng Bí thư quay lại nói với hội nghị là “đại biểu yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong công tác chống tham nhũng”, chị Ba Nguyệt Hồng nhớ lại.

Chị Hồng cho biết thêm, bức ảnh chị chụp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được một phóng viên chụp tặng. Về lại Sóc Trăng, chị đem ảnh đi in, phóng to treo trang trọng trong nhà để đánh dấu kỷ niệm lớn trong cuộc đời, như là kỷ vật quý báu của chị.

Chị Ba Hồng tâm sự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người mẫu mực, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, quyết liệt trong công tác chống tham nhũng.

Những ngày qua, khi xem thông tin về sức khỏe của Tổng Bí thư, chị rất lo lắng, mong Tổng Bí thư nhanh chóng bình phục, tiếp tục trở lại lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống "nội xâm", bảo vệ thành quả cách mạng.

“Nào ngờ, điều mong mỏi của chị cũng như của toàn thể nhân dân đã không thành hiện thực thông tin Tổng Bí thư không còn nữa. Mấy hôm trước, chị luôn theo dõi thông tin về Tổng Bí thư. Chị rất muốn ra Hà Nội viếng, đưa tiễn Tổng Bí thư nhưng rất tiếc là sức khỏe không cho phép, chị cũng vừa mới mổ mắt được mấy ngày", chị Hồng xúc động.

Chị Lưu Nguyệt Hồng, sinh năm 1950, ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1965, chị Ba Nguyệt Hồng đã tham gia cách mạng. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị đã đánh rất nhiều trận, tiêu diệt được nhiều tên địch.

Sau ba năm chiến đấu, vừa tròn 18 tuổi, chị Ba được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bầu vào chi ủy. Mấy tháng sau được bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ. Vinh dự thật lớn lao nhưng trách nhiệm hết sức nặng nề với cô gái Ngã Năm vừa tròn 18 tuổi ấy. Ấy thế mà chị vẫn hoàn thành tốt, được cấp trên tin cậy, anh em đồng đội tín nhiệm, yêu thương.

Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, chị Ba và đồng đội của mình bao vây, bức rút chi khu Ngã Năm suốt 52 ngày đêm. Cũng trong những ngày đó, chị là người đã hạ lá cờ của giặc ở chi khu Ngã Năm và hiên ngang kéo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lên trên bầu trời chi khu Ngã Năm trong tiếng reo hò của đồng bào, đồng đội.

Từ năm 1970-1972, chị Ba giữ chức vụ Bí thư Chi bộ Đảng tại thị Trấn Phú Lộc, ngay giữa lòng địch. Năm 1973, chị giữ cương vị Hội trưởng hội phụ nữ huyện Thạnh Trị.

Đến năm 1975, chị tham gia vào Ban Chỉ huy “gỡ mảng chuyển vùng” của địa phương cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng. Trong những năm tháng chiến đấu, chị hai lần bị thương. Vết thương đó hiện nay vẫn còn hành hạ cơ thể chị mỗi khi trái gió trở trời.

Sau khi quê hương được giải phóng, chị Ba Nguyệt Hồng vẫn tiếp tục công tác tại đại phương. Năm 1977, chị được phân công làm Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Đảng của Huyện ủy Thạnh Trị. Đến năm 1996, chị chuyển công tác về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng công tác cho đến lúc nghỉ hưu.

Năm 2005, chị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

NGUYỄN PHONG - CAO XUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-ve-buc-anh-quy-cua-nu-anh-hung-o-soc-trang-post820875.html