Chuyện về cậu bé 'người sói' Nga từng chinh phục khắp nước Mỹ

Cậu bé người Nga Fedor Evtikhiev mắc chứng bệnh hiếm gặp Hypertrichosis. Vào thế kỷ XIX, cậu trở nên nổi tiếng khi biểu diễn tại gánh xiếc của 'những người dị tật'.

Ngày nay, nguyên nhân gây ra chứng bệnh hiếm gặp Hypertrichosis (hội chứng người sói) đã được làm rõ. Đó là do sự phát triển bất thường của râu, tóc và các khu vực khác trên cơ thể con người. Tuy nhiên, y học cuối thế kỷ XIX vẫn chưa lý giải được về nguyên nhân gây bệnh. Người ta cho rằng, đó là do sự lai tạo giữa người và động vật. Những trường hợp như vậy thường được gọi là “người sói”, bởi toàn bộ khuôn mặt, cổ, vai và lưng của họ đều mọc lông rất rậm.

Cậu bé “người sói” Fedor Evtikhiev. Ảnh tư liệu: Russia Beyond.

Cậu bé “người sói” Fedor Evtikhiev. Ảnh tư liệu: Russia Beyond.

Từ điển bách khoa toàn thư của Brockhaus và Efron cuối thế kỷ XIX có dẫn hai trường hợp mắc chứng rậm lông hiếm gặp, đó là Adrian Evtikhiev và cậu bé Fedor. “Cả Adrian và Fedor đều có lông dài và phẳng phủ khắp trán, mũi và tai”, cuốn bách khoa toàn thư viết.

Hai “người sói” đến từ tỉnh Kostrom

Theo số liệu của Bảo tàng địa phương chí, Adrian Evtikhiev và cậu bé Fedor Petrov sinh ra tại hai làng lân cận nhau gần thành phố Manturovo, tỉnh Kostroma, nước Nga. Adrian từng lấy vợ và có hai đứa con, nhưng chúng đều chết sớm và không rõ chính xác có bị bệnh Hypertrichosis không. Tin đồn về ngoại hình bất thường của Adrian lan truyền khắp nước Nga và đến tận cả Moskva, khiến các nhà nhân chủng học lúc đó tiến hành nghiên cứu trường hợp này.

“Toàn bộ khuôn mặt của Adrian, trừ mí mắt và tai, đều phủ kín lớp lông rậm, mỏng và mềm như tơ có màu nâu tro sáng, dài ít nhất bằng nửa ngón tay”, nhà động vật học Fedor Brandt mô tả cơ thể Adrian.

Không rõ làm thế nào mà số phận đưa Adrian và cậu bé Fedor, cũng là “người sói” đến từ tỉnh Kostroma, lại với nhau. Chỉ biết rằng, chủ gánh xiếc đã đề nghị họ biểu diễn cùng nhau tại các hội chợ. Họ được giới thiệu là hai cha con, và bộ đôi dị tật này đã gặt hái thành công ngoài mong đợi trong sự nghiệp biểu diễn của mình. Adrian thậm chí còn lấy họ của mình là Evtikhiev để đặt cho cậu bé Fedor, chăm sóc và nhận cậu làm con nuôi.

“Trên đầu anh ta có tóc màu vàng sẫm, trên trán là màu hung nhạt, còn phần dưới khuôn mặt là màu xám và vàng nhạt. Trên cơ thể và tay chân, ngoại trừ móng tay, bàn chân, cổ và lòng bàn tay, lông gần như không có màu sắc, rậm rạp và dài đến 6 cm”, nhà động vật học Brandt viết về Fedor.

Cậu bé “người sói” Fedor và người cha nuôi Adrian. Ảnh tư liệu.

Cậu bé “người sói” Fedor và người cha nuôi Adrian. Ảnh tư liệu.

Lưu diễn khắp thế giới

Năm 1883, Adrian và Fedor được mời ra nước ngoài biểu diễn. Họ trở thành những ngôi sao trên sân khấu tại Paris, Berlin và thủ đô nhiều nước khác.

Những màn trình diễn của họ mang lại cho chủ gánh xiếc những khoản tiền kếch xù. Adrian hành xử như một ngôi sao thực thụ. Theo một số nguồn tin, một trong những yêu cầu của anh ta đối với chủ gánh xiếc là phải có món dưa cải bắp và rượu vodka. Không lâu sau, Adrian qua đời vì tật nghiện rượu.

Cậu bé Fedor vẫn tiếp tục biểu diễn và thậm chí còn gặt hái thành công không thể ngờ được tại châu Âu. Chủ gánh xiếc nổi tiếng người Mỹ Phineas Barnum đã mời cậu bé tham gia đoàn xiếc của mình, nơi đã có một người đàn ông lùn, “nàng tiên cá” và cặp song sinh dính liền người Xiêm.

Fedor đã thể hiện xuất sắc màn trình diễn mà chủ gánh xiếc Barnum gọi là “Tuyệt vời nhất quả đất”. Cậu bé được đặt nghệ danh là Jo-Jo, và tiếng tăm về “người sói” này lan rộng khắp nước Mỹ. Tờ báo bang Kentucky năm 1886 đã gọi cậu bé là một trong những “người dị tật” thú vị nhất còn sống.

Ngoài ra, chủ gánh xiếc Phineas Barnum còn nghĩ ra câu chuyện hoang đường để giới thiệu cậu bé nhằm kích thích sự hiếu kỳ của khán giả. Theo đó, Fedor dường như đã bị những người thợ săn tìm thấy trong rừng rậm Kostroma, nơi cậu bé sống cùng người cha cũng “rậm lông” trong hang như những con thú hoang. Người cha hung dữ đã tấn công những người thợ săn, buộc họ phải nổ súng bắn chết, còn cậu bé thì được đưa tới Mỹ… Barnum đã đích thân thuần dưỡng cậu bé. Để huyền hoặc thêm câu chuyện, Fedor được mô tả là đã gầm gừ, nhe răng và thậm chí còn dùng răng để xé thịt sống, điều này làm cho khán giả rất thích thú.

Những người quen biết Fedor nói rằng, thực tế cậu bé là người được dạy dỗ và học hành đàng hoàng, biết sử dụng một số ngôn ngữ. Cậu không lập gia đình, là người khiêm tốn, sống một cuộc sống thầm lặng và đọc nhiều sách.

Sau gần 20 năm biểu diễn thành công, Fedor trở nên buồn rầu và muốn trở về quê hương. Cậu thường xuyên viết thư gửi qua các lãnh sự quán, trong thư bày tỏ mong muốn được biết về số phận của người mẹ sinh ra mình. Tuy nhiên, chủ gánh xiếc vẫn giữ Fedor lại, bởi ngôi sao “người sói” này mang lại cho ông ta những khoản tiền không nhỏ, còn Fedor thì vẫn tiếp tục công việc biểu diễn của mình.

Năm 1903, Fedor bị mắc chứng bệnh viêm phổi và qua đời trong chuyến lưu diễn tại Hy Lạp.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chuyen-ve-cau-be-nguoi-soi-nga-tung-chinh-phuc-khap-nuoc-my-662708