Chuyện về cô Hiệu trưởng mầm non tham gia chống dịch

Giải quyết xong công việc ở trường là cô Phạm Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang lại xắn tay áo, lăn xả vào tuyến đầu chống dịch. Ròng rã suốt gần 3 tháng qua, khi thì phụ nấu ăn, lúc lại tất tả ngược xuôi làm 'shipper', rồi ra đồng phụ thu hoạch nông sản,... bất kể chỗ nào bà con gặp khó khăn là cô Điệp lại có mặt hỗ trợ.Bất kể trời nắng hay mưa, suốt gần 3 tháng qua, hình ảnh cô Hiệu trưởng mầm non Phạm Thị Ngọc Điệp ngược xuôi, rong ruổi trên từng tuyến đường đã trở nên khá quen thuộc, gần gũi với nhiều người dân các xã của huyện Tân Phước như Tân Hòa Thành, Phú Mỹ… Cô Điệp cùng với các đồng nghiệp không quản ngại khó khăn, vất vả xung trận ra tuyến đầu chống dịch Covid-19. '

Cô Điệp (bên trái) tham gia chống dịch, hỗ trợ rau, củ, quả cho người dân gặp khó khăn.

Cô Điệp (bên trái) tham gia chống dịch, hỗ trợ rau, củ, quả cho người dân gặp khó khăn.

Mấy ngày trước đây, ngày nào tôi cũng đi hỗ trợ bà con từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà. Tình hình dịch Covid-19 ở huyện Tân Phước hiện cũng đã tạm ổn, vừa định nghỉ ngơi vài ngày thì lại nghe điện thoại của nhà hảo tâm réo gọi nên liền cùng các đồng nghiệp ra vườn, xuống ruộng thu hoạch rau, củ, quả… để kịp hỗ trợ cho người dân TP. Mỹ Tho đang gặp khó khăn do dịch bệnh”, cô Điệp chia sẻ.

Cô Điệp cho rằng mình may mắn khi có gia đình là hậu phương vững chắc. Chồng và con gái cô luôn ủng hộ, động viên tinh thần trong suốt thời gian đi chống dịch. Những ngày đầu tham gia chống dịch, cũng như các đồng nghiệp, cô Điệp khá căng thẳng với tính chất nguy hiểm của dịch bệnh. “Bản thân thì không lo, chỉ sợ nhiễm bệnh rồi liên lụy đến chồng con, người thân trong gia đình.

Cô Phạm Thị Ngọc Điệp có 24 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục mầm non. Năm 1997, cô Điệp làm giáo viên mầm non ở xã Tân Lập, huyện Tân Phước. Đến năm 2011, cô Điệp chuyển công tác về Trường Mầm non Tân Hòa Thành và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Với vai trò là người đứng đầu, cô Điệp đã lãnh đạo đưa Trường Mầm non Tân Hòa Thành ngày càng đi vào nền nếp, hoạt động ổn định và đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn Quốc gia trong năm học 2012 - 2013; đồng thời, nhiều năm nhận Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen của các cấp tỉnh, huyện và ngành Giáo dục.

Tháng 5-2021, cô Điệp được luân chuyển về Trường Mầm non Phú Mỹ. Với nhiều năm tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, cô Điệp đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phước và của ngành Giáo dục với thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Có những hôm xong việc, canh tận khuya khi mọi người trong nhà ngủ hết mới dám về nhà, tắm rửa sạch sẽ rồi lên phòng nằm một mình, để hạn chế tiếp xúc với mọi người trong nhà. Sáng sớm hôm sau khi mọi người chưa thức dậy là tôi lại đi nữa rồi, cứ thế mà suốt mấy ngày liền tôi không gặp chồng con”, cô Điệp kể về những ngày chống dịch của mình.

Thấy được sự khó khăn, vất vả của người dân trong đại dịch, cô Điệp cùng các đồng nghiệp tổ chức bếp ăn từ thiện, đều đặn mỗi tháng nấu từ 200 đến 300 suất cơm miễn phí cho bà con và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hết nấu ăn, cô Điệp lại xắn tay áo ra vườn, xuống ruộng phụ bà con thu hoạch khóm hay thu gom nông sản hỗ trợ bà con ở TP. Hồ Chí Minh và TP. Mỹ Tho gặp khó khăn do dịch bệnh.

Cô Điệp trải lòng, những khó khăn, vất vả sẽ khó nói hết bằng lời trong giai đoạn hiện nay. Dấn thân vào tuyến đầu để hiểu và trân quý nhau hơn cái gọi là nghĩa tình đồng bào. Những phần quà trao tay đơn giản chỉ là bó rau, củ cải, hay đó là suất cơm ăn qua bữa nhưng thật sự rất ấm lòng cho người trao lẫn người nhận.

Có những ngày lặn lội dưới ruộng khóm, phơi mình dưới cái nắng oi bức mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của người nông dân. Hay lần đầu tiên được mặc đồ bảo hộ y tế, đeo khẩu trang N95, mũ, kính bảo hộ, tấm che mặt, mang găng tay y tế trong sự nóng bức khó chịu thì mới hiểu thế nào là những gian truân, vất vả mà lực lượng tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm phải đối mặt.

Và sẽ còn những kỷ niệm trong suốt hơn 3 tháng ròng rã tham gia chống dịch giúp cô Điệp cũng như các đồng nghiệp cảm nhận thế nào là sự cống hiến và ý nghĩa khi sống vì mọi người.

P. CÔNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202109/chuyen-ve-co-hieu-truong-mam-non-tham-gia-chong-dich-935247/