Chuyện về cụ bà 77 tuổi chuẩn bị trước mộ phần, còn căn dặn con cháu điều đặc biệt
Bà Lê Thị Bích Hường (77 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) đã chuẩn bị sẵn cho mình một khu đất tại một nghĩa trang ở Hòa Bình để làm mộ phần cho mình mai sau.
Chọn trước mộ phần để sau này không làm phiền đến con cháu
Chọn khung cảnh tại một nghĩa trang ở Hòa Bình, bà Lê Thị Bích Hường (77 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) mặc áo dài lộng lẫy, ngồi chơi piano. Cũng tại nghĩa trang này, bà Hương đã chuẩn bị sẵn cho mình một khu đất để làm mộ phần cho mình mai sau.
Khu đất rộng chừng 180m2 được bà Hường mua 15 năm về trước. Giữa khu đất là ngôi mộ lớn, xây theo hình dáng căn nhà truyền thống, tường gạch, mái ngói đỏ với những đầu đao uốn cong, bà Hường làm để sau này an nghỉ. Phía trước mộ đặt tấm bia khắc bài thơ do chính bà sáng tác.
Nói về lý do chuẩn bị trước mộ phần cho mình, bà Hương chia sẻ, năm 1992, bố của bà mất ở tuổi 89, còn mẹ thì đang hôn mê. Vì các anh chị đã lớn tuổi, lại ở xa nên chồng bà Hương đứng ra lo liệu tang lễ cho bố vợ.
Thời điểm đó, bà Hương bất chợt có suy nghĩ tại sao phải đợi đến lúc mất mới chuẩn bị chỗ an nghĩ cho mình. Qua các phương tiện truyền thông, bà Hương biết được nghĩa trang Lạc Hồng Viên nên quyết định chuẩn bị trước cho bản thân sau này, đỡ phải làm khổ đến con cháu.
"Bản thân tôi luôn nghĩ cuộc sống trên cõi trần chỉ là một nhiệm kỳ công tác, sau khi mất đi thì coi như là một chuyến chuyển công tác đến nơi mới. Khi mình mất, tôi cũng không muốn mọi người xem đó là tang lễ mà chỉ đơn giản là một buổi lễ tiễn đưa về cõi tiên. Tôi cũng sẽ dặn trước các con không được khóc, không mặc áo xô trắng, không nhận vòng hoa lễ...", bà Hương tâm niệm.
Người phụ nữ yêu cái đẹp, thậm chí đi ngủ cũng phải đẹp
Chia sẻ về bản thân, bà Hường cho biết, bà là luôn sống tích cực và rất yêu cái đẹp, luôn chú ý đến hình ảnh của mình. Chính vì thế, dù ở nhà, bà cũng chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất.
"Thậm chí khi đi ngủ cũng phải thật đẹp, phải thiết kế những bộ ngủ đẹp nhất. Ở cái tuổi này, biết đầu sẽ là một giấc ngủ sâu, sáng mai không dậy nữa, khi đó các con thấy mẹ vẫn đẹp.
Quan điểm của bản thân tôi là hãy sống vui vẻ tuổi già, khi tuổi già mình làm tròn nhiệm vụ cho các con các cháu, để các cháu góp ích cho sức khỏe. Chết là điều không tránh khỏi, vì thế chúng ta không phải sợ cái chết nhưng điều quan trọng là chúng ta đón nhận nó thế nào mà thôi?", bà Hường nói.
Cũng để chuẩn bị cho sự ra đi của mình sau này, 10 năm trước, bà Hường bắt đầu đăng ký lớp học đàn piano. Ngoài tình yêu âm nhạc, mong muốn lớn nhất của người phụ nữ tuổi ngoài thất thập này là được tự tay chơi một bản nhạc từ bài thơ của mình.
Theo bà Hường, tuổi già, tay cứng nên học đàn rất khó, nhiều lúc mắt mờ phải dùng kính lúp để nhìn vào bản nhạc. Thế nhưng với quyết tâm hoàn thành MV ca nhạc để sau này phát trong tang lễ của mình, đến giờ, bà Hường đã chơi đàn rất uyển chuyển, nghệ sĩ.
"Bản nhạc trong MV tôi chuẩn bị suốt 10 năm, từ lúc học đàn cho đến hiện tại. MV sẽ quay trong khuôn viên "ngôi nhà yên nghỉ" của tôi. Tôi mong bản nhạc đó khi cất lên trong tang lễ của mình sẽ xua đi bầu không khí u buồn, tử biệt", bà Hường dự tính.