Chuyện về đồ chơi Trung thu bằng sắt Tây

Thời bao cấp, đồ chơi Trung thu truyền thống được bán tại phố Hàng Mã gồm: đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn cù, trống, đèn bí ngô… hầu hết đều được làm bằng tre, thân cây vông và giấy bóng kính.

Ngoài ra còn có nhiều thứ làm bằng sắt tây như: thỏ đánh trống, con bướm có cánh vẫy, máy bay. Đặc biệt nhất là có tàu thủy làm bằng sắt, sơn màu xanh da trời, có lá cờ đỏ sao vàng được trẻ con thích nhất. Tàu thủy có 2 loại, một loại có thể chạy được khi đổ dầu hỏa vào đốt, và loại rẻ tiền hơn muốn chạy thì phải gắn cục xà phòng vào đuôi tàu, khi cục xà phòng gặp nước tan ra sẽ đẩy con tàu đi. Đồ chơi bằng sắt không chỉ bán ở Hàng Mã mà còn bán tại phố Hàng Thiếc, con phố có nghề làm đồ gia dụng bằng sắt tây.

Cuối thế kỷ 19, hàng hóa nhập khẩu từ Pháp sang Hà Nội được đựng trong các thùng sắt để tránh hư hỏng vì vận chuyển bằng đường biển. Sau khi lấy hàng, người ta bán những vỏ thùng sắt với giá rất rẻ. Vì thùng sắt có xuất xứ từ Pháp nên dân chúng gọi là sắt tây. Một số thợ sắt ở phố Hàng Thiếc đã mua về chế ra nhiều sản phẩm dùng cho sinh hoạt hàng ngày như: thùng đựng nước, đèn dầu, gáo múc nước, thùng đựng dầu hỏa… những đồ dùng này bán khá chạy.

Đồ chơi Trung thu bằng sắt tây xuất hiện từ thập niên đầu thế kỷ 20

Đồ chơi Trung thu bằng sắt tây xuất hiện từ thập niên đầu thế kỷ 20

Trung thu năm 1905, tại Bảo tàng Maurice Long (nay là Cung văn hóa Hữu nghị) đã diễn ra hội chợ đồ chơi dân gian, trong đó có đồ chơi Trung thu truyền thống Việt Nam bằng giấy đầu tiên. Người đứng ra tổ chức hội chợ này là nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp George Bois. Cùng với đồ chơi bằng giấy, hội chợ còn trưng bầy và bán các loại đồ chơi Trung thu khác, nhưng không có đồ chơi làm bằng sắt tây. Như vậy, tính đến năm này thì đồ chơi Trung thu bằng sắt tây chưa có.

Theo báo Khai hóa số 1 năm 1921 (chủ báo là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi) thì năm 1920 đồ chơi Trung thu bày bán tại phố Hàng Gai đã có những thứ làm bằng sắt tây như: châu chấu, thỏ đánh trống, con bướm có cánh vẫy, tàu thủy làm bằng sắt sơn màu xanh da trời. Như vậy có thể khẳng định, đồ chơi làm bằng sắt tây xuất hiện thập niên đầu thế kỷ 20 tuy không rõ năm nào.

Nhưng có một điều lạ là những đồ chơi bằng sắt tây lại do làng Khương Hạ (nay thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) ở vùng ngoại ô cách Hàng Thiếc gần chục cây số sản xuất. Có giả thiết cho rằng, người làng Khương Hạ làm thuê cho chủ ở Hàng Thiếc, họ nhận về gia công rồi dần dà cả làng theo nghề này. Lại có giả thiết khác, cuối thế kỷ 19 làng có nghề sửa xe tay liên quan đến sắt thép và trong làng có người đi lính thợ thấy người Pháp chế ra tàu thủy để chơi đã bắt chước mang nghề về cho làng.

Xưa, từ tháng 6 Âm lịch, Khương Hạ rộn rã tiếng đục, tiếng búa gò sắt, tiếng đập chan chát... từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi nhà làm một món đồ chơi, có nhà chuyên làm tàu thủy, có nhà chuyên làm con bướm có thể vẫy cánh, xe kéo tay, thỏ đánh trống, kèn, ô tô… Nhưng làm tàu thủy chạy bằng dầu thì không phải nhà nào cũng làm được vì nó đòi hỏi phải nắm chắc kỹ thuật.

Đầu những năm 1920, khi dầu hỏa của Mỹ và Pháp bán nhiều ở Hà Nội và dần trở thành nguyên liệu thắp đèn thay cho nến thì mới xuất hiện tàu thủy chạy bằng cách đốt dầu. Nguyên liệu chính vẫn là sắt Tây, sau khi cắt và hàn ghép các miếng sắt là ra hình hài một con tàu. Tuy nhiên để con tàu cân bằng trên mặt nước thì người thợ phải tính toán kỹ càng. Món đồ chơi này được làm dựa trên kiến thức vật lý cơ bản là dầu hỏa đốt nóng nồi hơi bên trong tàu, truyền nhiệt vào ống dẫn nước khiến nước nóng lên tạo ra lực đẩy tàu cho di chuyển.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Bí quyết chính là ở cái nồi hơi và lá đồng bên trong nồi hơi. Nếu làm không đúng kỹ thuật, tàu sẽ không chạy và không tạo được tiếng kêu “pạch pạch” như tàu thủy thật. Khoang dưới trong thân tàu chứa những lá đồng mỏng được nối với hai ống chứa nước hai bên thân. Khi đốt nóng thì những lá đồng nóng lên rồi lại xẹp xuống do giãn nở. Khi lá đồng phồng lên, nước lạnh được hút vào một bên đầu ống, nước vào làm lá đồng mát trở lại và xẹp xuống, nước lại bị đẩy sang bên kia. Cứ thế quá trình bên đẩy bên hút lặp đi lặp lại khiến tàu di chuyển được trong khoảng thời gian vài phút.

Thời bao cấp, nguyên liệu khan hiếm nên thợ Khương Hạ tận dụng các loại vỏ đồ hộp do các bà đồng nát cung cấp. Không chỉ bán ở Hàng Mã, nhiều người buôn các tỉnh cũng về lấy hàng nên từ năm 1954 đến 1975 là khoảng thời gian làng Khương Hạ làm ăn khấm khá. Thế nhưng sau năm 1975, số người làm đồ chơi trong làng giảm dần vì xuất hiện những món đồ chơi mới từ miền Nam ra, mặt khác nhiều đồ chơi không còn phù hợp.

Tuy nhiên tàu thủy vẫn là thứ đồ chơi được trẻ em thích nhất. Đầu thế kỷ 21, nghề làm đồ chơi bằng sắt Tây ở Khương Hạ chết dần vì đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã bắt mắt tràn ngập thị trường khiến đồ chơi truyền thống dần mất chỗ đứng. Hiện Khương Hạ chỉ còn 1 gia đình làm tàu thủy vẫn cặm cụi với những giũa cùng cưa để vào dịp Trung thu lại xuất xưởng những chiếc tàu cho con trẻ.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/chuyen-ve-do-choi-trung-thu-bang-sat-tay/824515.antd