Chuyện về đôi trâu kéo pháo huyền thoại ở miền Tây

Do gắng quá sức, một con trâu đứt ruột chết tại chỗ. Con còn lại vẫn cùng quân dân kéo pháo. Khẩu pháo nhích từng chút cuối cùng cũng đưa về nơi an toàn. Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, vài ngày sau, con trâu đó cũng 'hi sinh'. Câu chuyện đôi trâu kéo pháo ngày ấy đã trở thành huyền thoại.

Khẩu pháo lịch sử

Nói đến chiến thắng Tầm Vu (Hậu Giang), là nhắc đến cuộc kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1946-1948). Trong 2 năm này, trên Quốc lộ 61, đoạn Cái Tắc – Rạch Gòi quân dân ta giành chiến thắng ở bốn trận đánh lớn với những chiến công quả cảm của quân và dân ta, đáng nhớ nhất ở ở trận đánh thứ 4, quân ta thu được khẩu pháo 105 ly. Khẩu pháo chiến lợi phẩm này gắn liền với huyền thoại đôi trâu kéo pháo và sự “hi sinh” anh dũng của chúng.

Ông Nguyễn Văn Tấn (52 tuổi), người phụ trách thuyết minh ở Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu (nằm cặp Quốc lộ 61, thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, ông không phải là người chứng kiến chiến thắng Tầm Vu năm ấy vì lúc đó ông còn chưa ra đời. Tuy nhiên thời gian qua, ông là người đi sưu tầm, gặp gỡ nhiều nhân chứng của trận chiến ngày ấy để nghe kể lại từng chi tiết dù nhỏ nhất.

Ông Nguyễn Văn Tấn kể lại câu chuyện đôi trâu huyền thoại.

Ông Nguyễn Văn Tấn kể lại câu chuyện đôi trâu huyền thoại.

Ông Tấn kể: “Chiều 19/4/1948, dưới sự chỉ huy của Khu Bộ trưởng Trần Văn Giàu. Với lối đánh du kích vốn là sở trường của quân ta, hơn 100 quân Pháp bị tiêu diệt, 14 xe vận tải bị phá hủy. Ta thu được nhiều súng đạn, đặc biệt là khẩu pháo 105 ly. Đây là khẩu pháo đầu tiên ta thu được trên cả nước, vang dội khắp chiến trường Đông Dương thời điểm đó.

Nhưng khẩu pháo 105 ly quá lớn, nặng đến hàng tấn lại cồng kềnh. Trong khi địa thế vùng này lại sình lầy, việc di chuyển khẩu pháo đến nơi an toàn là chuyện không dễ. Trước tình thế cấp bách vì nếu như quân Pháp quay trở lại thì không còn đường lui. Lúc bấy giờ, mọi người nhớ đến con trâu, chỉ có trâu mới có thể tiếp sức kéo khẩu pháo này. Ngay lập tức, ông Ngô Hồng Giỏi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 122 mới tìm đến nhà ông Võ Văn Chót ở địa phương để mượn đôi trâu và được gia đình đồng ý. Ông Chót tháo dây đưa cho ông Giỏi đôi trâu khỏe nhất mà ông có để tiếp sức quân dân kéo pháo”.

Ông Tấn cho hay, sau khi mượn được đôi trâu, quân và dân ta cùng ra sức kéo. Đoạn đường mà đôi trâu kéo pháo chỉ khoảng 1 cây số, nhưng đó là đoạn đường chông gai nhất mà chúng đi trong đời. Nhưng do địa hình đồng ruộng sinh lầy, trời lại nhá nhem tối. Vì gắng quá sức, một con trâu đứt ruột chết tại chỗ. Con còn lại vẫn không nản lòng, cùng quân dân kéo pháo. Khẩu pháo nhích từng chút cuối cùng cũng đưa được về nơi an toàn.

Vợ chồng ông Võ Văn Chót - người đã cho bộ đội mượn đôi trâu.

Vợ chồng ông Võ Văn Chót - người đã cho bộ đội mượn đôi trâu.

Vài ngày sau, con trâu còn lại được chủ nhân phát hiện nằm chết bên đồng ruộng sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Cái chết của đôi trâu đổi lại chiến lợi phẩm là khẩu pháo 105 ly được xếp gọn trong kho làm khí tài cho những trận đánh vang dội về sau. Từ đó đến nay, câu chuyện đôi trâu kéo pháo đều được kể lại và lưu giữ trong Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu một cách trang trọng.

“Thời đó, nhà nào có trâu là như có một gia tài. Trong chiến thắng Tầm Vu năm đó, nhiệm vụ kéo pháo của đôi trâu này dường như là bất khả thi vì chỉ có sức của trâu mới có thể làm được chuyện kéo khẩu pháo ấy chứ đâu có máy móc như bây giờ”, ông Tấn nói..

Đôi trâu huyền thoại

Trở lại Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu vào những ngày cuối năm, chúng tôi chúng tôi nhìn thấy hình ảnh đôi trâu huyền thoại được tái hiện bằng nhiều phương thức với nhiều cung bậc cảm xúc. Đặc biệt là bức tranh của họa sĩ Tô Dự khắc họa lại cảnh tượng đôi trâu đang ra sức kéo pháo sau trận đánh oanh liệt. Có nhìn thấy tranh và được nghe câu chuyện đôi trâu kéo pháo, mới thấy được một quá khứ hào hùng của quân dân ta trong những chiến thắng ở Tầm Vu.

 Bức tranh của họa sĩ Tô Dự khắc họa lại cảnh tượng đôi trâu đang ra sức kéo pháo sau trận đánh oanh liệt.

Bức tranh của họa sĩ Tô Dự khắc họa lại cảnh tượng đôi trâu đang ra sức kéo pháo sau trận đánh oanh liệt.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Bạch Đằng (con trai của ông Võ Văn Chót) người đã cho bộ đội mượn đôi trâu ngày nào. Nhắc đến đôi trâu, ông Đằng vui cười niềm nở vì có dịp kể lại những kí ức hào hùng mà gia đình ông đã góp sức để làm nên một huyện thoại.

“Chiều đó, ông Giỏi đến gặp cha tôi mượn trâu, đó cũng là ngày mà cha mẹ tôi vừa hoàn thành lễ cưới. Lập tức, cha tôi liền bỏ tiệc cưới chạy ra tìm đôi tâu khỏe nhất cho bộ đội mượn kéo pháo”, ông Đằng nói, đồng thời cho biết, sau trận đánh Tầm Vu 4, thực dân Pháp biết trâu tham gia kéo pháo nên tức giận, chúng theo dấu chân tìm đến bắn chết thêm mấy con trâu của gia đình ông.

Ông Võ Bạch Đằng (con trai của ông Võ Văn Chót) kể lại câu chuyện cha mình cho mượn đôi trâu.

Ông Võ Bạch Đằng (con trai của ông Võ Văn Chót) kể lại câu chuyện cha mình cho mượn đôi trâu.

Khẩu pháo 105 ly tại Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu.

Khẩu pháo 105 ly tại Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu.

Ông Chót sau này vẫn theo nghề nuôi trâu và gắn bó với đồng ruộng, ông mất năm 2008. Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã tặng bằng khen cho ông Chót với thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-ve-doi-trau-keo-phao-huyen-thoai-o-mien-tay-1792760.tpo