Chuyện về gia tộc có 19 võ sư
Chỉ tính trong 3 đời gần nhất, gia tộc của võ sư, lương y, lương dược Nguyễn Sơn Đông (trú tại 109/1 Phạm Văn Đồng, tổ 15, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đã có tới 19 võ sư. Ở nước ta, có thể khẳng định, hiếm gia tộc nào lại có nhiều võ sư đến thế.
“Hổ phụ sinh hổ tử”
Xuân Canh Tý 2020, võ sư Nguyễn Sơn Đông, lấy tên võ đường là Hàm Hữu Đông vừa bước sang tuổi 59. Ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật ở miền đất võ Bình Định. Gia tộc của ông có người từng làm võ tướng dưới triều Tây Sơn. Bởi vậy, trường phái võ thuật của gia tộc được đặt tên là Việt Nam-Tây Sơn võ thuật đạo.
Trong lá đơn gửi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) mới đây, võ sư Nguyễn Sơn Đông đề nghị công nhận gia tộc của ông có nhiều võ sư nhất nước với 19 thành viên, chỉ tính trong 3 đời gần nhất. Cụ thể, đời thứ nhất có cha của ông là cố võ sư Nguyễn Tựu ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Bác ruột là cố võ sư Nguyễn Kính (còn gọi Hương Kiểm Kính), thầy của nhiều võ sư danh tiếng trong cả nước như cố võ sư: Phi Long Chánh, Phi Long Thảo, Phi Long Sanh; võ sư Phi Long, Đồng Phó… Nhưng có lẽ nổi bật nhất trong gia tộc của võ sư Nguyễn Sơn Đông là người cậu ruột-cố võ sư Cửu Thuần, quan Ngự y cửu phẩm dưới thời nhà Nguyễn. Võ sư Cửu Thuần là người đã đào tạo ra nhiều võ sư, huấn luyện viên xuất sắc trong nền võ thuật Việt Nam…
Đời thứ hai, trong gia đình ông Nguyễn Sơn Đông có 12 anh chị em ruột thì có tới 5 người là võ sư. Ngoài ông Đông thì 4 người còn lại gồm: cố võ sư Nguyễn Hữu Nghĩa, cố võ sư Nguyễn Văn Xong, võ sư Nguyễn Hữu Tài, võ sư Nguyễn Văn Chưa. “Hổ phụ sinh hổ tử”, đời thứ ba của gia tộc ông Đông tiếp tục đóng góp cho nền võ thuật cổ truyền Việt Nam những võ sư danh tiếng gồm: Nguyễn Hữu Trọng, Nguyễn Hữu Lợi, Nguyễn Hữu Vịnh (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Đây đều là những người cháu ruột của ông Đông.
Sinh ra trong một gia tộc giàu truyền thống võ thuật nên từ khi 8 tuổi, Nguyễn Sơn Đông đã được ông, cha, bác, cậu chỉ dạy những tinh hoa về quyền, roi, đao, kiếm, thương, kích… Sau đó, Nguyễn Sơn Đông theo gia đình lên lập nghiệp tại Pleiku.
Những năm 70 của thế kỷ trước, khi còn là võ sĩ, Nguyễn Sơn Đông thường xuyên theo người thân trong gia đình đi thi đấu khắp các võ đài ở miền Trung-Tây Nguyên. Ông được giới võ thuật đặt cho biệt danh “hùm xám Tây Nguyên”. Vào cuối năm 1983, khi đã chuyển sang làm công tác huấn luyện, ông thượng đài lần cuối với người đồng nghiệp là huấn luyện viên Lâm Thành Tân đến từ Bình Định tại Sân vận động Pleiku. Kết quả, ông đã hạ knock-out đối thủ chỉ sau chưa đầy 2 hiệp. Võ sư Nguyễn Sơn Đông nhớ lại: “Thi đấu võ đài thời đó và bây giờ có nhiều điểm khác xa nhau. Trước đây, các võ sĩ thượng đài chỉ đeo mỗi đôi găng tay, không có giáp, mũ, trong khi cùi chỏ và đầu gối thì được sử dụng vô tư. Bởi vậy, hầu như trận đấu nào thời đó máu cũng đổ, thậm chí có người bỏ mạng ngay trên võ đài”. Khi chuyển sang làm công tác huấn luyện, võ sư Nguyễn Sơn Đông đã đào tạo nhiều học trò nổi tiếng như võ sĩ Hàm Hữu Tâm, Hàm Hữu Nam, Hàm Hữu Thơm…
Võ sư trấn biên ải
Võ sư Nguyễn Sơn Đông cho biết: “Những năm 90 của thế kỷ trước, trên địa bàn biên giới 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, tình trạng buôn lậu thuốc lá và một số mặt hàng khác diễn ra khá phức tạp. Thời đó, công cụ hỗ trợ của các lực lượng chức năng rất sơ sài, chủ yếu là dùng tay chân để trấn áp đối tượng vi phạm. Bởi vậy, thỉnh thoảng bên Hải quan lại mời tôi sang huấn luyện võ thuật tự vệ tay không và binh khí cho anh em. Đây chính là mối lương duyên để sau đó tôi chuyển sang công tác tại Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum”.
Những đối tượng buôn lậu thường rất liều lĩnh, sẵn sàng chống trả quyết liệt người thi hành công vụ. Thế nên, trong vai trò là nhân viên Hải quan, võ sư Nguyễn Sơn Đông có khá nhiều kỷ niệm thú vị. Ông kể: “Năm 1996, tôi cùng đồng nghiệp chặn bắt xe buôn lậu thuốc lá trên địa bàn huyện Ia Grai. Ngay lập tức, 2 đối tượng buôn lậu dùng mã tấu và gậy gộc tấn công anh em Hải quan. Nhờ biết võ, sau một hồi né tránh, phản công, chúng tôi đã khống chế được bọn chúng đưa về cơ quan”.
Nhận xét về ông Nguyễn Sơn Đông, ông Hà Thái Long-Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum-cho hay: “Nhờ giỏi võ nghệ nên anh Nguyễn Sơn Đông đã hỗ trợ ngành Hải quan khá nhiều trong công tác chống buôn lậu trên địa bàn biên giới Gia Lai, Kon Tum vào những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, dù đã sắp nghỉ hưu theo chế độ nhưng sức khỏe của anh ấy vẫn còn tốt, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
Đại võ sư Lê Ngọc Có-Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Gia Lai: Tôi biết Nguyễn Sơn Đông từ khi anh ấy còn trẻ. Thời còn là võ sĩ, anh Đông thi đấu nhiệt tình, máu lửa, lì lợm. Anh nhiều lần đại diện cho Gia Lai đi thi đấu với các võ sĩ trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8214/202001/chuyen-ve-gia-toc-co-19-vo-su-5667167/