Chuyện về một chàng trai… gàn dở
Mong muốn lan tỏa thông điệp an toàn giao thông, chia sẻ khó khăn, kết nối yêu thương, trải nghiệm và thử thách bản thân, Lang Văn Canh (SN 1990), quê Nghệ An quyết định thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt. Trong suốt hành trình ấy, chàng trai hút đinh, vá xe, đổ xăng miễn phí cho người đi đường.
“Gàn, dở”
Sau một ngày dài đi bộ hút đinh, tối 1/8, anh Lang Văn Canh có mặt tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Cơ thể thấm mệt, anh lót dạ bằng chiếc bánh mì và nằm ngủ ở ngoài hiên nhà dân. Anh tâm sự: “Trước khi bắt đầu hành trình, bản thân tôi đã cân nhắc rất kỹ, tính toán đến mọi tình huống có thể xảy ra và trang bị cho mình đủ quyết tâm, kỹ năng cũng như sức khỏe. Với quan điểm tự đi, tự túc, hạn chế làm phiền người khác nên tôi chỉ xin nhờ tắm, giặt nhà dân vào ban ngày và thường dựng lều ngủ ngoài đường vào ban đêm”.
Lang Văn Canh là người đồng bào dân tộc Thái ở thôn Kẻ Nóc, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, Nghệ An. Anh là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh em. Sau khi học xong phổ thông, do điều kiện gia đình khó khăn, anh không học tiếp mà vào miền Nam làm công nhân và phụ bếp ăn công nghiệp. Sau nhiều năm bôn ba, anh quyết định xin nghỉ việc, thực hiện chuyến đi đặc biệt nhất trong đời. “Gia đình đồng thuận và động viên tôi, cho rằng đây là cơ hội để tôi thử thách bản thân. Tuy nhiên, có một số người bạn ngăn cản và cho rằng, nguyện vọng của tôi là gàn dở. Tôi hiểu lý do mọi người không ủng hộ, nhưng tôi cũng hiểu rằng, đây là thời điểm thích hợp nhất để tôi thực hiện chuyến đi của đời mình”, anh Canh chia sẻ.
Nói là làm, anh Canh mua một bộ bánh xe ở TPHCM, mang xuống Cà Mau và thuê thợ cơ khí chế tạo một chiếc xe chuyên dụng để hút đinh trên đường. Thùng xe có kích thước dài 0,8m, rộng 0,75m, cao 0,5m. Phía trước, dưới xe có gắn một tấm nam châm có thể hút đinh, sắt, ốc vít và những vật nhỏ bằng kim loại trên mặt đường. Hành trang anh mang theo chỉ vài bộ quần áo, một cái võng, lều xếp, bộ đồ vá xe và chai nhựa đựng xăng. Tất cả gói gọn trong thùng chiếc xe hút đinh. “Tôi bắt đầu xuất phát từ tượng đài mũi Cà Mau vào ngày 3/7. Đến nay, tôi đã đi qua 10 tỉnh, thành như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai. Hiện tại, tôi đang ở tỉnh Bình Thuận và sẽ ra Ninh Thuận trong vài ngày tới”, chàng trai 9x cho hay.
“Tôi từng rơi nước mắt vì tình cảm bà con dành cho mình nhiều quá. Mặc dù chưa làm được gì lớn lao nhưng được mọi người ủng hộ như vậy tôi thật sự rất vui. Chính sự cổ vũ và giúp đỡ của mọi người, dù không hề quen biết là động lực để tôi cố gắng làm tốt hơn nữa”.
Anh Lang Văn Canh
Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng anh Canh vẫn gặp những khó khăn mà bản thân không lường trước được. Trong vài ngày đầu tiên, hai chân anh bắt đầu nhức mỏi. Những ngày sau, phần đầu gối tê buốt, đôi chân phồng rộp vì bỏng nước. Có thời điểm, anh tưởng đôi chân sẽ không thể đi được nữa. May mắn sau đó, khi đã quen với hành trình, chân anh chỉ đau khi dừng đi. Sau khi đi qua 10 tỉnh, thành, anh hoàn toàn tự tin vào sức khỏe của mình.
Khó khăn nhất với anh Canh là chỗ ngủ qua đêm. Anh kể: “Có nhiều người họ sợ không cho ngủ nhờ. Vì thế có những hôm phải xin ngủ ở cây xăng, hôm thì ngủ ở trước mái hiên nhà người ta, nhiều khi đang ngủ thì trời mưa nên ướt hết. Có những đêm không tìm được chỗ ngủ an toàn nên tôi thức trắng, trưa hôm sau tìm chỗ nghỉ rồi ngủ bù”. "Mặc dù gặp khó khăn nhưng chưa bao giờ anh hối hận về quyết định của mình.
Vá xe, đổ xăng miễn phí
Trung bình mỗi ngày anh Canh di chuyển được khoảng 20 km. Những hôm điều kiện thời tiết thuận lợi, trời râm mát, anh có thể đi được 38 - 40 km. Với tốc độ này, nếu sức khỏe bình thường, anh dự kiến sẽ cán đích cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) sau 8 đến 9 tháng. Sau mỗi ngày di chuyển, anh sẽ gỡ đinh dưới nam châm của xe hút đinh một lần. Trung bình mỗi lần gỡ sẽ có 3 - 4 lượng đinh cùng một số vật nhỏ kim loại khác như ốc vít, mẩu sắt, sợi thép… “Sau một tháng di chuyển, tôi đã phải thay, sửa, điều chỉnh kích thước tấm nam châm 3 lần. Hành trình tôi đi gặp khá nhiều khó khăn nhưng đổi lại là những thứ tôi chưa bao giờ có được. Tôi tin rằng, giá trị lớn nhất mà tôi nhận được trên hành trình này chính là sự yêu thương từ mọi người. Khi qua Bạc Liêu và Đồng Nai, tôi đã xúc động đến rơi nước mắt vì sự nhiệt tình, tình cảm mà mọi người dành cho mình”, anh Canh bộc bạch.
Trong hành trình di chuyển, ngoài đẩy xe hút đinh, anh còn hỗ trợ đổ xăng cũng như vá xe miễn phí cho các trường hợp khó khăn trong khả năng của mình. “Vì muốn thử thách bản thân nên tôi không mang theo tiền. Để có tiền, tôi nhặt ve chai, phế liệu dọc đường để bán, vừa chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần làm sạch môi trường, vừa có thêm lộ phí đi đường. Trên đường đi được bà con thương nên cho nước uống, kẹo bánh, trái cây. Có người còn cho vài chục nghìn đồng. Số tiền đó tôi dành dụm để mua xăng, dụng cụ vá xe và ruột xe để hỗ trợ những người đi đường khi họ gặp sự cố”, 9x nói.
Dường như, ngày càng nhiều người biết đến hành trình xuyên Việt của Lang Văn Canh hơn và anh cũng nhận được sự động viên cổ vũ của nhiều người bằng cả vật chất và tinh thần. Chàng trai người dân tộc Thái trải lòng: “Trước khi thực hiện hành trình xuyên Việt, tôi đã có nhiều chuyến phượt bằng xe máy. Tuy nhiên, chuyến đi lần này với tôi vô cùng đặc biệt. Tôi mong muốn lan tỏa thông điệp an toàn giao thông, chia sẻ khó khăn, kết nối yêu thương, trải nghiệm và thử thách bản thân. Dọc đường “thiên lý” từ Nam ra Bắc, tôi sẽ ghi lại những khoảnh khắc mà mình đi qua để truyền tải đến mọi người những hiểu biết về đời sống, văn hóa, ẩm thực của người dân trên mọi miền Tổ quốc”.
Sau một tháng “hành quân”, anh Canh thừa nhận sức khỏe của mình đã có phần giảm sút vì những ngày mất ngủ, ăn uống thất thường. Nước da xạm đen vì nắng táp. Song ý chí và quyết tâm chinh phục hành trình xuyên Việt chưa bao giờ ngưng nghỉ trong anh. “Mặc dù bố mẹ tôi không phản đối, nhưng chắc chắn sẽ rất lo lắng. Trong suốt hành trình, tôi thường xuyên gọi về nhà để mọi người an tâm”, anh chia sẻ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-ve-mot-chang-trai-gan-do-post1558662.tpo