Chuyện về một người lính lái xe ở Trường Sơn
Sáu năm trong quân ngũ, cựu chiến binh Bùi Hồng Lĩnh, xã Gia Thanh ( huyện Gia Viễn) gắn với tuyến vận tải Trường Sơn - một trong những trận tuyến khốc liệt, gian khổ nhất trong chặng đường bảo vệ non sông. Trò chuyện với ông Lĩnh vào một ngày tháng Tư lịch sử, ông đã kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm của tuổi trẻ, nơi bầu bạn với chiếc xe không có kính trên những cung đường hiểm trở dưới làn mưa bom, bão đạn...
Thương binh Bùi Hồng Lĩnh kể, ông nhập ngũ đầu năm 1971 sau một thời gian khá dài thuyết phục gia đình. "Anh trai tôi đi bộ đội. Sau đó vài năm em trai tôi cũng theo anh ra chiến trường. Vì nhà có hai người đang tham gia chiến đấu nên tôi là đối tượng ưu tiên, không phải nhập ngũ. Bố mẹ cũng không muốn tôi đi vì họ cần một người đàn ông chăm lo mọi việc cho gia đình và có lẽ còn vì một nỗi sợ không nói thành tên. Nhưng Tổ quốc đang cần tuổi trẻ của chúng tôi, tôi không thể đứng ngoài cuộc. Tôi thuyết phục bố mẹ, sau đó tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Khi ấy, tôi đã 25 tuổi..."- ông Lĩnh nhớ lại.
Sau 6 tháng huấn luyện, chiến sĩ Bùi Hồng Lĩnh được biên chế vào Tiểu đoàn 67, Trung đoàn 11, trực thuộc Đoàn 559, đóng quân ở Ba Dền, tỉnh Quảng Bình. Nhiệm vụ của ông Lĩnh khi ấy là lái xe vận chuyển vũ khí, thực phẩm, chiến sỹ… vào chiến trường miền Nam trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Đội xe của ông có chừng 40 chiếc. Những cung đường đã đi, ông Lĩnh không còn nhớ nổi tên bởi sự dặm dài của năm tháng và như ông nói, cánh lái xe chỉ biết làm nhiệm vụ vận chuyển từ trạm này tới trạm khác.
Khoảng cách giữa các trạm mà ông Lĩnh làm nhiệm vụ vận chuyển là hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số. Hàng ngày, đoàn xe xuất phát từ xế chiều đi xuyên đêm cho tới sáng. Hàng hóa trên xe là những thứ mà chiến trường đang rất cần. Vì vậy, với người lính, nhiệm vụ giữ và bảo vệ an toàn cho xe phải được ưu tiên số 1. Đường Trường Sơn gập ghềnh bởi bom cày đạn xới; những hố bom vừa mới kịp vá, thậm chí có chỗ còn chưa kịp san lấp. Một bên là đèo cao, một bên là vực sâu, địa hình hiểm trở, di chuyển vào ban đêm nhưng lái xe chỉ được sử dụng đèn gầm xe chiếu sáng trong cự li chừng 3m để tránh bị địch phát hiện.
Xe nào cũng phải đập bỏ kính lái phía trước để lái xe nhìn thấy đường đi, đồng thời tránh pháo sáng của địch phát hiện. Mỗi chiếc xe khi hành quân phải giữ khoảng cách chừng 40-50m. Trên đường đi, cứ cách vài chục mét là có 1 đường mang cá (đường tránh). Đây là nơi xe tấp vào tránh đạn để không gây ảnh hưởng ùn tắc đến các xe khác đi ở phía sau. Để biết đường phía trước đã được vá xong chưa, cánh lái xe bắn chỉ thiên một tiếng súng. Nếu phía trạm công binh gần đó đáp lại bằng 1 tiếng súng thì nghĩa là đường đã thông, xe có thể đi; đáp lại bằng 2 tiếng súng là đường vẫn chưa vá xong; đáp bằng 5 tiếng súng thì báo hiệu nơi bom thù vừa dội qua có chiến sĩ đã hi sinh…
Theo cựu chiến binh Bùi Hồng Lĩnh, máy bay của địch được trang bị kỹ thuật hồng ngoại tuyến và vũ khí hạng nặng để "săn" xe cả ngày lẫn đêm. Với kỹ thuật này, dù xe đã tắt máy mà còn nóng cũng bị phát hiện. Khi bị bắn thì độ chính xác là tuyệt đối. Sau này mình phát hiện ra kỹ thuật của địch nên tìm cách tránh. Khi nghe tiếng máy bay đã phát hiện ra cần khẩn trương lái xe vào mang cá để tạm lánh chứ không được để xe dừng lại giữa đường vì như vậy sẽ làm tắc đường, ảnh hưởng đến xe khác nếu không may xe của mình bị bắn cháy. Những điều ấy không được đào tạo, người lái xe phải dựa vào kinh nghiệm mà tính toán sự an toàn cho hàng, cho người.
Ông Lĩnh kể rằng, khó khăn, gian khổ là vậy nhưng các chuyến xe vào Nam chưa bao giờ dừng lại. Tranh thủ từng phút theo quy luật oach tạc của địch, đoàn xe vẫn chạy. Nhiều đoạn qua ngầm nước, phải có xe đầu kéo trực để kéo đoàn xe qua. Xe có gặp trục trặc, thậm chí bị cháy thì cũng không được dừng lại mà phải chạy tiếp, thoát được xe nào tốt xe ấy, dừng lại là chết chùm. Đồng đội có thương nhau tới mấy cũng phải chịu đựng vì mục đích lớn hơn, đó là nguyên tắc mà ai cũng phải tuân thủ. Lính lái xe ngoài tinh thần gan dạ, dũng cảm thì cũng cần phải có sự nhạy cảm, có khả năng nghe máy bay địch, lựa địa hình để tránh bom, như vậy mới bảo vệ cho người và xe, để đoàn xe chở hàng, chở bộ đội đi đến nơi, về đến chốn an toàn.
Trong một lần chở hàng, xe bị trúng đạn, ông Lĩnh bị thương ở đầu nhưng băng bó vết thương xong ông lại xung phong đi tiếp hành trình. Bởi như ông nói, phía trước là mặt trận đang vào hồi khốc liệt, ở đó có đồng chí, đồng đội, có cả anh trai và em trai của ông đang chờ được tiếp viện vũ khí, đạn dược để chiến đấu.
Những năm 1974-1975, cuộc chiến vào hồi khốc liệt, đường mòn Trường Sơn cũng bị bắn phá, chia cắt dữ dội nhất. "Chúng tôi được lệnh tăng cường vận chuyển bộ đội, hàng hóa vào chiến trường miền Nam chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Cuối tháng 3/1975, đội xe được lệnh về Thanh Hóa đón quân chở vào Đồng Xoài, rồi qua Sông Bé vào Biên Hòa để tham gia các chiến dịch. Ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, chúng tôi tham gia bằng tinh thần, ý thức và kỷ luật cao nhất. Đưa quân đến nơi an toàn, chúng tôi lại trở ra và tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp sức cho chiến trường. Đến cuối tháng Tư năm 1975, chúng tôi nhận được tin quân ta đã chiến thắng, miền Nam được giải phóng hoàn toàn, cả đội xe vỡ hòa niềm hạnh phúc. Hòa bình lập lại, tôi phục viên, chuyển ngành công tác. Trở về quê hương, tôi mới biết tin anh trai và em trai của mình đã hi sinh, vĩnh viễn nằm lại chiến trường."- ông Bùi Hồng Lĩnh xúc động.
Với nhiều thành tích trong quá trình làm nhiệm vụ, thương binh Bùi Hồng Lĩnh được khen tặng nhiều danh hiệu như: Dũng sĩ Trường Sơn quyết thắng (1973); Thanh niên quyết thắng (1975); Phiếu khen vì đã có thành tích trong đợt 1 vận chuyển chiến dịch chi viện cách mạng miền Nam toàn thắng (năm 1975) và đặc biệt là Giấy chứng nhận Lái xe "5 tốt": hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ vận chuyển tốt; Giữ xe tốt, dùng xe bền; Đạo đức, tác phong, kỷ luật tốt; An toàn tốt; Bảo vệ hàng hóa và tiết kiệm tốt...