Chuyện về một người mẹ Việt Nam anh hùng

Ở tuổi 90, mẹ Liền vẫn còn khỏe mạnh và mẫn tiệp. Ngoài thờ chồng thờ con là liệt sĩ, mẹ Liền còn hương khói thời phụng mẹ chồng, cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Đặng Thị Bân, người mẹ đã mất 2 người con trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Cuộc đời của mẹ Liền, người mẹ bên dòng sông Bến Hải này đã trải qua rất nhiều khổ đau, tưởng chừng như quá sức chịu đựng của một con người nhưng vẫn ánh lên niềm tin yêu, lạc quan với cuộc sống.

 Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đến thăm và tặng quà cho mẹ Liền dịp 30/4/2020 -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đến thăm và tặng quà cho mẹ Liền dịp 30/4/2020 -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Quá khứ mất mát

Mẹ Liền tên đầy đủ là Trần Thị Liền, hiện đang sống ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Ở vùng biển bãi ngang này, người dân tự hào khi có mẹ Liền, vì những cống hiến của gia đình mẹ cho cách mạng và vì thi thoảng lại có những đoàn cán bộ từ trung ương đến địa phương về với xã nghèo, thăm mẹ Liền. Ai cũng biết, để có được sự quan tâm đặc biệt đó, mẹ Liền đã phải đánh đổi rất nhiều. Có người nói, mẹ đã mất cả tuổi thanh xuân, chỉ còn những tháng năm chăn đơn gối chiếc vò võ một mình, nhọc nhằn nuôi các con khôn lớn; rằng mẹ cũng đã khóc hết nước mắt để khấn nguyện một ngày sẽ ôm được hài cốt đứa con trai đã hy sinh hàng chục năm trước ở mặt trận Tây Nam nhưng chưa bao giờ toại nguyện.

Mẹ Liền là một người phụ nữ chịu nhiều mất mát khi có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1968, xã đội trưởng xã đội Trung Giang Hoàng Đỏ, người chồng thân yêu của mẹ đã ngã xuống khi cùng trung đội dân quân du kích kiên cường chống trả trận càn của địch vào Trung Giang. Từ đó, mẹ ở vậy thờ chồng và nuôi 4 người con trai khôn lớn.

“Những trảng cát Trung Giang nóng cháy này đã in bao dấu chân và thấm đẫm những giọt mồ hôi của mẹ tôi, một người phụ nữ đơn thân, mưu sinh với con cá, con tôm trong từng buổi chợ, giữa buổi binh đao loạn lạc, để kiếm cơm nuôi con, thờ chồng. Bà bỏ ngoài tai những lời ong bướm, quên đi những mưu cầu bình dị của những phụ nữ bình thường...”, anh Hoàng Văn Lệ, con trai mẹ Liền xúc động nói.

Thế nhưng, 13 năm sau khi chồng qua đời, một lần nữa, mẹ Liền lại khóc cạn nước mắt khi hay tin con trai thứ hai của mình là anh Hoàng Văn Dinh đã ngã xuống vào năm 1981 ở biên giới Tây Nam. “Chồng hy sinh, tôi đau lắm. Nhưng ngày con trai lên đường nhập ngũ, tôi vẫn không hề cấm cản dù biết rất có thể mẹ con sẽ... chia ly. Đơn giản là vì cháu đi lo việc nước”, mẹ Liền nhớ lại.

Mẹ Liền không nghĩ mình đủ nghị lực để vượt qua nỗi đau mất chồng mất con lớn lao ấy. Chị Phan Thị Ngọc Thủy, con dâu của mẹ kể, mất mát luôn chứa đầy trong trí óc mẹ Liền, chỉ là bà cố giấu đi. “Có những thời điểm mẹ hầu như không ngủ, đặc biệt là đến ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 hay ngày giỗ của bố, của anh. Những lúc đó, tôi thường sang ngủ cùng giường với mẹ. Có lúc mẹ thiếp đi mà gỗi ướt đẫm, tôi chỉ biết ôm lấy mẹ”, cô con dâu hiếu thuận mà nhiều người ngỡ là con đẻ của mẹ Liền, kể.

Có lẽ, nỗi niềm của mẹ Liền phần nhiều là bởi hài cốt của con trai mình vẫn chưa được tìm thấy và nằm đâu đó ở vùng trời phía Nam của Tổ quốc. “Mẹ nguyện cầu trước khi nằm xuống đất có thể tìm thấy con trai của mẹ để đưa về nằm bên cha nó. Nhưng có lẽ giờ đã muộn rồi”, mẹ Liền nói.

Hiện tại nhiều tiếng cười

Mẹ Liền sống trong một ngôi nhà cấp 4, trên nền cát trắng, hướng ra bờ sông Bến Hải cùng gia đình anh Lệ. Ngôi nhà không quá khang trang nhưng sạch sẽ, tươm tất. Ở gian chính ngôi nhà treo nhiều bằng Tổ quốc ghi công và những khen thưởng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp của gia đình mẹ Liền. Bởi ngoài thờ chồng, thờ con, mẹ Liền còn thờ mẹ chồng, cũng là một Bà mẹ VNAH, bà Đặng Thị Bân. Ngoài con trai đầu Hoàng Đỏ, con trai út của mẹ Bân là Hoàng Ba cũng hy sinh cho cách mạng, chỉ cách nhau 3 năm.

 Nụ cười hồn hậu của Mẹ VNAH Trần Thị Liền -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Nụ cười hồn hậu của Mẹ VNAH Trần Thị Liền -Ảnh: NGUYỄN PHÚC

Người viết may mắn được lui tới nhà mẹ Liền khoảng hơn chục lần khi tháp tùng nhiều đoàn cán bộ đến thăm hỏi, tặng quà cho mẹ. Lần nào đoàn đến, mẹ cũng rất phần khởi. Chúng tôi cũng vui vì mỗi lần ra thăm, thấy mẹ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Con dâu mẹ, chị Thủy kể, cứ nghe đoàn nào tới thăm là đêm trước đó mẹ Liền mất ngủ, cứ mong đến sáng để sớm gặp mọi người...

Lạ thay, trong những phút trò chuyện, mẹ Liền không mấy khi nhắc lại quá khứ mất mát của mình. Mẹ dành phần nhiều thời gian để nói chuyện... tiếu lâm, bất kể đó là chuyện từ thời xửa xưa hay thời hiện tại. Giọng kể rổn rảng của mẹ vang lên trong gian nhà nhỏ, làm cho không khí của những buổi thăm viếng lúc nào cũng vui tươi. “Không người vợ nào quên cái chết của chồng, không người mẹ nào quên cái chết của con, nhưng chiến tranh cũng đã lùi xa rồi, mình phải cố để sống. Ông bà bảo “một nụ cười là mười thang thuốc bổ”, mẹ sống đến từng này tuổi rồi, tiếc gì thêm vài thang thuốc bổ với mình và với mọi người nữa”, mẹ Liền chia sẻ.

Nhớ dịp đầu năm 2020, Tỉnh đoàn Quảng Trị tổ chức chương trình “Bữa cơm tất niên, ấm lòng tình mẹ” (hoạt động đồng loạt về dọn dẹp, nấu cơm và ăn cùng các Mẹ VNAH trên địa bàn toàn tỉnh), các bạn đoàn viên, thanh niên cười vui với những câu đối đáp, yêu đời, yêu người của mẹ. Khi mâm cơm dọn ra, mẹ Liền khen lấy khen để “ngon hè, đẹp hè” rồi vờ gắp nhiều thức ăn vào bát mình và mọi người. Nhưng thấy mẹ không ăn nhiều, một đoàn viên thắc mắc, mẹ lại cười: “Mệ nói rứa cho mấy đứa có sức mà ăn, chớ mệ tra rồi, có ăn được mấy”.

Hay như câu chuyện khi mẹ Liền cùng 6 mẹ VNAH khác, đại diện cho 2.731 mẹ VNAH (còn sống 42 mẹ) của Quảng Trị ra Hà Nội dự gặp mặt đại biểu Bà mẹ VNAH toàn quốc 2020 dịp 27/7 vừa qua. Qua điện thoại, chị Huệ (cán bộ Sở Lao động-Thương binh&Xã hội Quảng Trị, người trực tiếp đưa các mẹ đi) kể, các mẹ hầu hết đều lưng còng, chân yếu, cần người dìu đi nhưng mẹ Liền thì không, mẹ đi lại thoăn thoắt, cười nói và kể chuyện suốt cả hành trình. “Ngoài tạo không khí vui vẻ bằng những câu chuyện cười, mẹ Liền còn giúp chúng tôi quán xuyến, nhắc nhở việc tắm rửa, ăn uống, ngủ nghỉ cho các mẹ VNAH khác”, chị Huệ nói. Nhắc về mẹ Liền, anh Nguyễn Khánh Vũ, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị tấm tắc: “Người ta nói, làm người khác cười phải rất thông minh. Riêng đối với một người mẹ, chịu nhiều mất mát như mẹ Liền mà vẫn vượt qua, để sống, để cười và để làm người khác cười thì còn hơn cả thông minh, quả đáng khâm phục”.

Nguyễn Phúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152374