Chuyện về ngọn lửa 'bất tử' cháy hơn 4.000 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại
Yanar Dag là một trong số những đám cháy tự phát thu hút sự chú ý của du khách trong hàng thiên niên kỷ.
4.000 năm bền bỉ
“Ngọn lửa này đã cháy 4.000 năm và chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Ngay cả mưa gió bão bùng, tuyết rơi trắng xóa thì nó vẫn không bao giờ ngừng cháy". Đó là lời khẳng định chắc nịch của nữ hướng dẫn viên du lịch Aliyeva Rahila khi cô dẫn phóng viên CNN đến thăm thú vùng đất kỳ lạ nhất thế giới - nơi có một ngọn lửa đã cháy hàng ngàn năm chưa tắt.
Những ngọn lửa ấy đã, đang và sẽ nhảy múa không ngừng nghỉ trên sườn đồi dài 10 mét, khiến không khí nóng càng thêm nóng.
Đó là ngọn lửa mang tên Yanar Dag – nghĩa là “sườn núi bốc cháy” – nằm trên bán đảo Absheron của đất nước Azerbaijan. Quốc gia này từ lâu đã trở thành điểm đến du lịch thú vị nằm giữa vùng Tây Á và Đông Âu.
Nhà thám hiểm người Ý, Marco Polo, đã viết về những hiện tượng bí ẩn khi ông đi qua đất nước này vào thế kỷ 13. Các thương nhân đi qua "Con đường Tơ lụa" cũng kể về cảnh tượng kỳ lạ mà họ bắt gặp khi đi qua Azerbaijan. Đó là lý do tại sao đất nước này có biệt danh là "vùng đất lửa".
Azerbaijan có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cực lớn và đó là lý do tại sao trên khắp đất nước luôn có những đám cháy bùng lên tự do. Yanar Dag cũng là một trong số những đám cháy tự phát thu hút sự chú ý của du khách trong hàng thiên niên kỷ.
Từ các lỗ hổng của những phiến sa thạch bao quanh khoảng 10m của sườn đồi, lửa bốc lên dữ dội, cao hàng mét và cháy liên tục. Sở dĩ Yanar Dag có thể cháy vĩnh viễn là bởi vì nơi đây dồi dào trữ lượng khí đốt thiên nhiên. Bên dưới mặt đất nơi Yanar Dag ngùn ngụt bốc lửa là một dòng khí đốt cực kỳ bền bỉ. Trừ khi dòng khí này bị cắt, Yanar Dag sẽ không bao giờ bị dập tắt.
Niềm tin từ xa xưa
Những đám cháy như vậy đã từng xuất hiện rất nhiều ở Azerbaijan, nhưng do chúng làm giảm áp suất khí dưới lòng đất, cản trở việc khai thác khí đốt phục vụ cho mục đích thương mại nên hầu hết đã bị người dân địa phương dập tắt.
Yanar Dag là một trong số ít những ngọn lửa vẫn chưa bị dập tắt và dần trở thành điểm đến du lịch thu hút sự chú ý của nhiều du khách.
Thời xa xưa, từ cuối thế kỷ VII trước Công nguyên, đã có lúc những ngọn lửa tự phát ấy đóng một vai trò quan trọng trong tôn giáo Zoroastrian cổ đại, được thành lập ở Iran và phát triển mạnh mẽ ở Azerbaijan trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Đối với người Zoroastrians, lửa là mối liên kết giữa con người và thế giới siêu nhiên, và là phương tiện để có thể đạt được sự hiểu biết và trí tuệ tâm linh. Nó thanh lọc, duy trì sự sống và là một phần quan trọng của sự thờ phượng.
Ngày nay, hầu hết du khách đến ngắm nhìn Yanar Dag với mục đích thỏa trí tò mò hơn là thỏa mãn niềm tin tôn giáo.
Trải nghiệm ấn tượng nhất là vào ban đêm, hoặc vào mùa đông. Hướng dẫn viên Rahila cho biết khi tuyết rơi, những bông tuyết bị sức nóng của ngọn lửa làm tan luôn trong không khí mà không kịp chạm đất.
Một số ý kiến cho rằng ngọn lửa này đã cháy suốt từ thời cổ đại. Song cũng vẫn có ghi chép cho rằng Yanar Dag chỉ mới được thắp sáng gần đây, vào một buổi nào đó của thập niên 1950 do sự sơ ý của một người chăn cừu.
Ở Azerbaijan còn có một ngôi đền lửa mang tên Ateshgah. Nơi đây thờ Thần Lửa đặc biệt quan trọng của tín ngưỡng Hỏa giáo tại đất nước này. Các nghi lễ đốt lửa tại địa điểm này có từ thế kỷ thứ 10 hoặc sớm hơn. Cái tên Ateshgah bắt nguồn từ tiếng Ba Tư có nghĩa là “ngôi nhà của lửa” và trung tâm của khu phức hợp là một điện thờ có mái vòm, được xây dựng trên một lỗ thông khí tự nhiên.
Đền lửa Ateshgah được xây trên chính một lỗ thoát khí đốt tự nhiên. Vì vậy, nó từng có một bàn thờ rực cháy vĩnh viễn.
Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, Ateshgah bị bỏ hoang, không còn được sử dụng làm nơi thờ cúng. Trải qua gần một thế kỷ khai thác dầu khí tràn lan, vào năm 1969, ngọn lửa vĩnh cửu trên bệ thờ vẫn bị tắt. Đến nay, nó đã được tái thắp bằng khí đốt được dẫn qua từ thành phố gần đó.
Giờ đây, cả Đền Lửa Ateshgah lẫn Yanar Dag đều không còn vai trò tôn giáo linh thiêng như thuở xưa nữa.
Vào năm 1975, Azerbaijan quyết định biến khu phức hợp ngũ giác này thành một bảo tàng. Tới năm 1998, Ateshgah được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Kể từ lúc này, nó mới trở nên cuốn hút, thường xuyên đón khoảng 15.000 du khách ghé thăm mỗi năm.