Chuyện về người cha đặc biệt
'Mỗi ngày mình làm việc tốt thì tối đến giấc ngủ rất ngon. Nếu cả cuộc đời này làm nhiều việc tốt thì đến lúc ra đi khỏi trần thế, mình sẽ thấy nhẹ nhàng và bình yên'.
Đó là lời chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt (phường Kim Mã, quận Ba Đình) - người đã dành tâm sức, tiền của để nuôi dưỡng, dạy dỗ nên người hơn 300 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. Ông vừa được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2024.
Người chiến sĩ biên phòng
Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt (sinh năm 1952) sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1972, chàng thanh niên Nguyễn Trung Chắt học xong cấp 3, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), đồng chí Chắt được phân công công tác tại Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh.
Kể về những ngày tháng đó, đồng chí Chắt nhớ rõ: “Cuối năm 1974, tôi được cử đi học về kỹ thuật thông tin tại Trường Kỹ thuật thông tin quân đội. Năm 1975, tôi cùng đội ngũ kỹ thuật tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp tham gia cánh quân tiếp quản Bà Rịa - Vũng tàu, Trường Thông tin của quân đội ngụy quyền tại Vũng Tàu, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Năm 1978, đồng chí Chắt công tác tại Phòng Thông tin, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sau đó lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1983, đồng chí làm việc tại Tổng cục An ninh (Bộ Công an)...
Sau 26 năm công tác, đến năm 1998, ông Chắt nghỉ hưu.
Khi trở về cuộc sống đời thường, với tấm lòng nhân hậu, ông Nguyễn Trung Chắt đã dành tâm huyết xây dựng ba trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập để nuôi dạy trẻ mồ côi. Đó là Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; Trung tâm Hy vọng Lộc Bình huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm Hy vọng Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, với tâm nguyện là giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt hơn.
Ông bố của hơn 300 đứa con
“Trước khi thành lập trung tâm vào năm 2003, tôi đi thăm một số nơi đang làm và thấy có nơi đặt tên là trại trẻ mồ côi, có nơi đặt là mái ấm tình thương. Tôi suy nghĩ, các cháu đã thiệt thòi, một ngôi nhà mới lại được đặt tên như thế thì các cháu không tránh khỏi tủi thân, mặc cảm nên tôi quyết định đặt tên là Trung tâm hy vọng, để các cháu luôn hy vọng vào những điều tốt đẹp”, ông Chắt chia sẻ.
Từ đó, hàng trăm mảnh đời bé nhỏ đã được người cha nuôi che chở, nâng bước, yêu thương, đùm bọc. Đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, các trung tâm của ông đã nuôi dạy 301 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, hơn 200 em đã trưởng thành, tự lập. Điều đáng nói là các em đều được đi học, được phát triển cả về thể chất, tinh thần như những trẻ em khác trong xã hội. Nhiều em đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, khi ra trường ông lại lo việc cho các em. Hiện nay, nhiều em đã trở thành công an, bộ đội, y sĩ, giáo viên…
Kể về hành trình nuôi dạy hơn 300 đứa con, ông nói: “300 cháu, mỗi cháu một hoàn cảnh, có cháu thì mất cả bố cả mẹ; cháu thì bố mất, còn mẹ nhưng người mẹ bị bệnh, không có điều kiện, sức khỏe để nuôi dưỡng các cháu. Độ tuổi để tôi nhận vào trung tâm nuôi dạy là từ 6 đến 12 tuổi, nhưng có trường hợp đặc biệt tôi nhận từ lúc mới lọt lòng, có các cháu còn là anh chị em ruột…”.
“Tôi dạy các cháu bằng cách viết ra những “khẩu hiệu”. Ví dụ, trong nhà ăn, tôi dán khẩu hiệu rất to “Sạch sẽ là mẹ của sức khỏe”, để các cháu có ý thức giữ gìn sạch sẽ nơi mình sinh hoạt”.
Ông Nguyễn Trung Chắt chia sẻ
Không chỉ cho các con đi học văn hóa mà ông Chắt luôn dạy con phải học làm người tử tế trước. Tới Trung tâm hy vọng của ông Chắt, sẽ bắt gặp những tấm biển, như: “Yêu lao động sẽ nâng cao phẩm giá con người”, “Lười biếng luôn gắn liền nghèo đói và tội phạm”, “Học đạo đức làm người trước, học kiến thức văn hóa sau”.
Không phải treo khẩu hiệu là xong, để nuôi dạy những đứa trẻ vốn không có nền tảng giáo dục của gia đình, ông luôn gần gũi, nắm bắt tâm lý, chia sẻ cùng trẻ... Ông Chắt cho rằng, mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh, một tính cách khác nhau. Có em ngoan, nhưng cũng em còn bướng bỉnh. Quá trình nuôi dưỡng, phải vừa dạy, vừa dỗ bằng tất cả tình yêu thương chân thành.
“Con ở nhà còn có mẹ, chứ con ở trung tâm có mẹ nào đâu. Nếu tôi không đến, sợ rằng xảy ra điều bất ổn, thì sau này mình sẽ ân hận. Tôi nghĩ rằng, mình làm tất cả các công việc như một người cha đối với người con thì cuộc đời các cháu sẽ thay đổi”, ông Chắt nói.
Hiện ở ba trung tâm còn gần 100 trẻ đang được nuôi dưỡng. Vợ ông kể rằng, đang đêm mà nghe nói ở trung tâm có con bị ốm là ông lại đi ngay, dù lúc đó là 1 hay 2h sáng.
Bên cạnh đó, ông duy trì cho các con ở trung tâm sinh hoạt, học tập, làm việc theo nếp sống sinh hoạt như bộ đội. Sáng dậy sớm tập thể dục, ăn sáng, đi học hoặc lao động, sản xuất, trồng rau xanh, chăn nuôi để lấy thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày. Chính vì vậy, các con yêu lao động, chăm ngoan học tốt, tiến bộ, trưởng thành mỗi ngày.
Tâm nguyện và việc làm của ông đều được mọi thành viên trong gia đình ủng hộ và hưởng ứng. Tuy nhiên, để quản lý tới ba trung tâm nuôi dạy trẻ, nhiều đêm ông Chắt đã phải thức trắng. Chưa kể, mỗi tháng, ông phải đi lại cả nghìn ki lô mét để về sinh hoạt, ăn ở cùng các con và dạy dỗ chúng. Hiện tại mỗi tháng, tiền nuôi gần 100 trẻ, mỗi trẻ tối thiểu 2,5 triệu đồng, tổng cộng đã khoảng 250 triệu đồng. Ông bảo nếu chỉ nghĩ đến tiền thì không thể làm được.
Trong hơn 20 năm hoạt động, nguồn kinh phí vận động được từ xã hội hóa chiếm khoảng 50%, còn lại ông Chắt bỏ tiền túi. Để có những khoản tiền này, toàn bộ tiền lương hưu và tiền cho thuê căn nhà ở phố Núi Trúc, quận Ba Đình được ông chi phí hết cho bọn trẻ. Tháng nào xin được tài trợ gạo hay thức ăn đủ nuôi, ông lại tiết kiệm tiền để sửa chữa, mua thêm đồ dùng sinh hoạt. Đã có lúc ông cũng phải xoay xở, làm thêm việc nọ, việc kia, chạy taxi…, để có nguồn kinh phí lo cho các con.
Cứ như thế, nhiều em lớn lên từ Trung tâm hy vọng đã trưởng thành, giỏi giang, tiếp bước ông chăm lo cho đàn em. Các em đều nói rằng, mặc dù, bác Chắt không phải là người sinh ra chúng em, nhưng bác là người cho chúng em cuộc sống. Bác như một người cha, người mẹ trong gia đình. Nếu như không có bác Chắt, chúng em không có ngày hôm nay và tương lai sau này, không có cơ hội để phát triển.
Anh Ngô Quốc Hưng được ông Chắt nhận vào trung tâm năm 13 tuổi. Bố anh Hưng mất sớm, để lại 8 người con, mẹ thì ốm đau, nên không có khả năng nuôi dưỡng. Sau 20 năm gắn bó với trung tâm, hiện anh Hưng đã trở thành lãnh đạo, giúp người "cha già" quản lý các trung tâm.
Nói về ông bố vĩ đại của mình, anh Hưng bày tỏ: “Nếu mà không có bác Chắt thì có lẽ tôi không dám mơ đến việc học xong trung học phổ thông chứ không phải là học đại học rồi tiếp tục học xong thạc sĩ như bây giờ. Tôi học ở bác nhiều điều quý giá. Tôi mong có thể tiếp nối được công việc của bác, phát triển trung tâm bền vững để giúp đỡ được nhiều các em”.
Ông Chắt cũng đã tự tay tổ chức đám cưới cho 2 người con ngay tại trung tâm. Chị Nông Thị Duyên là người con được ông tất tả lo toan cưới hỏi như con gái của mình. Chị Duyên bày tỏ: “Tôi rất tự hào về bác. Bác như người cha, thương con hết mực. Bác nuôi tất cả các em, lo hết từ cơm áo gạo tiền, đến học hành. Tôi nghĩ là bố mẹ cũng không thể làm được như vậy, bác là tấm gương để tôi và các em khác noi theo, cố gắng học tập để không phụ công ơn của bác”. Ông Chắt cũng cho biết, chị Duyên mới nghỉ sinh con đầu lòng, mẹ tròn con vuông, ông vui lắm.
Với sự tận tâm cống hiến 22 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020, Giải thưởng Tình nguyện quốc gia, Bằng khen của Trung ương Đoàn và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn năm 2019, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên năm 2020, Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2021... Mới đây, ông vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2024.
Tự hào về người hội viên cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Kim Mã (quận Ba Đình) Lê Đức Hạnh nói: "Đồng chí Nguyễn Trung Chắt là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, một tấm gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của quận Ba Đình và phường Kim Mã. Trong thời chiến tranh, đồng chí là chiến sĩ dũng cảm, trong thời bình, những đóng góp to lớn của đồng chí cho xã hội, cho địa phương, Thủ đô và đất nước trong sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người rất đáng quý và khiến mọi người khâm phục, kính trọng và noi theo”.
Về người cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt còn nhiều điều, nhiều việc để kể không hết. Chỉ biết số tiền mà ông Chắt gây dựng Trung tâm hy vọng và đóng góp cho công tác an sinh xã hội đến giờ là hơn 20 tỷ đồng, trong đó cá nhân ông là hơn 10 tỷ đồng. Nhưng điều trân quý hơn cả là thành quả ông vun trồng cho đời, cho những trẻ em không may mắn suốt hai thập kỷ qua...
“Cuộc đời này rất ngắn ngủi, có được nhiều thời gian và khỏe mạnh thì mình càng làm được nhiều việc tốt đẹp hơn".
Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt
“Tôi chỉ mong muốn có sức khỏe và thời gian. Cuộc đời này rất ngắn ngủi, có được nhiều thời gian và khỏe mạnh thì mình càng làm được nhiều việc tốt đẹp hơn. Điều mong nữa là các cháu ở trung tâm lớn lên, trưởng thành có thể giúp đỡ được nhiều người khác. Và các con, cháu của tôi sau này có thể nối tiếp công việc của cha, ông để giúp cho xã hội, giúp cho người khó khăn hơn mình. Ai cũng có một cuộc đời, làm được nhiều điều tốt thì có ý nghĩa hơn”, cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt bày tỏ.
Mùa Xuân, mùa của niềm hy vọng đang tới. Tin rằng, hơn 300 người con của ông Nguyễn Trung Chắt được nuôi dưỡng bởi sự tử tế, lớn lên bằng niềm hy vọng lớn lao, sẽ lan tỏa tình yêu thương, lòng nhân ái, để xã hội ngày càng tươi đẹp, hạnh phúc.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuyen-ve-nguoi-cha-dac-biet-691711.html