Chuyện về người hùng mở đường băng cản lửa cứu rừng
'Nhiều cây thông đã có gần 40 tuổi đời, phải cắt chúng đi, tôi xót lắm. Tôi thương cây nhưng vẫn phải làm vì hy sinh một cây để cứu cả rừng cây', đó là chia sẻ của ông Đậu Văn Tiến khi nhớ lại những khoảnh khắc phải tự tay cắt những cây thông già trong vụ cháy rừng tại huyện Nghi Xuân cuối tháng 6 vừa qua.
Quả chanh, nhúm muối và hai ngày nỗ lực diệt “giặc lửa”
Ông Đậu Văn Tiến (sinh năm 1966, xóm 8, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được người dân Nghi Xuân ví như một người hùng vì trong suốt hai ngày đêm đã nỗ lực, tình nguyện cắt cây, tạo nên hàng nghìn mét đường băng cản lửa cứu rừng. Cùng với các lực lượng khác, ông Đậu Văn Tiến đã góp phần không nhỏ trong việc chữa cháy rừng và ngăn không cho đám cháy lan rộng sang những vùng khác.
Nhớ lại giây phút nhận được thông tin cháy rừng, ông Tiến kể: “Lúc ấy tôi đang nghỉ trưa thì nhận được cú điện thoại từ một số lạ yêu cầu hỗ trợ chữa cháy rừng. Không kịp suy nghĩ, tôi lấy cưa xăng và các vật dụng cần thiết phóng xe máy đi ngay. Từ nhà tôi lên đến điểm phát cháy đầu tiên dài hơn 12 km, trời trưa vắng nhưng tôi chỉ suy nghĩ làm sao đến nơi thật nhanh để cùng giúp sức với mọi người”.
Điểm đầu tiên ông Tiến tiếp cận là ở khu vực đồi thông gần cây xăng dầu Xuân An, nơi đang có đông lực lượng bộ đội tiếp cận chữa cháy. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề cắt cây và am hiểu về rừng của mình, ông Tiến suy nghĩ, giờ chỉ còn cách giải phóng cây, làm đường băng cản lửa, ngăn không cho đám cháy lan rộng. Nghĩ là làm, ông Tiến cầm máy cưa phăng phăng đi trước cắt cây để lực lượng bộ đội tiến hành thu dọn thực bì, cây cối, làm rộng các đường băng cản lửa.
Ông Tiến nhớ lại: “Các chú bộ đội đã hỗ trợ tôi hết sức để cùng tôi làm đường băng cản lửa. Khi cần xăng, tôi ra hiệu là các chú tiếp tế xăng cho tôi ngay để công việc không bị gián đoạn. Đồng chí chỉ huy của lực lượng bộ đội cùng tác chiến với tôi suốt mấy ngày mà đến nay vẫn chưa kịp hỏi tên, luôn động viên và nhắc nhở tôi đảm bảo an toàn tính mạng”.
Ông Tiến không nhớ nổi bình cưa của ông đã được tiếp thêm xăng bao nhiêu lần, làm xong ở khu vực này ông lại lao sang nơi khác. Khu vực bị cháy rừng ở rất gần khu dân cư, quốc lộ, nên nếu không nhanh, lửa sẽ bén xuống nhà dân và các cây xăng dầu ở gần đó.
Trong suốt hai ngày đêm bám trụ ở hiện trường, nỗ lực làm đường băng cản lửa, thứ đã giúp ông vượt qua cơn khát để vững vàng tay cưa là mấy quả chanh và nhúm muối xin ở một nhà hàng. Ông Tiến chia sẻ: “Đây là bí quyết của tôi để không bị kiệt sức khi làm việc trong điều kiện gấp gáp, lửa nóng bao vây như vậy. Khi khát, chỉ cần ngậm một miếng chanh và ít muối là cơn khát sẽ qua đi, vì tôi lo lúc nguy gấp như vậy mà uống nước nhiều thì sẽ lả đi, không tiếp tục làm việc được”.
Đối mặt với cái nắng khốc liệt, lửa táp bỏng rát và có lúc cưa đứt tung xích, làm tay, chân ông bị thương, nhưng ông vẫn không hề kêu than, lặng lẽ tự băng bó vết thương rồi lại tiếp tục làm việc.
Từ chối mọi khoản thù lao
Bản thân là một cựu chiến binh, rời quân ngũ trở về đời thường lam lũ với đồng ruộng, cưa xăng vốn là nghề tay phải của ông Tiến. Sau khi xong việc, lửa đã cơ bản được khống chế, không ít người dân và chính quyền huyện Nghi Xuân mong muốn gửi ông chút quà cảm ơn, nhưng ông kiên quyết không nhận.
Là người đồng hành cùng ông Đậu Văn Tiến trong suốt hai ngày đêm tham gia “cứu rừng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, ông Phạm Tiến Hưng xúc động: “Bác Đậu Văn Tiến là một tấm gương quả cảm trong những ngày qua. Từ khi anh em gọi lên để tham gia chữa cháy rừng, bác đã tiên phong cùng bộ đội tạo hàng nghìn mét đường băng cản lửa. Bác sẵn sàng quên ăn, chỉ với mấy quả chanh, nhúm muối cầm cự để bao nhiêu sức lực cho việc cưa cắt, ngăn không cho đám cháy lan rộng. Cảm phục công sức của bác, anh em chúng tôi gửi bác chút quà nhưng bác kiên quyết không hề nhận”.
Ông Tiến chia sẻ: “Trước giờ, trong làng, trong xóm có việc gì là tôi đều chạy ngay. Chỉ cần làm được việc là tôi làm, tôi cũng không mong chờ được biểu dương hay cảm ơn gì cả”.
Là nông dân nhưng cả 4 người con của ông Đậu Văn Tiến đều được ăn học “đến nơi đến chốn”. “Khi biết tin về việc làm của cha, các con tôi dù đang làm việc, học hành ở xa cũng đều gọi điện về động viên. Đối với tôi, đó là niềm hạnh phúc nhất rồi”, ông Tiến chia sẻ.