Chuyện về người may cờ Tổ quốc suốt 15 năm để treo bên bờ Hiền Lương lịch sử
Dù chiến tranh khốc liệt, cầu đường bị đánh phá hư hỏng, ông Lãng cùng đồng đội vẫn đi xe đạp ra Hà Nội xin duyệt cấp vải may cờ. May được cờ, treo được cờ là nhiệm vụ khó khăn, bảo vệ ngọn cờ ấy càng khó khăn hơn.
"Duyên định" thành chiến sĩ may cờ
Những ngày này, khi cả đất nước đang hòa niềm vui kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi lại nhớ đến giai đoạn đất nước chia đôi bởi sông Bến Hải (vĩ tuyến 17), nhớ đến lá cờ tổ quốc luôn tung bay trên giới tuyến lịch sử - cầu Hiền Lương.
Nhân dân hai miền Nam – Bắc mất gần 21 năm với bao hy sinh, mất mát mới có được ngày thống nhất, đoàn tụ. Trong giai đoạn lịch sử ấy, để Quốc kỳ mãi tung bay bên bờ Hiền Lương, có một người lính được giao trọng trách chuyên tâm may cờ Tổ quốc. Ông là Nguyễn Đức Lãng (SN 2/9/1937), hiện trú phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Ông Nguyễn Đức Lãng, người may cờ Tổ quốc trên chiến tuyến cầu Hiền Lương năm xưa. Ảnh Nguyễn Lê
Nhà ông Lãng ở cuối kiệt 150, đường Hàm Nghi, TP Đông Hà, từ nhiều năm qua là địa chỉ dừng chân của không ít du khách trong và ngoài nước khi về tham quan Quảng Trị, nhất là tìm hiểu về dòng sông Bến Hải, về cầu Hiền Lương lịch sử. Dẫu tuổi cao nhưng ông Lãng hiện vẫn còn minh mẫn, tinh anh.
Là con thứ 2 trong gia đình nông dân có 3 chị em ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Khi lên 6 tuổi, bố mẹ ông Lãng qua đời, 3 chị em đùm bọc, dìu nhau lớn khôn. Hoàn cảnh ấy đủ thấy cậu bé Lãng đã có một tuổi thơ cơ cực và cuộc sống khốn khó đến thế nào. Lớn lên ông Lãng được học và làm công nhân may trong một hợp tác xã may mặc ở miền Nam.
Sau khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến lịch sử, đất nước tạm thời chia cắt theo Hiệp định Genève (21/7/1954), chàng trai Nguyễn Đức Lãng vượt tuyến từ vùng đất Cam Lộ ra Bắc, tức bờ bắc sông Bến Hải để về làm ở Ban Hậu cần, Công an Nhân dân vũ trang Vĩnh Linh (tiền thân của lực lượng Bộ đội Biên phòng).
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên với chàng trai Cam Lộ này là nhận cờ Tổ quốc từ Quân khu 4 để về treo tại cột cờ Hiền Lương.
Cờ được treo bên bờ Hiền Lương là cờ khổ lớn khiến cờ dễ bị thời tiết tác động làm rách. Cùng với đó là việc bị tấn công phá hoại nên số lượng cờ Tổ quốc luôn phải chủ động để thay thế. Sau khi “biên chế” vào bộ phận phụ trách quân trang quân dụng, biết có nghề may, ông Lãng được cấp trên giao hẳn phụ trách việc may cờ. Từ đó ông Lãng là người duy nhất chuyên tâm may cờ treo ở cột cờ Hiền Lương.

Lễ thượng cờ bên bờ Hiền Lương trong ngày hội thống nhất non sông. Ảnh Nguyễn Lê.
May được cờ, treo được cờ là nhiệm vụ khó khăn, bảo vệ ngọn cờ ấy càng khó khăn hơn. Có lúc cột cờ bị đánh phá làm gãy các chiến sĩ phải tìm cây phi lao cao lớn để tạm thay thế, tiếp tục treo cờ lên. Những cuộc “so cờ” của hai miền “Nam – Bắc” lúc ấy tựa “mặt trận không tiếng súng”. Để lá cờ đỏ sao vàng thường xuyên tung bay trên bờ Hiền Lương lịch sử là rất nhiều vất vả, hy sinh không sao kể xiết.
“Bên mình may to, thì bên chính quyền miền Nam may to hơn, mình may to hơn thì họ may to hơn nữa... Theo nguyện vọng của bà con Nam sông Bến Hải thì bà con rất mong lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc luôn tung bay bên bờ Hiền Lương để ngày ngày họ nhìn thấy, tin tưởng và hy vọng...”, ông Lãng kể lại.

Cầu Hiền Lương sau ngày hòa bình lập lại năm 1954. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Đầu những năm 1960, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, việc nhận cờ từ Quân khu 4 để về treo ở giới tuyến gặp vô vàn khó khăn. Ông Lãng được giao may cờ nhưng để có được vải may cờ, ông Lãng phải ra tận Hà Nội trình kế hoạch, xin duyệt vật tư. Chiến tranh khốc liệt, đường sá, cầu phà bị đánh phá hư hỏng, hiểm nguy, nên ông Lãng phải đi xe đạp, cơm đùm gạo bới mắm muối từ Vĩnh Linh, theo đường giao liên băng rừng lội suối để ra Hà Nội.
Mỗi năm đi một hai lần và kéo dài 3-4 năm như vậy. Mỗi lần đi Hà Nội, ông Lãng phải đi cùng một người đồng chí của mình để tương trợ. Mất 5 – 7 ngày vượt qua bao hiểm nguy bom đạn, rừng thiêng nước độc, ông Lãng cùng đồng chí của mình mới đạp xe ra đến Thủ đô để trình kế hoạch, nhu cầu, số lượng, chủng loại vải may cờ...
Sau khi Bộ Nội thương, Cục Hậu cần Công an Nhân dân vũ trang duyệt, ông Lãng mới đạp xe quay về Vĩnh Linh.
“Vải may cờ nhận ở Ty thương Nghiệp đặc khu Vĩnh Linh, nhưng kế hoạch, số lượng phải được phê duyệt. Gian nan vô cùng mà cũng tự hào vô cùng”, ông Lãng xúc động.
Theo ông Lãng, cờ Hiền Lương lớn nhất trong những năm tháng lịch sử ấy là 96 m2, treo trên cột cờ chiều cao 38,6 m. Đây cũng là lá Quốc kỳ lớn nhất ở giới tuyến lịch sử mà ông từng may.
Để may được lá cờ ấy, phải dùng khổ vải đỏ dài 122 mét, 10 mét vải vàng. Độ dài lá cờ từ điểm A sang điểm B là 12m; bề ngang là đúng 8m (12m x 8m). Khi đo, cắt phải chừa ra 2 cm để gấp lại làm trục trên và trục dưới của lá cờ, đảm bảo cờ chắc chắc, dễ luồn dây. Riêng phần ngôi sao vàng sải cánh 4,8 m, tỷ lệ phải phù hợp và đúng quy chuẩn. Để chắc chắn, chịu được sức gió mạnh ông Lãng may đi may lại 3 - 4 đường chỉ bằng nilon.

Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trong ngày lễ trọng đại. Ảnh Nguyễn Lê.
Trung bình mỗi năm ông Lãng may 12 lá cờ, nhưng để có số cờ dự trữ, có năm may 24 - 30 lá. Đặc biệt để đảm bảo bí mật, an toàn, việc may Quốc kỳ nhiều lúc phải thực hiện dưới những căn hầm trú ẩn, bên trên có ngụy trang để đối phương không phát hiện, bị ném bom hay đánh phá.
“Có lúc may không kịp thì phải nhíp (khâu) cờ cũ để dùng tạm. Tuyệt đối không để cột cờ trống vắng.”, ông Lãng nhớ lại.
Ông Lãng đảm nhận nhiệm vụ may cờ trong gần 15 năm, từ năm 1959 đến tháng 3/1974. Ngoài đại kỳ treo ở bờ Hiền Lương, ông Lãng còn may những lá cờ cỡ nhỏ hơn (khổ 4x6m) phục vụ cho các đồn biên phòng...
“Cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng, là linh hồn của dân tộc. Nhìn thấy cờ không chỉ là niềm tự hào, mà còn là niềm tin chiến thắng, vào ngày đất nước độc lập, thống nhất.”, ông Lãng nói.
Sức mạnh “lòng người”
Khoảng tháng 4/1974, ông Lãng thôi nhiệm vụ may cờ do đi vào chiến trường miền Nam. Sau 30/4/1975, đất nước thống nhất, ông Lãng tiếp tục phục vụ trong lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang tại Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa) một thời gian nữa rồi mới về quê cùng với vợ con. Gia đình ông Lãng ở phường 5, TP Đông Hà.

Cột cờ Hiền Lương bên bờ sông Bến Hải ngày nay. Ảnh Nguyễn Lê.
Vợ chồng ông Lãng sống với đồng lương hưu khiêm tốn nhưng gia đình rất hạnh phúc. Họ có 3 người con trai, gái, 7 cháu nội ngoại. Con cháu được học hành thành đạt.
50 năm trôi qua với nhiều biến chuyển của đất nước. Chúng tôi mạo muội hỏi ông rằng, đất nước những ngày này đang nói đến “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, vậy theo ông cái gì là sức mạnh để dân tộc ta thực hiện thắng lợi mục tiêu này? Ông Lãng nói ngay đó là “lòng người”.
“Lòng người, lòng dân, sự đoàn kết chính là sức mạnh vô cùng lớn lao của dân tộc, của đất nước.”, ông Lãng nói.