Chuyện về người may cờ treo ở Kỳ Đài Huế
Đến lầu may ở chợ Đông Ba, tìm người nhận may cờ Tổ quốc với số lượng lớn, tôi được giới thiệu đến 'tiệm may' bà Hạnh.Vinh dự hơn, khi bà cũng chính là người may những lá cờ treo ở Kỳ Đài Huế.
Gọi là tiệm may cho oai, đúng hơn, trên nền diện tích tầm hai mét, chỉ đủ để bà Hạnh đặt bàn máy may. Chật chội là vậy, song gần 40 năm nay ngày nào bà cũng có việc để làm, nghĩa là có thu nhập nuôi các con ăn học. Nhớ lại những ngày đầu gắn bó với nghề, bà kể bản thân may được các loại áo quần, nhưng thích nhất vẫn là may cờ. Với bà Hạnh, may cờ không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là sự đam mê với nghề. Nghề may cờ không đem thu nhập cao cho bà Hạnh nhưng công việc trở nên bận rộn trước ngày lễ lớn, như: Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2/9; khai giảng năm học mới hay Tết cổ truyền dân tộc…
Với tay nghề khéo léo, bà Hạnh được nhiều người tin tưởng, nhất là các cơ quan, đoàn thể ở khắp nơi đều tìm đến bà để đặt hàng. Ngoài ra, mỗi ngày bà may khoảng 20 lá cờ nhỏ cho các gian hàng trong chợ Đông Ba, mỗi lá cờ có tiền công 2.000 đồng/lá, ngày nào làm nhiều cũng kiếm được 50.000 đồng/ngày. Còn ngày nào làm cờ có kích cỡ lớn thì thu nhập khá hơn với tầm 100.000 đồng/ngày. Theo bà Hạnh, may cờ Tổ quốc không khó nhưng phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn vải đến may đo, cắt, chèn sao, khâu vá.
Không nhiều thợ ở Lầu May chuyên may cờ Tổ quốc như bà Hạnh. Bởi, mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ, làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà còn phải sắc nét, bền đẹp, nếu tính toán không chuẩn thì sẽ hỏng cả lá cờ. Phải là ai thực sự đam mê mới gắn bó được với nghề. Quan trọng nhất trong may cờ vẫn là khâu chọn vải. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, bà có thể lựa chọn vải từ bình dân đến chất lượng cao. Muốn lá cờ bay đẹp, không bị nhăn, bị nhàu, chất liệu phải bền, có sức chịu đựng nắng mưa tốt, giúp màu cờ giữ lại theo thời gian được lâu. Bà thường sử dụng 3 loại vải chủ yếu, đó là vải phi mờ, phi bóng và vải nilon.
“Cờ được làm nhiều kích cỡ, tùy nhu cầu của khách nhưng đều tuân thủ nguyên tắc chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, ngôi sao 5 cánh màu vàng ở giữa. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài của lá cờ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo. Cờ Tổ quốc phải được may bằng 2 đường chỉ chắc chắn và đảm bảo độ bền. Không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp. Lá cờ khi đã treo lên là biểu tượng của đất nước, thể hiện sự trang nghiêm và tự hào”, bà Hạnh say sưa kể.
Không chỉ may cờ Tổ quốc, bà Hạnh cũng đã có 15 năm đảm nhận công việc may cờ ở Kỳ Đài Huế. Lá cờ ở Kỳ Đai có chiều dài 12 m, chiều rộng 8 m, ngôi sao vàng cao đến 4 m, tổng cộng hết khoảng trên 130 m2 vải. Mỗi năm, bà đảm nhận may 12 lá cờ treo ở Kỳ Đài. Bà bảo, may lá cờ to như vậy phải làm cật lực suốt 2 ngày đêm. Mỗi lần may cờ, bà phải mượn hội trường để căng vải, rồi dùng kim lược tay lá sao để áp vào cho chuẩn. Cái khó nhất của việc may cờ treo ở Kỳ Đài là việc cắt, may ngôi sao vào lá cờ. Nếu cánh sao bị lệch tâm với lá cờ sẽ rất xấu và không thể hiện được ý nghĩa của lá Quốc kỳ. Bà không muốn nhờ người phụ giúp, đích thân mình làm các công đoạn mới thấy yên tâm.
Nghề may cờ không mang lại lợi nhuận cao như may quần áo nhưng với bà Hạnh cứ cảm thấy lâng lâng niềm vui khó tả khi những lá cờ mình may được treo ở những nơi trang trọng nhất trong gia đình, nơi Kỳ Đài Huế, theo ngư dân vươn khơi bám biển hay tung bay trên các tuyến phố nhân các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương… Mỗi lá cờ biểu tượng cho hồn thiêng dân tộc. Và, bà Hạnh cũng đã kịp truyền nghề cho cô con gái khi thấy con mình hội tụ được sự khéo léo cẩn thận mà người may cờ cần có./.