Chuyện về người nữ cán bộ Kiểm lâm
Là người có cá tính mạnh mẽ, thái độ làm việc quyết đoán, dũng cảm, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, chị Hà đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mới đây, chị được bổ nhiệm chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh.
Chị Hà kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm đáng nhớ. Ở xã Suối Ngô có một đối tượng phá rừng chuyên nghiệp, đã bị xử phạt hành chính khoảng 10 lần vì hành vi xâm phạm rừng.
Sau một thời gian bị canh gác nghiêm ngặt, đối tượng này không hoạt động được nữa. Quá bức xúc, có lần xỉn rượu, đối tượng này xông thẳng vào phòng làm việc của chị để gây sự. “Đối tượng xông vào phòng làm việc quát tháo ầm ĩ.
Trước tình hình đó, tôi bình tĩnh gọi điện thoại cho một nhân viên cùng cơ quan đến, dùng điện thoại quay phim lại sự việc. Sau đó, tôi từ tốn giải thích những quy định về bảo vệ rừng. Người dân này có ý định hành hung tôi, nhưng nhìn thấy có nhân viên khác quay phim nên thôi, đi ra khỏi phòng”.
“Một lần đi họp về công tác bảo vệ rừng toàn quốc ở Thủ đô Hà Nội, có người hỏi tôi đi đâu, tôi bảo đi họp. Chẳng ai tin. Họ nói, xưa nay “chủ rừng” đều là đàn ông chứ làm gì có phụ nữ? Tôi xuất trình thư mời cùng những giấy tờ liên quan. Họ xem xét kỹ rồi cho tôi vào”- chị Trần Thị Ngân Hà- Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng bắt đầu buổi chuyện trò với chúng tôi bằng câu chuyện vui trong nghề như thế.
Gần 4 năm trước, khi tình hình bảo vệ rừng ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu) diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp cất nhà, cất chòi trái phép trong rừng và nạn trộm cắp lâm sản thường xuyên, nữ cán bộ Trần Thị Ngân Hà từ Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh được điều động đến giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.
“Những ngày đầu đến nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới, tôi rất bỡ ngỡ, nhưng được sự ủng hộ của gia đình, sự động viên của các anh, chú lãnh đạo cấp trên, sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng trên địa bàn, tôi rất yên tâm công tác”- chị Hà nhớ lại.
Qua một thời gian thực tế, chị nhận định nhiệm vụ của mình sẽ gặp không ít khó khăn. Địa bàn quản lý rộng, người dân lợi dụng lấn rừng trồng nên công tác bảo vệ rừng vô cùng gian nan, vất vả.
Trước tình hình đó, chị Hà bố trí lực lượng bảo vệ rừng thành những tổ, nhóm chốt chặn trong rừng để ngăn chặn hoạt động trộm cắp lâm sản. Chị còn thường xuyên kết hợp với 4-5 nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách đi tuần tra đột xuất trong rừng vào ban đêm, vừa làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng vào ban đêm, vừa kiểm tra việc túc trực của anh em trong công tác bảo vệ rừng, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.
“Mùa khô, anh em thiếu nước sinh hoạt, căng thẳng với công tác phòng, chống cháy rừng. Còn mùa mưa phải nâng cao cảnh giác, phát hiện và xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng, trộm cắp lâm sản, săn bắn động vật hoang dã”- nữ Giám đốc tâm sự.
Một lần, chị cùng các nhân viên bảo vệ rừng đi chữa cháy rừng. Đang lúc dập lửa, bỗng dưng nghe tiếng rít trên không trung và một vật gì đó rơi xuống bìa rừng. “Lúc đó, tôi hỏi một số anh em chuyện gì vừa xảy ra, nhưng không ai trả lời.
Đến khi ra khỏi bìa rừng, các nhân viên mới cho biết đó là một quả mìn vừa phát nổ, nhưng lúc nãy không dám nói, vì sợ tôi hoang mang. Chính vì lẽ đó, tôi thương anh em nhiều. Công tác phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng vô cùng nguy hiểm. Trong lúc tính mạng bị đe dọa, anh em còn lo nghĩ cho tôi”- chị Hà chia sẻ.
Việc tuyển nhân viên bảo vệ rừng rất khó khăn. Đa số thanh niên ở khu vực này tìm việc làm ở các công ty, xí nghiệp. Nhận thấy vấn đề này, chị Hà chú trọng công tác chăm lo đời sống nhân viên bảo vệ rừng, tăng tiền khoán bảo vệ rừng. Nhờ thế, nhiều thanh niên xuất ngũ về địa phương đăng ký vào làm nhân viên bảo vệ rừng và gắn bó lâu dài với công việc.
Ông Lê Văn Trừ là nhân viên bảo vệ rừng ở đây được 5 năm. Qua thời gian làm việc, ông nhận thấy lực lượng bảo vệ rừng được quan tâm và có thu nhập tốt, cuộc sống nhờ đó ổn định hơn. “Tôi ấn tượng nhất là hình ảnh nữ Giám đốc không ngại gian nan, vất vả, thường xuyên tham gia phòng, chống cháy rừng với anh em vào mùa khô và tuần tra, kiểm tra rừng vào ban đêm. Anh em chúng tôi đều tôn trọng gọi thủ trưởng là nữ tướng rừng xanh”- ông Trừ bộc bạch.
Anh Chu Đức Toàn, ngụ ấp 2, xã Suối Ngô (huyện Tân Châu)- hộ dân hợp đồng với Ban Quản lý rừng cũng không ngớt lời khen ngợi về nữ Giám đốc: “Cô Hà là một cán bộ rất tuyệt vời. Thời gian qua, cô Hà và các cán bộ của Ban Quản lý thường xuyên đến gặp gia đình tôi để trao đổi về công tác phòng cháy chữa cháy, chăm sóc cây rừng. Nhờ thế, nhiều năm qua, rừng của gia đình tôi luôn tăng trưởng tốt và chưa bao giờ xảy ra cháy rừng hoặc bị mất cắp cây rừng”.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong ngành Kiểm lâm và trong công tác giữ rừng, rất hiếm nữ giới tham gia; nữ cán bộ giữ cương vị lãnh đạo càng hiếm hơn. “Là người có cá tính mạnh mẽ, thái độ làm việc quyết đoán, dũng cảm, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, chị Hà đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mới đây, chị được bổ nhiệm chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh. Đối với Tây Ninh, đến thời điểm hiện nay, chị Hà là nữ lãnh đạo duy nhất trong lĩnh vực này”- ông Xuân nói.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chuyen-ve-nguoi-nu-can-bo-kiem-lam-a142973.html