Chuyện về người phụ nữ hơn 40 năm may cờ Tổ quốc

65 tuổi, bà vẫn cần mẫn ngồi bên chiếc máy khâu, cẩn thận trong từng đường kim, mũi chỉ để may những lá cờ Tổ quốc. Bà là Nguyễn Thị Mai, ở số nhà 90, đường Bùi Thị Xuân, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa).

Hơn 40 năm qua, bà Mai vẫn cần mẫn may từng lá cờ Tổ quốc.

Đó là cơ duyên…

Bà Mai và chồng là ông Trần Văn Lực từng tham gia quân ngũ ở Trung đoàn 532. Sau này, bà về công tác tại Quốc doanh may đo Thanh Hóa. Bà làm quen với việc may cờ Tổ quốc cũng từ nơi đây. Bà Mai nhớ lại: “Vào dịp lễ, người lao động thường được giao may cờ Tổ quốc. Tôi nhờ có bố là thợ lành nghề hướng dẫn thêm nên nhanh thạo nghề. Sau khi giải ngũ, tôi lại theo nghề của ông”.

Khi về hưu, bà Mai tiếp tục với nghề may. Bà ra chợ Vườn Hoa (cũ) may quần áo thuê. Tại đây, bà cũng được nhận may cờ Tổ quốc. Vốn đã có kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo, bà trở thành người thợ may cờ đẹp nhất ở chợ Vườn Hoa lúc bấy giờ. Nhờ sự “nổi tiếng” này, đơn đặt hàng ngày càng nhiều hơn, thậm chí một mình bà khi xoay sở không kịp phải thuê thêm thợ. Bà cười dí dỏm, bảo: “Khi về hưu, nghĩ đến việc ra chợ may thuê là để vui tuổi già. Tại đây, được nhận nhiều đơn may cờ Tổ quốc, tôi nghĩ đó là duyên nên quyết định đi làm bà chủ may cờ”.

Nói là làm, bà Mai về nhà mở cửa hàng may cờ, dừng việc may thuê ở chợ. Đây được xem là sự thay đổi lớn đối với hai vợ chồng bà khi tuổi già đã ngấp nghé…

Tự hào đã góp phần

giữ “hồn kỳ”

Trước bà may thuê, lấy tiền công. Giờ làm chủ, bà lại tạo việc làm cho người khác. Bà ra Hà Nội lấy vải, loại sa-tanh, không phải vải phin như trước đây. Sa-tanh may khó hơn nhưng với chất vải này sẽ cho lá cờ đẹp hơn. Thú vị, người cắt vải lại chính là chồng bà, ông Trần Văn Lực. Bà khen ông khéo tay, dù cắt thủ công nhưng ông cắt đẹp, cắt chuẩn.

Đến hôm nay, đã có hơn 40 năm may cờ nhưng khi giao hàng cho thợ may cũng như lúc trực tiếp ngồi vào máy, bà vẫn luôn nhắc nhở mọi người cũng như chính bản thân: May cờ rất đơn giản nhưng nếu chủ quan, may ẩu thì sẽ hỏng lá cờ. Đấy là lời dặn của bố bà trước đây, khi lần đầu tiên bà may cờ ở Quốc doanh may đo. Bà Mai chia sẻ: “Bố dặn tôi, may cờ, khó nhất là khâu cắt khoét và đính hình sao trên nền cờ đỏ. Đường cắt dứt khoát và khi đính phải căn chuẩn, đỉnh ngôi sao phải nằm chính giữa… Khi thợ may chưa chuẩn thì chính tôi sẽ may lại để lá cờ được hoàn thiện”.

Vậy nên, những lá cờ Tổ quốc ở cửa hàng bà luôn được khách hàng ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đặt mua. Đặc biệt, vào dịp lễ, có thời điểm nhận đơn đặt lên đến hàng nghìn lá.

Sau hàng chục năm được gắn bó với may cờ, bà Mai nhận ra, công việc dần trở thành niềm đam mê, nếu dứt bỏ thật khó. Một công việc lời lãi không nhiều nhưng vẫn bị cuốn hút đến lạ kỳ. Bà cho biết: “Thu nhập không cao vì thực tế đây chỉ là một xưởng nhỏ, nếu có vốn để mở rộng đầu tư sản xuất thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Nhưng, vợ chồng tôi tuổi cũng đã nhiều, có một công việc để làm khi về già đã là niềm vui lớn. Càng tự hào hơn, khi gia đình được góp phần để giữ “hồn kỳ” cho Tổ quốc”.

Tìm ở xứ Thanh này, thật hiếm người còn may cờ trong một thời gian dài như bà. Nhưng như bà chia sẻ, tất cả đều là duyên, bởi sau khi về hưu, nếu không ra chợ may quần áo thuê thì chắc gì bà còn gắn bó với công việc này đến ngày hôm nay. Bà trải lòng: “Tuổi ngày càng cao nhưng nhìn thấy cờ đỏ sao vàng lại khí thế ngay. Có hôm hai vợ chồng giận nhau nhưng cứ vợ ngồi may, chồng ngồi cắt thì thấy mọi việc lại trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều”.

Chúng tôi đến thăm bà đúng dịp kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Bên trong nhà bà, từ chiếc loa nhỏ, vang lên lời hát: “Mười chín tháng Tám, ánh sáng tự do đưa tới. Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn…”, tôi bỗng thấy vui và ấm áp lạ thường.

Ngoài kia, đường phố cũng đã nhuộm màu cờ đỏ sao vàng…

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/chuyen-ve-nguoi-phu-nu-hon-40-nam-may-co-to-quoc/20766.htm