Chuyện về những bác sĩ trực cấp cứu

Gắn bó với nhiệm vụ trực cấp cứu nhiều năm, các bác sĩ (BS) tôi rèn cho mình tính nhanh nhẹn, quyết đoán và luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân (BN) bất kể ngày, đêm. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các BS trực cấp cứu BN Covid-19 tạm gác việc riêng, vượt qua nỗi sợ dịch bệnh để hết lòng, hết sức cứu chữa BN.

Tận tụy vì bệnh nhân

Trót yêu chiếc áo blouse trắng, tấm lòng nhân ái trong cứu người của các thầy thuốc, BS Đỗ Thị Kiều (44 tuổi) - Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Long An ấp ủ ước mơ vào ngành Y khi còn nhỏ để giúp đỡ nhiều BN. Càng trưởng thành, mơ ước ấy của BS Kiều càng lớn dần và được hiện thực hóa sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng không ngừng trên con đường đã lựa chọn.

Bác sĩ Đỗ Thị Kiều luôn hết lòng vì bệnh nhân

Bác sĩ Đỗ Thị Kiều luôn hết lòng vì bệnh nhân

20 năm gắn bó với nghề, BS Kiều luôn giữ lửa đam mê, tinh thần nhiệt huyết với nghề và tận tụy vì BN của mình. Trong đó, hơn 10 năm làm việc tại khu cấp cứu - nơi “đầu sóng ngọn gió”, tiếp nhận nhiều loại bệnh nặng, nhẹ khác nhau, BS Kiều cố gắng làm hết sức mình với tất cả cái tâm người ngành Y. Từng gặp các tình huống quá khích của gia đình BN, BS Kiều vẫn bình tĩnh, đặt mình vào vị trí, tâm lý của BN để xử lý và ưu tiên việc cấp cứu BN lên hàng đầu.

BS Kiều tâm sự: “Làm việc tại khu cấp cứu, các BS không tránh khỏi việc gặp nhiều tình huống bất ngờ. BN say xỉn, bốc đồng, người nhà BN nóng nảy, làm ồn,... Khi ấy, tôi chọn cách từ từ giải quyết và trao đổi, giải thích với người “nguội” nhất để có sự hợp tác giữa BN, người nhà BN và BS”.

Bác sĩ Đỗ Thị Kiều khám bệnh cho bệnh nhân tại khu cấp cứu

Bác sĩ Đỗ Thị Kiều khám bệnh cho bệnh nhân tại khu cấp cứu

Làm việc tại khu cấp cứu, BS Kiều trực đêm 2 ngày/tuần. Cứ đều đặn như vậy, BS Kiều chưa một lần than trách nghề vất vả vì đó là một phần công việc, cuộc sống của chị. “Dù trực ngày hay đêm, trách nhiệm của BS trực cấp cứu luôn tỉnh táo, sẵn sàng tiếp nhận BN. Trong quá trình khám, chữa bệnh khi cấp cứu BN, tôi luôn phản ứng nhanh và đưa ra phương án điều trị sớm nhất có thể, nhất là các bệnh cần cấp cứu kịp thời để vượt qua giai đoạn nguy hiểm trước khi chuyển tuyến” - BS Kiều thông tin.

Đặc biệt, từ giữa tháng 12/2021 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành thành lập 20 giường điều trị BN Covid-19, BS Kiều trở thành BS đảm nhận chính nơi đây. Tạm gác chuyện gia đình, BS Kiều toàn tâm, toàn ý điều trị BN Covid-19. Có những hôm BS Kiều mặc đồ bảo hộ, ở nhiều giờ liền trong khu cách ly để điều trị BN Covid-19.

Hay khi tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn huyện, BS Kiều trực cấp cứu tiêm ngừa đến tận khuya hoặc nhận hàng trăm cuộc gọi điện thoại/ngày để tư vấn các triệu chứng sau tiêm ngừa cho người dân,... Vất vả là vậy nhưng BS Kiều vẫn vui và tự hào vì mình được làm công việc mình đam mê, trân quý và hơn hết là góp một phần công sức giúp BN.

Thấu hiểu, sẻ chia cùng bệnh nhân

Nuôi dưỡng ước mơ vào ngành Y để biết cách tự chăm sóc mình và người thân, BS Lâm Thái Bình - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ, nỗ lực học tập suốt những năm phổ thông để hiện thực hóa khát khao thuở nhỏ. Có mục tiêu, quyết tâm trên con đường đã chọn, cậu học trò Bình ngày nào đã trở thành BS. Và khi trở thành BS, ước mơ của anh dần lớn hơn, là cống hiến sức mình để cứu chữa nhiều BN nhất có thể.

“Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn ngành Y” - bác sĩ Lâm Thái Bình trải lòng

“Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn ngành Y” - bác sĩ Lâm Thái Bình trải lòng

22 năm gắn bó với nghề, vượt qua những trở ngại cá nhân và khó khăn của nghề, BS Bình vững chãi tiến về phía con đường đã chọn từ nhỏ. BS Bình trải lòng: “Nghề y vất vả mà BS trực cấp cứu càng vất vả hơn, phải luôn có “trái tim nóng, cái đầu lạnh” để bình tĩnh, quyết đoán trong cứu chữa BN. Bởi, tại khoa cấp cứu có nhiều BN nặng, diễn biến xấu, nhiều mô hình bệnh phức tạp,... Ngoài khám, chữa bệnh, BS còn phải thấu hiểu, sẻ chia và động viên tinh thần BN. Có thể khẳng định, liều thuốc tinh thần rất quan trọng trong cuộc chiến với bệnh tật và hồi phục sức khỏe của BN”.

Chính vì luôn hiểu và cảm thông cho BN, người nhà BN nên BS Bình chưa một lần nóng tính hay tỏ thái độ không tốt trong quá trình khám, chữa bệnh. Trong quá trình khám, chữa bệnh, BS Bình luôn giải thích rõ ràng, dễ hiểu về bệnh tình của BN để BN và người thân hiểu rõ, thực hiện đúng yêu cầu của BS. Đối với một số bệnh đặc biệt, BS Bình chỉ trao đổi với người nhà BN.

Không chỉ tận tụy về chuyên môn, BS Bình còn chú trọng vấn đề y đức. 12 điều y đức luôn được BS Bình nhớ kỹ và nó như thước đo hành động, cách ứng xử của anh. Đồng thời, BS Bình cũng quan niệm, quan tâm thật tâm, xem BN như người thân thì BN sẽ cảm nhận được tình cảm ấm áp ấy, từ đó chịu hợp tác và tin tưởng BS. Nhờ vậy, công việc của BS trở nên thuận lợi hơn và đặc biệt là BN an tâm, lạc quan khi điều trị bệnh.

Ngoài khám, chữa bệnh, bác sĩ Lâm Thái Bình luôn quan tâm, động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bệnh nhân

Ngoài khám, chữa bệnh, bác sĩ Lâm Thái Bình luôn quan tâm, động viên, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bệnh nhân

BS Bình trải lòng: “Công việc BS trực cấp cứu vất vả, không phân biệt ngày lễ, tết, có lịch phân công thì phải trực, đôi lúc không có nhiều thời gian cho gia đình,... tuy nhiên, niềm vui với nghề lại rất to lớn. Đó là được cứu chữa BN, đem lại niềm vui cho mọi người. Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn chọn ngành Y và luôn tự hào với ngành của mình”.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Đức Huệ, BS Bình cũng tham gia cứu cấp, điều trị BN Covid-19. Tuy lúc đầu có chút lo lắng khi “đối đầu trực tiếp” với căn bệnh nguy hiểm nhưng BS Bình vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cả 3 đợt tham gia điều trị BN Covid-19, ngoài điều trị, BS Bình còn quan tâm, động viên, chia sẻ giúp BN có thêm tinh thần, nghị lực sống, mạnh mẽ chiến đấu với dịch bệnh, giành lại sự sống.

Dù có vất vả, mệt nhọc sau những ca cấp cứu, đêm trực dài, các BS vẫn vui và tự hào khi được góp sức phục vụ, chăm sóc sức khỏe BN. Niềm vui lớn nhất của các BS là BN khỏi bệnh, xuất viện trong tiếng cười với gia đình./.

Dù có vất vả, mệt nhọc sau những ca cấp cứu, đêm trực dài, các bác sĩ vẫn vui và tự hào khi được góp sức phục vụ, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Niềm vui lớn nhất của các bác sĩ là bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện trong tiếng cười với gia đình”.

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-ve-nhung-bac-si-truc-cap-cuu-a131022.html