Chuyện về những chiến sĩ Công an buộc dấu vết 'lên tiếng'

Mỗi lần nhận tin có vụ việc chết người xảy ra, Tổ công tác thuộc Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Đắk Nông lại gấp rút mang phương tiện chuyên dụng lên đường. Công tác tiếp cận hiện trường càng sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, vì các dấu vết để lại dễ bị biến đổi theo thời gian, thời tiết và có thể mất đi tính nguyên vẹn của nó.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu, Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng KTHS, người có 18 năm gắn bó với công việc này chia sẻ: "Nhất là đối với những vụ án chưa rõ thủ phạm thì mỗi khi tham gia khám nghiệm đều mang lại những cảm xúc khó tả. Có thể phát hiện những dấu vết dạng "dấu vết ẩn" mà mắt thường khó nhìn thấy, như: đường vân, máu, tinh dịch, sợi vải... Nếu như không phát hiện được dấu vết nào sau khám nghiệm thì đó là một thất bại với chúng tôi".

Tham gia thực nghiệm điều tra vụ giết người đốt xác phi tang ở Đắk Song.

Tham gia thực nghiệm điều tra vụ giết người đốt xác phi tang ở Đắk Song.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu, từ kết quả khám nghiệm hiện trường, có thể giúp điều tra viên, giúp cơ quan điều tra nhận định, có hay không có dấu hiệu tội phạm, làm cơ sở định hướng các hoạt động điều tra tiếp theo và quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án và căn cứ để chứng minh tội phạm trong quá trình điều tra. Do đó, trong khám nghiệm, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt và thực hiện đúng phương châm "kịp thời, chính xác, tỉ mỉ, khách quan, khoa học và toàn diện".

"Những chuyện băng rừng, lội suối, làm đêm, thức khuya trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành công việc đối với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị là điều hết sức bình thường…". Trung úy Hà Văn Lượng, cán bộ Đội Khám nghiệm hiện trường, Phòng KTHS chia sẻ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Đội Khám nghiệm hiện trường đã tiến hành khám nghiệm hơn 200 vụ việc, trong đó, có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, Vào tháng 9/2022 từ kết quả khám nghiệm hiện trường và các thông tin thu thập được của Phòng KTHS đã giúp cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ án giết người, đốt xác phi tang xảy ra tại huyện Đắk Song. Mới đây, người dân phát hiện một người đàn ông chết bên đường ở khu vực thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R'lấp. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi đã định hướng giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ gây tai nạn giao thông chết người rồi bỏ trốn.

Thượng tá Hoàng Minh Tiến, Phó trưởng Phòng KTHS Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đi đôi với công tác khám nghiệm thì kết luận giám định dấu vết, vật chứng là bằng chứng khoa học duy nhất giúp cơ quan điều tra có định hướng đúng đắn khi phá án cũng như củng cố chặt chẽ nguồn chứng cứ, truy nguyên thủ phạm hoặc bị hại… Chính vì vậy, bất kỳ vụ án nào, dù lớn hay nhỏ, công tác khám nghiệm hiện trường là bước đi đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng.

CBCS luôn có mặt tại địa điểm xảy ra vụ việc sớm nhất để thu thập và khai thác một cách triệt để các dấu vết, vi vết mà nghi phạm để lại,. Việc tiếp cận hiện trường càng nhanh càng có ý nghĩa to lớn trong việc phát hiện, thu lượm, bảo quản dấu vết, nhất là các loại dấu vết có giá trị truy nguyên như: dấu vết công cụ, dấu vết đường vân, dấu vết sinh học (ADN) hay nguồn hơi.

Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể nhanh chóng lần tìm được dấu vết bởi có nhiều vụ việc, hiện trường gần như bị xáo trộn buộc những người lính KTHS phải vận dụng những kinh nghiệm của mình để thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ được nguyên nhân sự hình thành và tồn tại của dấu vết hình sự, giúp cơ quan điều tra phá án thành công.

Tuy không trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện với tội phạm nhưng trong mỗi vụ án, chuyên án được khám phá thành công luôn có sự đóng góp âm thầm nhưng rất quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Phòng KTHS Công an tỉnh trong việc tìm kiếm buộc dấu vết "lên tiếng".

Minh Quỳnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chuyen-ve-nhung-chien-si-cong-an-buoc-dau-vet-len-tieng-i694948/