Chuyện về những 'chiến sĩ' tuyến đầu trong khu cách ly ngõ 165 Cầu Giấy
2 căn hộ có 1 trường hợp dương tính với Covid-19 trong ngõ 165 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng sẽ chính thức hết 28 ngày cách ly theo quy định vào ngày 7/4. Sau thời gian này, người dân trong khu vực sẽ trở lại cuộc sống bình thường như trước đó.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có sự “bình thường” đó, các lực lượng chức năng, đặc biệt những người trực tiếp làm việc tại khu vực cách ly đã phải hy sinh rất nhiều, thậm chí còn vấp phải sự xa lánh của một số người chưa nhận thức rõ về con đường lây lan của dịch bệnh.
Thèm cảm giác được gần người thân
Chiều muộn ngày 31/3, chúng tôi có mặt tại khu vực ngõ 165 đường Cầu Giấy, khu vực cách ly thứ 2 của TP Hà Nội (sau khu phố Trúc Bạch). Tại đây, lực lượng công an phường, lực lượng tự quản phường Dịch Vọng vẫn kiên cường bám trụ chốt trực để kịp thời đáp ứng những nhu cầu cần thiết của người dân trong khu vực cách ly cũng ngăn chặn người dân di chuyển vào khu vực này.
Ngồi trên chiếc ghế nhựa hướng mặt về phía khu vực cách ly, Thượng sĩ Trịnh Minh Đức - cán bộ Công phường Dịch Vọng, Công an quận Cầu Giấy chia sẻ: Hơn 20 ngày rồi, ngày mưa cũng như ngày nắng nhiệm vụ của chúng tôi không thay đổi.
Tiếp câu chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Thượng sĩ Trịnh Minh Đức cho biết, vừa nhận công tác ở phường được vài tháng thì khu vực cuối ngõ 165 đường Cầu Giấy phải cách ly, thoáng cái đã hơn 20 ngày.
"Cũng từ ngày đó (ngày 11/3), cuộc sống của mình và 5 anh em trong tổ đã xáo trộn rất nhiều, nhưng ai nấy đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Nhà em ngay ở Đội Cấn, cách khu cách ly chỉ vài km, nhưng từ ngày đó tất cả anh em trong tổ đều phải ở một khu vực riêng không được về nhà, về cơ quan. Ban đầu, nhiều người cũng hoang mang, nhưng sau dần ai cũng thấy đây là việc làm cần thiết. Bởi, làm sao biết được mình có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, nếu gặp gỡ, tiếp xúc với người thân trong gia đình thì rất nguy hiểm”- Thượng sĩ Trịnh Minh Đức chia sẻ.
Đây cũng là tâm sự của bà Nguyễn Thị Bích Liên - Phó Trưởng trạm Y tế phường Dịch Vọng.
Theo bà Liên, từ ngày cách ly khu vực cuối ngõ 165 Cầu Giấy, chị đã phải tạm thời rời xa 2 đứa con nhỏ do thường xuyên phải tiếp có mặt trong khu vực cách ly để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe của người dân. Mặc dù trong quá trình làm nhiệm vụ, các lực lượng chức năng đã mặc bảo hộ, phun khử khuẩn kỹ càng nhưng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm thì việc tránh hạn chế tiếp xúc là điều cần thiết.
"Mỗi khi nhớ nhau, mẹ con lại lấy điện thoại ra gọi nhau, chứ cố gặp nhau lúc này chẳng biết chuyện gì có thể xảy ra với gia đình, xã hội" - bà Liên nói.
Thường trực nguy cơ thành… F2
Bà Nguyễn Thị Bích Liên - Phó Trưởng trạm Y tế phường Dịch Vọng cũng cho biết, dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn TP, đặc biệt là khi quận Cầu Giấy xuất hiện ca dương tính đầu tiên, ngoài việc thay nhau có mặt tại khu vực cách ly, các cán bộ trạm y tế phường phải thường xuyên cập nhật, thống kê, rà soát danh sách trường hợp tiếp xúc gần để tiến hành cách ly theo dõi. Cũng từ ngày đó, ngày làm việc của các bộ, nhân viên trạm y tế phường đã kéo dài đến tận nửa đêm mà việc vẫn chất như núi.
“Khi biết tôi thường xuyên phải có mặt tại khu vực cách ly, người thân, bạn bè gọi điện hỏi thăm xem cần cái gì không để hỗ trợ… Những lúc như thế, tôi chỉ nói, mình đã được Nhà nước, các tổ chức đoàn thể lo cho rồi, nếu thật lòng lo lăng cho tôi, các bạn hãy ở yên trong nhà, hạn chế tụ tập đông người” - bà Nguyễn Thị Bích Liên nói.
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Việt Trung cho biết thêm, được sự quan tâm chỉ đạo của TP, quận Cầu Giấy và tổ chức đoàn thể, mạnh thường quân các nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ, chốt trực trong khu vực cách ly, rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với các ca dương tính… đã được trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ, nước khử trùng, khẩu trang khi làm nhiệm vụ.
Và dù đã được trang bị khá đầy đủ song nguy cơ trở thành người tiếp xúc gần, F2, F3, thậm chí là F1 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. "Với nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó chúng tôi sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất xảy ra với bản thân, thậm chí là gia đình mình" - ông Trung chia sẻ.
Những con người nơi "chiến tuyến" phòng, chống dịch Covid-19 ở khu cách ly ngõ 165 Cầu Giấy như ông Nguyễn Việt Trung, bà Nguyễn Thị Bích Liên rồi Thượng sĩ Trịnh Minh Đức (chiến sĩ mới ra trường được vài tháng) luôn sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với bản thân và gia đình.
Dẫu vậy, họ cũng không quên bày tỏ nguyện vọng, có chung mong muốn, đó là mỗi người dân hãy hạn chế tụ tập nơi đông người, thường xuyên tẩy trùng các bề mặt đồ dùng vật dụng, rửa tay thường xuyên và đúng cách, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng… để hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ bản thân và xã hội.